Nghề làm khăn xếp ở thôn Nhất

05:10, 26/10/2012

Theo những người cao tuổi ở thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) thì từ lâu, khăn xếp của thôn đã có mặt trên thị trường cả nước. Và hiện nay, nghề làm khăn xếp vẫn được người dân trong thôn duy trì và phát triển.

Nghề gia truyền

Anh Đoàn Văn Hưng, người từng có xưởng làm khăn xếp lớn nhất nhì thôn Nhất tâm sự: “Nghề làm khăn xếp trong thôn đã có từ lâu. Những năm năm mươi của thế kỷ trước, nghề làm khăn xếp của thôn phát triển rất mạnh, sản phẩm làm ra được vận chuyển đi bán khắp nơi”. Việc làm khăn xếp hoàn toàn thủ công, 1 chiếc khăn xếp 4 quấn 7 nếp (trước đây) được làm rất “kỳ công” với nhiều công đoạn. Lớp sơn lót được làm bằng ni-lon, cốt khăn được làm bằng bấc đèn (nay thay bằng mút). Vải quấn bằng nhiễu hoặc sa tanh (nay thay bằng nhiều loại vải khác nhau như nhung, gấm, phi bóng…). Khăn xếp có 2 loại, loại dùng cho nam, loại dùng cho nữ. Hai loại phân biệt bằng bản, bản phụ thuộc vào nếp. Khăn nam thường có bản từ 5-6 phân, nữ là 3 phân. Khăn nam đằng sau phía trên búi dựng đứng, phía trước mặt là lưỡi trai hình chữ nhân, trên là nếp, vành. Đối với khăn nữ, trước đây làm phẳng, sau này do nhu cầu thẩm mỹ phát triển được thêu thùa, đính kim sa cho đẹp. Trước đây, người trong thôn chỉ làm duy nhất loại khăn xếp màu đen. Hiện nay, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, khăn xếp được đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc. Ngoài khăn đội bình thường, còn có các loại khăn nam, nữ dùng cho tế, lễ, phục vụ lễ hội. Người trong thôn còn làm thêm các loại khăn dùng cho các loại hình nghệ thuật dân tộc được sử dụng trong các vở diễn chèo, tuồng, hát chầu văn… Ngoài ra, để đáp ứng những nhu cầu khác như các loại khăn đội của cô dâu, khăn mừng thọ… cũng được “sản xuất”. Cũng do nhu cầu sử dụng thay đổi, số quấn, số nếp của khăn cũng thay đổi theo. Thay vì 4 quấn 7 nếp như trước, giờ đa số khăn xếp trong làng được quấn với 6 quấn 9 nếp. Cụ Nguyễn Văn Chèo, có “thâm niên” với nghề làm khăn xếp hơn 20 năm cho biết: “Tôi thấy ông rồi bố tôi làm từ ngày còn nhỏ. Cho đến bây giờ tuy mắt đã kém, nhưng tôi sẽ còn làm khăn cho đến khi nào không làm được nữa”.

Hướng đi mới của một làng nghề

Hiện, thôn Nhất có 7 cơ sở của 7 hộ chuyên sản xuất khăn xếp. Mỗi cơ sở lại đầu tư nguyên vật liệu thuê khoảng 20 gia đình khác làm, theo phương thức mỗi hộ chuyên làm một công đoạn của chiếc khăn. Giờ đây, mỗi công đoạn đều có sự hỗ trợ của máy móc. Người làm nghề trong thôn đã sử dụng máy khâu để khâu khăn xếp, muốn in hình lên khăn đã có khung sẵn, chỉ cần phủ nhũ lên. Các nếp khăn cũng đã chắc hơn xưa nhờ sử dụng keo dán thay cho hồ gạo… Năng suất lao động nhờ đó cũng tăng lên. Trước đây, một người khâu tay “thành thạo” chỉ khâu được khoảng 10 cốt khăn/ngày. Hiện nay, nhờ có máy móc, một người làm nhanh có thể khâu được 100 cốt/ngày, mỗi cốt được tính công 2.000 đồng. Các khâu còn lại như cắt xốp, vẽ hoa… thu nhập từ 50 nghìn đồng/người/ngày trở lên. Người trong thôn coi nghề làm khăn xếp của họ là nghề “câu dầm”, làm quanh năm để tập trung xuất bán vào các tháng 1, 2 và tháng 8 là dịp có nhiều lễ hội. Thôn Nhất bây giờ ngoài làm khăn xếp còn làm cả khăn Huế (18 nếp), khăn chầu, áo ngự, áo hầu, áo the, khăn đội đầu cho người Thái, khăn thổ dành cho người Mường, khăn cho các đoàn nghệ thuật… Người trong thôn tự hào, hầu như không có sản phẩm “dân tộc” nào là họ không làm được. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất khăn luôn chọn nguyên liệu cẩn thận. Các loại sơn, nhũ, kim sa, keo, mút… đều phải được lựa chọn công phu. Vải được chọn may phải là loại vải lấy từ làng Vạn Phúc (Hà Nội). Anh Đoàn Văn Thủy, chủ cơ sở sản xuất khăn xếp ở tổ dân phố số 3 cho biết: “Gia đình tôi hiện thuê 20 lao động làm khăn liên tục trong cả năm. Mỗi năm, chúng tôi xuất bán khoảng hơn 30 vạn khăn. Trừ chi phí, thu nhập còn lại vẫn cao hơn nhiều lần so với làm nông nghiệp. Cái hay của nghề này là mọi người, đặc biệt là người già và trẻ em đều có thể tham gia làm, tận dụng được thời gian rảnh rỗi trong ngày”. Anh Đoàn Văn Phi, tổ dân phố số 3 cũng đã có mấy chục năm gắn bó với nghề làm khăn xếp chia sẻ: “Tùy theo từng loại khăn mà có giá bán khác nhau. Đắt nhất vẫn là các loại khăn chầu dùng cho các giá đồng, thường bán khoảng 100 nghìn đồng/chiếc. Các loại khăn còn lại dao động từ 20 nghìn đồng trở lên tùy loại lớn, nhỏ khác nhau. Hàng trong thôn được xuất bán chủ yếu ra phố Hàng Quạt (Hà Nội). Từ Hà Nội, hàng hóa tỏa đi khắp các vùng miền trong cả nước. Chỉ cần người mua gọi điện đặt hàng, các cơ sở sản xuất trong thôn sẽ đóng hàng gửi đi kịp thời".

Với nghề làm khăn xếp, đời sống của bà con trong thôn Nhất đã khấm khá lên. Tuy thu nhập còn thấp so với một số làng nghề khác trong tỉnh, thị trường nhiều khi biến động, bấp bênh song nghề làm khăn xếp của thôn vẫn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con./.

Bài và ảnh: Hoa xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com