Vụ Bản phát triển ngành nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

07:07, 03/07/2012

 Trong Chương trình phát triển CN-TTCN, làng nghề giai đoạn 2010-2015, huyện Vụ Bản xác định: Việc duy trì và phát triển làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ định hướng đó, huyện Vụ Bản đã tập trung chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách và các giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn, phấn đấu đến năm 2015, tất cả các xã, thị trấn đều có nghề.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng  NTM, huyện Vụ Bản đã chọn 6 xã gồm Hiển Khánh, Minh Thuận, Minh Tân, Trung Thành, Liên Minh và Thị trấn Gôi làm điểm xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Khó khăn trong tiến trình xây dựng NTM ở các xã điểm là vấn đề giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, huyện Vụ Bản đã tập trung các giải pháp, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào năm 2020. Định hướng trong phát triển làng nghề giai đoạn 2010-2015 của huyện là phải bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, đẩy mạnh việc đào tạo nghề mới và tạo điều kiện cho các ngành nghề phát triển; trong đó ưu tiên các xã đang xây dựng NTM. Các xã Liên Minh, Trung Thành là các địa phương có làng nghề mây tre đan, sơn mài và cơ khí truyền thống nhưng hoạt động của các làng nghề còn nhỏ lẻ và tự phát, mặt bằng sản xuất chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất. Việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng nên các sản phẩm chưa tạo dựng được thương hiệu hàng hóa trên thị trường, giá trị kinh tế thấp. Bởi vậy, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung phát triển ngành nghề bắt đầu từ khâu quy hoạch phát triển nông thôn. Đến nay, cả 6 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 của huyện đều đã hoàn thành quy hoạch CCN. Trong đó, CCN xã Trung Thành đã đi vào hoạt động. Bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ của huyện, các xã, thị trấn cũng chủ động thực hiện nhiều biện pháp phát triển ngành nghề. Xã Trung Thành có làng nghề rèn truyền thống với các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn xã có 24 doanh nghiệp sản xuất cơ khí, thu hút hàng trăm lao động địa phương. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong xã không ngừng đổi mới thiết bị, cải tiến kỹ thuật, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Xã đã quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng CCN rộng 5,9ha để thu hút các doanh nghiệp làng nghề và phát triển một số nghề mới như may mặc, sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, đan móc hộp sợi xuất khẩu, sản xuất các sản phẩm da giày. Hiện tại, CCN xã đã có 2 Cty may xuất khẩu và nhiều cơ sở sản xuất cơ khí vào đầu tư xây dựng nhà xưởng phát triển sản xuất. Xã đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ môi trường tại CCN, thực hiện mở rộng diện tích CCN lên 20,59ha, áp dụng một số chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào CCN; phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, nâng cao kiến thức quản lý cho các doanh nghiệp và tổ chức đào tạo nghề cho người lao động… Xã Trung Thành phấn đấu từ nay đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 11 đến 12%; CN-TTCN, dịch vụ đạt 65-70% tổng giá trị sản xuất.

Xưởng  may công nghiệp thu hút trên 200 lao động tại xã Đại Thắng (Vụ Bản).
Xưởng may công nghiệp thu hút trên 200 lao động tại xã Đại Thắng (Vụ Bản).

Xã Liên Minh có nghề mây tre đan, sơn mài truyền thống. Để phát triển làng nghề, xã đã xây dựng CCN trên diện tích 4,8ha để các doanh nghiệp vào sản xuất tập trung. Hiện tại, xã đang đẩy mạnh việc xây dựng các công trình phụ trợ, như: đường giao thông, điện, nước…; kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển ngành nghề, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính tiếp cận các nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh để đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Ngoài ra, xã đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề để có lực lượng lao động có trình độ vào làm việc tại KCN Bảo Minh. Với sự hỗ trợ tích cực của Đảng uỷ, UBND xã nên làng nghề đã duy trì và phát triển. Bên cạnh đó, các hộ làm nghề trong xã chuyển mạnh sang sản xuất các sản phẩm sơn mài xuất khẩu, từng bước khôi phục lại nghề sản xuất đồ thờ sử dụng chất liệu sơn ta truyền thống và nghề phục dựng các công trình văn hóa. Ông Vũ Đình Khiêm, giám đốc Cty TNHH Thịnh Cường, thôn Ngõ Trang cho biết: “Thời gian qua, để duy trì hoạt động, các Cty trên địa bàn xã đã liên kết chặt chẽ thực hiện các đơn hàng lớn, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kiểu dáng sản phẩm và chung sức tìm kiếm các đối tác mới. Hiện tại, Cty đang đầu tư thêm máy móc trang thiết bị và đào tạo nhân lực đáp ứng các đơn hàng lớn… Trong năm qua, Cty đã nhận được đơn hàng trang trí một số công trình văn hóa tại Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, Cty đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để mở rộng thị trường sang Lào và Căm-pu-chia…”.

Đối với những xã chưa có nghề như Hiển Khánh, Minh Thuận, Minh Tân và Thị trấn Gôi, huyện khuyến khích dạy nghề, du nhập nghề mới phù hợp với điều kiện của địa phương như: mây tre đan, may công nghiệp, thêu ren; chế biến gỗ, lương thực, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng. Gắn việc du nhập nghề mới với việc tạo điều kiện về vốn, quỹ đất cho phát triển sản xuất và nhóm hộ sản xuất, các tổ hợp tác… phát triển thành các doanh nghiệp, HTX CN-TTCN ở nông thôn, từng bước hình thành các làng nghề mới. Các xã Minh Tân, Minh Thuận, Thị trấn Gôi đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức dạy nghề mây tre đan, may công nghiệp và đan móc sợi, bẹ chuối cho lao động nông thôn. Hiện tại, nghề may công nghiệp đang phát triển mạnh tại các xã Minh Thuận, Minh Tân và Thị trấn Gôi; nghề thêu ren và đan móc sợi đã từng bước ổn định sản xuất ở các xã Minh Thuận, Minh Tân. Bên cạnh việc du nhập nghề mới, các xã còn tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, bảo đảm an ninh cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Xã Hiển Khánh đã tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn và kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức sản xuất trên địa bàn để giải quyết lao động tại chỗ… Đến nay, trên địa bàn xã đã có 5 cơ sở sản xuất hàng mây tre đan và có trên 200 hộ dân có máy may công nghiệp, thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, Cty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Vinh đã đi vào hoạt động với năng lực sản xuất 40 triệu sản phẩm/năm, tập trung vào các nhóm sản phẩm như gạch xây, ngói lợp và gạch lát nền… giải quyết việc làm, thu nhập cho hơn 200 lao động của xã. Năm 2012, dự kiến Cty sản xuất và tiêu thụ khoảng 42 triệu sản phẩm, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 250 lao động. Với việc tập trung thực hiện các giải pháp phát triển CN-TTCN, từ một xã thuần nông, đến nay, cơ cấu kinh tế của xã Hiển Khánh đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ. Hiện tại đã có thêm 7% lao động nông nghiệp của xã chuyển sang làm CN-TTCN và dịch vụ, thu nhập của người dân đạt 9,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2009. Xã Minh Tân cũng đã thu hút được sự đầu tư của Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) vào địa bàn, bước đầu đã tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc thực hiện các giải pháp quy hoạch CCN, cho vay vốn, xã Minh Thuận đã phát huy thế mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc đào tạo nghề cho hội viên. Hội Phụ nữ xã có vai trò nòng cột trong việc phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của tỉnh, của huyện tổ chức dạy nghề thêu ren, may công nghiệp và hỗ trợ kiến thức khởi sự doanh nghiệp, maketing, lập kế hoạch về sản xuất kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, văn hoá trong doanh nghiệp, đàm phán thương thuyết trong doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu và giới thiệu sản phẩm cho các hội viên… làm cơ sở cho việc hình thành các tổ hợp sản xuất CN-TTCN. Đến nay, toàn xã đã có trên 300 lao động làm nghề thêu ren và hơn 200 lao động nữ đang làm việc tại các tổ hợp trên địa bàn xã, với mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Với các giải pháp và cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ, duy trì mở rộng nghề truyền thống và đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tạo tiền đề cho các xã, thị trấn của huyện thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho nông dân theo tiêu chí xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com