Tăng cường quản lý thị trường nông thôn

07:07, 03/07/2012

Hiện nay, thị trường hàng tiêu dùng khá đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế ở địa bàn nông thôn trong tỉnh vẫn diễn ra tình trạng lợi dụng sự thiếu thông tin về sản phẩm của người dân, một số đối tượng kinh doanh đã đưa hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng về tiêu thụ. Các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng thường xuất hiện ở các nhóm hàng thiết  yếu  như:  hàng tiêu dùng, thiết bị điện, điện tử, vật tư nông nghiệp… thường được bày bán công khai ở hầu hết các chợ nông thôn và các cửa hàng kinh doanh tổng hợp trong tỉnh.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kinh doanh mặt hàng điện tử tại xã Hải Vân (Hải Hậu).
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kinh doanh mặt hàng điện tử tại xã Hải Vân (Hải Hậu).

Trên địa bàn huyện Xuân Trường, hiện có 398 doanh nghiệp và 4.500 hộ cá thể tham gia sản xuất, kinh doanh. Là địa bàn giáp ranh với tỉnh Thái Bình, huyện Xuân Trường trở thành một trong những đầu mối trung chuyển hàng kém chất lượng vào tiêu thụ tại địa bàn nông thôn trong tỉnh. Các loại hàng hóa kém chất lượng được trà trộn lẫn với các sản phẩm chính hãng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả nhãn hiệu của các hãng lớn có uy tín; sản xuất, đóng gói hàng hóa không đúng như tiêu chuẩn công bố và đăng ký chất lượng sản phẩm với các cơ quan chức năng; quảng cáo, tiếp thị sai sự thật… Thời gian qua, lực lượng QLTT huyện Xuân Trường đã tăng cường kiểm tra, chốt gác tại bến phà Sa Cao, cầu Lạc Quần… để kịp thời phát hiện những vi phạm về hàng giả, hàng nhái mới xâm nhập vào địa bàn. Từ đầu năm đến nay, Đội QLTT huyện Xuân Trường đã kiểm tra đột xuất 208 vụ, phát hiện 139 vụ vi phạm, phạt hành chính, thu giữ, tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 140 triệu đồng. Trong đó đáng chú ý là 4 vụ vận chuyển hơn 100 thùng bánh kem xốp kém chất lượng mang nhãn hiệu Minh Châu, sản xuất tại huyện Thường Tín (Hà Nội) vào tiêu thụ tại địa bàn huyện Xuân Trường và trung chuyển đi các địa phương lân cận. Đối tượng làm hàng giả đã dùng thủ đoạn tạo lỗ hổng trong khay nhựa đựng bánh, đồng thời dùng bìa catton lót bên trong để tăng trọng lượng, không đảm bảo chỉ tiêu hàm lượng dinh dưỡng như công bố chất lượng. Với thủ đoạn này, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn khó có thể phát hiện hộp bánh mình mua là hàng kém chất lượng và đã bị ăn bớt hơn một nửa trọng lượng. Huyện Hải Hậu có hơn 30 vạn dân, sống chủ yếu bằng nghề nông, khai thác, chế biến thủy hải sản. Huyện có 3 thị trấn, khu du lịch Thịnh Long và hệ thống cảng biển, cảng cá phục vụ giao lưu thương mại đường thủy nội địa và quốc tế… nên chu trình trung chuyển và tiêu thụ hàng hóa lớn, diễn ra phức tạp. Ngoài nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, trên địa bàn còn đặc biệt quan tâm nhóm hàng vật tư nông nghiệp, sản phẩm thủy hải sản qua chế biến. Để bảo đảm thị trường lưu thông thông suốt, không xảy ra các hiện tượng tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào lưu thông trong nội địa, Đội QLTT huyện đã tập trung nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng khác như Công an kinh tế, Thanh tra, tập trung kiểm tra, kiểm soát các đầu mối trọng điểm có nguy cơ trung chuyển và lưu giữ hàng kém chất lượng vào địa bàn.  Đồng thời phối hợp với thanh tra ngành NN và PTNT, Y tế… tổ chức các đợt thanh tra chuyên đề về chất lượng hàng hóa nhóm vật tư nông nghiệp và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT huyện  đã kiểm tra, kiểm soát gần 200 vụ việc, xử lý 104 vụ vi phạm, trong đó 1 vụ lưu hành hàng cấm, 11 vụ hàng giả tem nhãn, 1 vụ an toàn vệ sinh thực phẩm, 3 vụ về niêm yết giá…; tịch thu hàng hóa và phạt hành chính giá trị gần 140 triệu đồng. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT huyện còn thường xuyên tuyên truyền về các hình thức, thủ đoạn gian lận của các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; cách nhận biết hàng kém chất lượng cho cộng đồng. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm này vẫn gặp nhiều khó khăn bởi các chế tài xử phạt còn nhẹ, mới dừng ở mức độ tiêu hủy hàng, mức xử phạt hành chính chưa có tính răn đe cao nên chưa hạn chế được tình trạng vận chuyển tiêu thụ hàng lậu, hàng giả. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ở vùng nông thôn chưa có thói quen tố giác khi mua phải hàng giả, hàng nhái nên hầu hết các trường hợp mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đều bị bỏ qua...

Để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng tại địa bàn nông thôn, ngoài việc nỗ lực của lực lượng QLTT, rất cần có sự “vào cuộc” của các ngành chức năng trong việc phối hợp tổ chức các phiên chợ ở nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giúp các doanh nghiệp tiếp cận và đưa hàng thật, hàng chất lượng đến với thị trường nông thôn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com