Để các công trình bảo vệ môi trường không bị lãng phí sau đầu tư

07:06, 28/06/2012

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở tỉnh ta đang ở mức báo động. Việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường nhằm xử lý, khắc phục, hạn chế nguồn thải. Tuy nhiên, trên thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít các công trình bảo vệ môi trường đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa được sử dụng hiệu quả.

Trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung CCN Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) bị ngừng hoạt động do không có nguồn kinh phí vận hành.
Trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung CCN Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) bị ngừng hoạt động do không có nguồn kinh phí vận hành.

Trong Dự án cải tạo nâng cấp đô thị, Thành phố Nam Định được đầu tư 150 thùng nhựa lớn, có nắp đậy để chứa rác. Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định đã tiếp nhận và phân bổ số lượng thùng rác trên các tuyến phố chính nhằm thu gom rác của người đi đường, khách du lịch, đồng thời giao nhiệm vụ quản lý, thu dọn rác cho từng tổ đội theo các tuyến phố, góp phần bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, đầu tháng 4-2012, hầu hết số lượng thùng rác đã bị gom lại, để dồn vào một số địa điểm; có điểm được đặt tới 5, 7 thậm chí hàng chục thùng rác nên hiệu quả sử dụng chưa đạt được tiêu chí đề ra. Nguyên nhân là do các hộ dân gần khu vực đặt thùng rác thường xuyên đổ rác thải sinh hoạt với số lượng lớn, thậm chí đổ bừa bãi ra ngoài, tạo thành các đống rác lớn, gây ô nhiễm môi trường khiến công nhân của Cty phải tốn thêm nhiều thời gian, công sức để tiến hành thu gom. Vì vậy Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định đành tập kết các thùng rác lại (!). Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trong toàn quốc được Bộ Y tế trang bị lò đốt rác thải y tế công nghệ cao Oval, với tổng kinh phí đầu tư 2,5 tỷ đồng, công suất đạt 350kg/ngày đêm. Đầu năm 2002, bệnh viện đã đưa vào sử dụng nhưng lượng rác thải thấp hơn so với công suất thiết kế của lò đốt, cộng với việc không thể chủ động trang trải được toàn bộ kinh phí vận hành nên giai đoạn đầu lò đốt rác không phát huy hết hiệu quả, thậm chí còn bị tạm ngừng hoạt động. Sau một thời gian dài, tình trạng lãng phí được khắc phục bằng việc thu gom, xử lý rác thải y tế của 10 bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Dự án xử lý nguồn nước thải có chứa kim loại rắn tại làng nghề đúc Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) được triển khai từ năm 2007 với sự hỗ trợ của Bộ KH và CN và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Sau khi đi vào hoạt động, dự án đã phát huy hiệu quả, thực hiện thu hồi, phân lọc xử lý toàn bộ lượng nước thải sau sản xuất của các hộ dân tại làng nghề. Tuy nhiên, sau khi hết giai đoạn hỗ trợ, dự án hoạt động gián đoạn do không có kinh phí vận hành. Tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực), thực hiện Dự án Quản lý chất thải nguy hại tỉnh Nam Định, các hộ sản xuất, tái chế nhôm được hỗ trợ vốn xây hố ga chứa nước thải từ quá trình nhúng rửa sản phẩm nhôm góp phần giảm thiểu chất thải nguy hại. Tuy nhiên, các hộ sản xuất liên tục phát triển về quy mô, công suất thì các hố ga không còn phát huy tác dụng do quá nhỏ. Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ) được đầu tư xây dựng trạm xử lý chất thải công suất 7-12 tấn/ngày, theo tiêu chí thân thiện với môi trường, sàng lọc và tái sử dụng 70% tổng lượng rác thải, song trạm xử lý chất thải không thể đưa vào vận hành vì địa phương không huy động đủ nguồn kinh phí để duy trì hoạt động… Trong điều kiện kinh tế khó khăn, hàng loạt công trình công phải tiết giảm, tạm dừng vì thiếu vốn thì những công trình bảo vệ môi trường chưa được đưa vào sử dụng gây ra sự lãng phí về kinh tế và gây nhiều bức xúc trước nhu cầu bảo vệ môi trường.

Để các công trình bảo vệ môi trường không bị lãng phí sau đầu tư, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tự nguyện thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và sử dụng đúng mục đích các dự án đầu tư. Tại các công trình chưa được sử dụng sau đầu tư, cần khẩn trương rà soát, tính toán phương án, chuyển đổi kế hoạch sử dụng. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cần được tăng cường, đồng thời tiến hành xử phạt cá nhân, đơn vị mắc sai phạm. Đặc biệt, các đơn vị cần tránh đầu tư dàn trải, chỉ đầu tư vào các công trình bảo vệ môi trường bảo đảm mọi tiêu chí: thiết bị hiện đại, nhân lực điều hành chất lượng cao và huy động đủ nguồn kinh phí duy trì hoạt động của công trình, nhất là trong giai đoạn đầu chưa có khả năng thu đủ mức kinh phí để vận hành./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com