Những "cánh đồng trăm triệu"

10:09, 06/09/2010

Cách đây 4-5 năm, khi các tỉnh vùng Đông bằng Bắc Bộ xây dựng cánh đồng cho nguồn thu 50 triệu đồng/ha/năm từ trồng cấy thì nhiều địa phương trong tỉnh đã có cánh đồng cho thu nhập cả trăm triệu đồng/ha/năm và đang được nhân lên trong phong trào chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, luân canh tăng năng suất cây trồng.

I - Công thức dưa - lúa

HTX Cốc Thành, xã Thành Lợi (Vụ Bản) bảo quản khoai tây giống trong kho lạnh cung ứng cho xã viên sản xuất vụ đông.  Ảnh: Dương Đức
HTX Cốc Thành, xã Thành Lợi (Vụ Bản) bảo quản khoai tây giống trong kho lạnh cung ứng cho xã viên sản xuất vụ đông.
Ảnh: Dương Đức

Đây là mô hình phù hợp với các vùng úng trũng cấy 2 vụ lúa trong năm được áp dụng ở các huyện phía bắc tỉnh như ở các HTX: Minh Tân, Minh Thành, Duy Tân (Vụ Bản); Bắc Cường, Nam Cường (Ý Yên)… rồi lan ra các xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), Trực Đại, Trực Thái, Trực Nội (Trực Ninh). Với mô hình này, có địa phương vẫn duy trì 2 vụ lúa trong năm nhưng đẩy sớm thời vụ gieo cấy vụ lúa mùa bằng cách cấy toàn bộ diện tích bằng lúa mùa sớm với các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn trên dưới 100 ngày và thu hoạch trong tháng 9 để dành thời gian cho cây dưa đông hiệu quả cao. Một số địa phương như Minh Tân, Minh Thành, Duy Tân…, sau khi thu xong vụ dưa đông, lại trồng tiếp vụ dưa xuân cho thu hoạch cao rồi mới cấy vụ lúa mùa. Sự sáng tạo này đang "màu hoá" vùng đất thịt trũng cho thu nhập rất cao. Phương thức luân canh dưa - lúa, các địa phương chủ yếu dùng cây dưa chuột bao tử, dưa chuột trung tử phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Vụ đông năm 2008, ở các HTX Minh Tân, Minh Thành…, bình quân thu 1 tấn dưa chuột/sào với giá 3900 đồng/kg, mỗi sào dưa đông người trồng có nguồn thu 3,9 triệu đồng (trên 108 triệu đồng/ha). Chưa kể 2 vụ lúa trong năm thì trồng dưa vụ đông đã có nguồn thu trên 100 triệu đồng/ha, nếu cộng cả vụ dưa xuân thì người trồng dưa có nguồn thu trên dưới 200 triệu đồng/ha và một vụ lúa mùa. Ở các xã Trung Thành (Vụ Bản), Nam Dương (Nam Trực) nông dân còn trồng dưa bầu bao tử vụ xuân, trung bình năng suất đạt 400-500 kg/sào; với giá bán 12 nghìn đồng/kg, mỗi ha người trồng dưa bầu đạt 133-167 triệu đồng.

II - Công thức lúa - cà chua

Những cánh đồng thâm canh theo mô hình lúa - cà chua cho thu nhập còn cao hơn mô hình lúa - dưa với 2 công thức: lúa xuân + lúa mùa + cà chua đông hoặc cà chua xuân + lúa mùa + cà chua đông. Mô hình này được nông dân các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng cụ thể là các xã: Hải Tây, Hải Tân, Hải Xuân, Hải Hoà, thị trấn Thịnh Long… (Hải Hậu); Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, thị trấn Quỹ Nhất… (Nghĩa Hưng); các HTXNN Thịnh Tiến, Quất Lâm… (Giao Thuỷ) trồng cấy. Bác Phạm Văn Hậu, xóm 14, xã Hải Tây cho biết: "Gần chục năm nay gia đình tôi và cả xóm 14 đều luân canh 2 vụ cà chua và 1 vụ lúa. Chỉ tính 2 vụ cà chua đông và xuân hè đã có nguồn thu trên 200 triệu đồng/ha". Năm 2009, với vụ cà chua đông và vụ cà chua xuân hè, bình quân người trồng cà chua ở Hải Tây đạt trên dưới 8 triệu đồng/sào (222 triệu đồng/ha). Đặc biệt vụ cà chua đông năm 2008 được giá, được năng suất, ở Hải Tây bình quân cho thu 6 triệu đồng/sào (?) Nếu cộng cả số thu trồng cà chua xuân hè thì người trồng cà chua 2 vụ ở Hải Tây đã có nguồn thu 10 triệu đồng/sào (278 triệu đồng/ha). Ở Hải Xuân nhiều hộ thu hoạch xong cà chua đông đã cắt bỏ cành nhỏ, lá… tập trung chăm bón tốt nên cây ra nhiều nhánh cho năng suất cao. Đặc biệt thâm canh cà chua tái sinh vụ hè thu giá "giáp hạt" đạt tới 9-10 nghìn đồng/kg. Không ít hộ ở các xã Hải Xuân, Hải Tây (Hải Hậu); thị trấn Quỹ Nhất, xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng)… có nguồn thu từ vụ cà chua tái sinh đạt 7 triệu đồng/sào trong nhiều năm nay. Ở Hải Tây, Hải Xuân rãnh cà chua xuân được cấy thêm vài hàng lúa, ở thị trấn Quỹ Nhất đào sâu rãnh thả cá cũng cho phụ thu khá từ vụ cà chua xuân hè.

III - Luân canh vùng đồng màu

Luân canh tăng vụ là thế mạnh của vùng đồng màu tại tỉnh ta và nông dân nhiều địa phương đã thâm canh 4-6 vụ trong năm với các cây có giá trị kinh tế cao, cây trái vụ, xen canh… cho thu nhập trên trăm triệu, thậm chí 200-300 triệu đồng mỗi ha. Ở HTX Hồng Phong (Giao Thuỷ) từ năm 1992 trở lại đây, 100% diện tích đều luân canh 3 vụ trở lên. Mô hình: Lúa xuân + lúa mùa + vụ đông cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Mô hình: Lạc xuân + dưa hấu + lúa mùa + khoai tây cho thu gần 200 triệu đồng/ha/năm, chiếm 38% tổng diện tích. Mô hình trên 200 triệu đồng/ha/năm chiếm 32% diện tích với công thức luân canh: khoai tây xuân + dưa hấu hè thu + lúa mùa sớm + dưa hấu đông. Mô hình thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm cũng là mô hình của HTX Thịnh Tiến (Giao Thuỷ), Xuân Phong (Xuân Trường)… Vùng đồng màu phía bắc tỉnh nhiều địa phương cũng thâm canh, luân canh 4 vụ. Ở các xã Yên Đồng, Yên Nhân (Ý Yên) chỉ riêng trồng vụ cải Thái Lan, thời gian 40 ngày mỗi sào đã cho thu 4 triệu đồng (111 triệu đồng/ha), sau đó trồng khoai tây đông xuân làm giống cho vụ đông với năng suất 800-900 kg/sào, với giá 15 nghìn đồng/kg thì riêng 2 vụ này đã có nguồn thu trên 400 triệu đồng/ha mà vẫn kịp cấy vụ lúa xuân hoặc trồng vụ lạc xuân. Hoặc sau thu hoạch củ cải Thái Lan, trồng tiếp khoai tây đông giống Hà Lan, năng suất trên dưới 1 tấn củ/sào. Hiện tại, giá khoai tây Hà Lan thương phẩm đang là 10-11 nghìn đồng/kg thì 2/4 vụ luân canh trong 1 năm đã đạt trên 388 triệu đồng/ha. Các mô hình trồng rau, gieo rau giống ở các xã, HTX Yên Đồng, Yên Nhân (Ý Yên); Mỹ Trung, Thành Lợi, Đại Thắng (Vụ Bản); Nam Hồng, Nam Giang, Nam Dương (Nam Trực)… hoặc trồng hoa cúc, nhân giống hoa cúc ở Mỹ Tân (Mỹ Lộc)… một năm có thu nhập 200-400 triệu đồng/ha.

Trên đây là những mô hình thâm canh, luân canh tăng vụ điển hình của từng vùng, từng địa phương, ngoài ra còn rất nhiều mô hình đặc thù khác như cấy 2 vụ lúa để sản xuất hạt lai F1 của các xã: Trực Đại, Trực Nội, Trực Thắng (Trực Ninh), Nông trường Rạng Đông, chi nhánh giống cây trồng Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) và vụ đông trồng dưa trung tử, dưa xanh… cũng cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/ha/năm./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com