Để phát triển ngành nghề nông thôn

09:09, 03/09/2010

Giai đoạn 2005-2009, tỉnh ta đã dành 8,362 tỷ đồng thực hiện các dự án khuyến công địa phương. Trong đó, 92,7% kinh phí thực hiện công tác truyền, dạy nghề, nhân cấy nghề mới: đan bèo tây, bẹ chuối tại Hợp Hưng (Vụ Bản), khảm vỏ trai, vỏ trứng trên sản phẩm tre nứa tại Yên Hưng (Ý Yên)... nâng tổng số làng nghề trên toàn tỉnh lên 190/196 xã có nghề. Các làng nghề đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn, góp phần xây dựng thương hiệu làng nghề, nâng cao giá trị kinh tế tại các địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, đến thời điểm hiện nay không phải tất cả các xã được dạy và nhân cấy nghề mới đã thích nghi và phát triển trong nền kinh tế thị trường.

Cơ sở sản xuất sản phẩm bẹ chuối xuất khẩu của ông Nguyễn Gia Tảo, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) tạo việc làm, thu nhập cho 250 lao động.   Ảnh: Dương Đức
Cơ sở sản xuất sản phẩm bẹ chuối xuất khẩu của ông Nguyễn Gia Tảo, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) tạo việc làm, thu nhập cho 250 lao động.
Ảnh: Dương Đức

Tại xã Hợp Hưng (Vụ Bản), nghề đan bèo tây, bẹ chuối được chính quyền và nhân dân trong xã triển khai từ năm 2008. Ban đầu, bằng nguồn kinh phí khuyến công tỉnh hỗ trợ, Ban tiểu thủ công nghiệp xã đã tập trung mở lớp đào tạo nghề cho các hộ đăng ký; các lao động nhàn rỗi tại cả 14 thôn xóm. Tại xã có cơ sở đứng lên thu gom tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, chỉ sau 4 tháng, nghề mới đã không có điều kiện phát triển. Nguyên nhân chính là do trước khi đưa nghề mới về, những người "đứng mũi, chịu sào" còn thiếu kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, hiệu quả kinh tế thấp. Làm nghề mới thu nhập thấp hơn so với những nghề đã có ở địa phương, người dân đã bỏ nghề. Cũng vào thời điểm năm 2008, 100 lao động xã Yên Hưng (Ý Yên) đã tích cực tham gia học và làm nghề khảm vỏ trai, vỏ trứng trên tre nứa ghép. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Khuyến công quốc gia cho việc tổ chức đào tạo nghề, nên các lao động đều có đủ trình độ và đã làm ra các sản phẩm đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vì xã mới chỉ ký được hợp đồng khảm bình, lọ hoa thủ công mỹ nghệ với làng nghề Yên Tiến nên khi mới làm được một vài tháng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, lao động Yên Hưng đã phải nghỉ việc do không bảo đảm được mức thu nhập ổn định. Anh Đặng Văn An, giám đốc Cty TNHH dệt may Trường An, xã Nam Hồng (Nam Trực) - người đã góp sức khôi phục nghề dệt khăn truyền thống cho nhiều xã tại các huyện Nam Trực, Hải Hậu cho biết: Trong các làng nghề anh góp sức khôi phục có 8 đơn vị anh dồn nhiều công sức để truyền dạy nghề và gây dựng đầu mối cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm như các HTX dệt Hà Lan, Đông Thành, Thanh Nga, Cty TNHH Phương Đông (Nam Hồng - Nam Trực), Cty TNHH Thành Lợi (Nam Thanh - Nam Trực), các Cty dệt Hải Trung, Cty cổ phần dệt Hải Phương, Cty dệt Hải Quang (Hải Hậu). Thời gian đầu khôi phục, các đơn vị đều hoạt động hiệu quả và có bước phát triển như các Cty dệt Hải Trung, Hải Phương, Hải Quang là đầu mối cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho cả làng nghề. Tuy nhiên, đến thời điểm này Cty dệt Hải Quang, Cty cổ phần  dệt Hải Phương, Cty dệt Hải Trung, HTX dệt Hà Lan (Nam Hồng) đang gặp khó khăn trong duy trì sản xuất. Mỗi đơn vị đều có những lý do chủ quan và khách quan, nhưng tất cả đều có chung những lý do như: khi mới thành lập, các đơn vị thường chưa có nhiều kinh nghiệm để bảo đảm sản xuất đạt chuẩn chất lượng sản phẩm cho tất cả các mặt hàng đơn hàng và dễ vấp phải thiệt hại kinh tế ngay trong những đơn hàng đầu tiên. Rất ít đơn vị có đủ tiềm lực về kinh tế để ứng phó với những tác động gây tổn thất về vốn. Để duy trì hoạt động, các đơn vị đã tìm cách hạ giá thành sản phẩm, người lao động cũng bị giảm thu nhập nên nhiều người bỏ nghề.

Việc nhân cấy nghề không thành công gây ra sự lãng phí kinh tế rất lớn về đào tạo lao động, đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, tìm kiếm thị trường... Việc nhân cấy nghề không đúng hướng, không phù hợp còn làm mất cơ hội phát triển các nghề sẵn có và các nghề mới khác. Thực tế đã chứng minh để việc nhân cấy nghề mới, khôi phục nghề truyền thống thành công ngoài những yếu tố khách quan, các làng nghề cần nâng cao trình độ tay nghề, tác phong lao động công nghiệp của người dân, đầu tư công nghệ, thiết bị sản xuất đạt chuẩn, vốn và năng lực quản lý của người quản lý; đầu ra ổn định và an toàn. Việc mở rộng làng nghề chỉ hiệu quả khi doanh nghiệp làng nghề nỗ lực tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả những khó khăn, nhất là trong thời điểm đầu khôi phục, nhân cấy nghề. Điển hình như làng nghề đúc Yên Xá đã thực hiện thành công phương thức liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu để khắc phục hầu hết những khó khăn về vốn, chất lượng sản phẩm và đầu ra cho sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Khanh, giám đốc Cty cổ phần cơ khí đúc Cửu Long, ngay từ năm 2007 đã đứng lên kêu gọi các doanh nghiệp trong làng chung tay thúc đẩy sản xuất, xây dựng thương hiệu "Hiệp hội cơ khí đúc huyện Ý Yên". Tham gia hiệp hội, các doanh nghiệp thành viên được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật làm nghề, được hỗ trợ về vốn sản xuất, được cùng tham gia thực hiện trong những đơn hàng lớn và đặc biệt được giám sát để bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn chung. Nhờ đó, các sản phẩm tấm lót thiết bị nghiền, búa, răng, gầu của các doanh nghiệp làng nghề Yên Xá luôn được các nhà máy xi măng trên toàn quốc đánh giá đạt chất lượng cao, giá cả phù hợp. Các doanh nghiệp trong hiệp hội đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và đạt giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2009 là 291 tỷ đồng, bằng 95% tổng doanh thu của xã. Thương hiệu "Hiệp hội cơ khí đúc huyện Ý Yên" hiện đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, dự kiến cuối năm 2010 sẽ xây dựng xong nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp, người lao động và danh tiếng làng nghề. Anh Trịnh Xuân Mai, giám đốc Cty cổ phần gỗ mỹ nghệ cơ khí đúc xuất khẩu và xây dựng (Yên Tiến - Ý Yên) với việc thực hiện chiến lược khai thác, dạy và truyền nghề sơn ghép nứa qua các lớp dạy nghề ngay tại Cty rồi đưa sản phẩm về tận hộ dân đã không ngừng nhân rộng mạng lưới làm nghề, nhờ đó đến nay 25/32 xã trong toàn huyện đã được anh phủ nghề và điều hành hoạt động làm nghề hiệu quả.

Để việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề nông thôn đạt hiệu quả cao, ngoài việc trông cậy vào các doanh nghiệp đủ mạnh, các cấp chính quyền, các ban, ngành chức năng cần chú trọng lựa chọn những nghề đem lại hiệu quả kinh tế, hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất cho các doanh nghiệp; lựa chọn và duy trì đủ người có tâm huyết làm nghề, theo nghề./.

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com