Tập trung phòng trừ sâu, bệnh hại lúa mùa

09:09, 03/09/2010

Đến nay, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đã xuất hiện ở mức cao trên diện tích lúa mùa, gấp 3-4 lần trung bình nhiều năm. Trung bình toàn tỉnh mật độ đạt 200-400 con/m2, nơi cao đạt 700-1000 con/m2, cá biệt đạt trên 1500 con/m2. Rầy lứa 5 cũng đang nở rộ, mật độ trung bình 200-400 con/m2, nơi cao đạt 800-1000 con/m2, cá biệt đạt 2000-3000 con/m2, tập trung ở trà lúa mùa sớm và trà lúa mùa trung. Bệnh lùn sọc đen (LSĐ) cũng xuất hiện, gây hại ở 2007 ha tại các huyện: Giao Thuỷ, Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và Hải Hậu với tỷ lệ bệnh trung bình dưới 1%. Đến ngày 31-8-2010, diện tích cần phải phun trừ sâu cuốn lá lứa 6 của toàn tỉnh là 79887ha, chiếm 99,2% diện tích lúa cấy. Nhiều địa phương đã ra quân phun thuốc phòng trừ từ ngày 29-8. Đến nay, tất cả các địa phương đều đồng loạt ra quân phun thuốc diệt trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 để bảo vệ bộ lá đòng - bộ lá quyết định độ mẩy, độ chắc của hạt và năng suất lúa. Cũng đến hết ngày 31-8-2010, toàn tỉnh đã phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 được 42830ha, bằng 53,6% diện tích phải phun trừ. Các địa phương có diện tích phun trừ được nhiều là Vụ Bản 8480ha, Hải Hậu 8200ha, Ý Yên 6600ha, Trực Ninh 6000ha, Nam Trực 6000ha… Trong những ngày tới, thời tiết khá thuận lợi cho việc phun trừ sâu bệnh, các địa phương tăng cường chỉ đạo, tổ chức cho nông dân phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 triệt để với diện tích bị nhiễm. Nếu diện tích có mật độ sâu cuốn lá nhỏ từ 200 con trở lên, yêu cầu nông dân phải phun trừ kép, lần thứ 2 sau lần thứ nhất 3-4 ngày. Với các diện tích khác, sau khi phun trừ lần thứ nhất 3 ngày, yêu cầu các hộ nông dân kiểm tra lại ruộng, nếu thấy sâu còn ở mật độ 20 con sâu sống/m2 trở lên, phải tổ chức phun thuốc lần thứ 2 ngay. Sau khi phun thuốc 4 giờ nếu gặp mưa phải phun lại. Riêng với 2 loại thuốc Prevathon 35WDG và Vitako 40WG sau khi phun 1-2 giờ gặp mưa nhỏ thì không phải phun lại.

Nông dân xã Hiển Khánh (Vụ Bản) phun thuốc phòng trừ rầy nâu.  Ảnh: Ngọc Thắng
Nông dân xã Hiển Khánh (Vụ Bản) phun thuốc phòng trừ rầy nâu.
Ảnh: Ngọc Thắng

Rút kinh nghiệm từ việc phun trừ sâu cuốn lá lứa 5 vừa qua, tuy mật độ sâu rất lớn, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành NN-PTNT, nhưng vẫn còn một số hộ nông dân vẫn dùng thuốc không đúng sự chỉ đạo của ngành, của tỉnh nên sâu cuốn lá không chết, gây bạc đầu lá nhiều và là nguồn tích luỹ cho lứa 6 bùng phát với mật độ rất cao. Thanh tra ngành NN-PTNT và các huyện, thành phố đang tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư phục vụ cho nông nghiệp. Ngành NN-PTNT yêu cầu các HTX cung ứng đúng chủng loại thuốc, thuốc tốt, thuốc chất lượng để nông dân phun trừ đạt hiệu quả cao.

Cảnh giác với bệnh LSĐ, đến nay diện tích nghi nhiễm trên toàn tỉnh là 2000ha. Các hộ nông dân đã kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện sớm, nhổ vùi triệt để những khóm có biểu hiện bệnh. Song bệnh LSĐ vẫn là hiểm hoạ khó lường, các địa phương và các hộ nông dân cần cảnh giác, tích cực chủ động phòng ngừa. Ngoài ra, các địa phương và hộ nông dân tập trung xử lý các đối tượng hại lúa mùa trong thời gian tới là: rầy lứa 6 sẽ xuất hiện vào trung tuần tháng 9, gây hại trên trà lúa mùa sớm; sâu đục thân 2 chấm lứa 5 cũng xuất hiện vào trung tuần tháng 9 gây hại cho trà lúa mùa trung và đặc sản; nếu mưa nhiều, giông, lốc, gió, bão… sẽ gây bệnh bạc lá lúa làm giảm năng suất rất lớn.

Tích cực phòng trừ sâu bệnh cuối vụ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành NN-PTNT, các địa phương và hộ nông dân để giành thắng lợi toàn diện vụ lúa mùa năm 2010./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com