Quy trình kỹ thuật gieo cấy giống lúa BC15 vụ mùa 2010

08:06, 17/06/2010

I - Đặc điểm giống:

Giống BC15 là giống lúa thuần cảm ôn, gieo cấy cả 2 vụ, thời gian sinh trưởng ngắn; vụ xuân 130 - 135 ngày, vụ mùa 105 - 115 ngày, cây lúa cao 110 - 115 cm, sinh trưởng khoẻ, chịu thâm canh, đẻ nhánh khoẻ, cứng cây, lá màu xanh đậm, lá đòng to, cứng. Dạng bông to, dài 23 - 25 cm, nhiều hạt 120 - 140 hạt/bông, dạng hạt thon dài, P1000 hạt 24 gam, tỷ lệ lép trung bình 8 - 10%. Khả năng chống đổ tốt, nhiễm bệnh đạo ôn C3 - C5, nhiễm bệnh khô vằn nhẹ, bệnh bạc lá nhẹ, nhiễm rầy nhẹ hơn KD18. Năng suất trung bình đạt 60,0 - 65,0 tạ/ha ở vụ mùa; 70,0 - 80,0 tạ/ha vụ xuân, đã được Sở NN-PTNT đưa vào cơ cấu sản xuất ở vụ mùa.

II - Kỹ thuật thâm canh mạ:

1. Thời vụ gieo:

Mùa trung: 15 đến 30 tháng 6.

2. Kỹ thuật ngâm ủ:

- Trước khi ngâm nước nên phơi hạt giống trên nong nia qua nắng nhẹ từ 2 - 3 giờ.

- Ngâm thóc trong nước sạch từ 50 - 60 giờ, cứ 10 giờ thay nước một lần, sau đó đãi sạch nước chua và để ráo nước trước khi ủ. Dùng bao gai thoát nước tốt đựng không quá 5 kg/bao, để nơi râm mát, thường xuyên kiểm tra, nếu thấy khô thì phải ngâm bổ sung. Khi hạt nứt nanh thì dàn mỏng, tránh bốc nóng. Khi mộng và rễ dài bằng 1/2 hạt thóc thì gieo.

3. Phương thức gieo, chăm sóc và bảo vệ mạ: Như các giống lúa thuần khác.

III - Kỹ thuật thâm canh lúa:

1. Làm đất:

- Làm đất kỹ.

- Bón vôi, ngâm và thay tháo nước, với phương châm ruộng chờ mạ.

2. Thời vụ:

Căn cứ vào tuổi mạ (số lá, số ngày sau khi gieo) của các trà mạ đã gieo, để cấy tập trung trong khung thời vụ tốt nhất.

- Mạ dược cấy khi có: 4,0 - 5,0 lá (sau gieo: 15 - 18 ngày).

- Mạ nền cấy khi có: 2,5 - 3,0 lá (sau gieo: 8 - 10 ngày).

* Tiêu chuẩn mạ khoẻ: Cứng cây, đanh dảnh, lá màu xanh tươi, sạch sâu bệnh, mạ dược có ngạnh trê.

3. Kỹ thuật cấy:

* Mật độ, số dảnh cấy:

+ Phía nam tỉnh: Cấy 30 - 35 khóm/m2, cấy 3 - 4 dảnh/khóm.

+ Phía bắc tỉnh: Cấy 40 - 42 khóm/m2, cấy 3 - 4 dảnh/khóm.

4. Phân bón:

a) Phân đơn.

- Lượng bón cho 1 sào: Đạm Urê 7 - 9 kg urê + phân lân 15 - 20 kg + Kali 4 - 5 kg.

- Cách bón:

+ Bón lót: 100% phân chuồng + 100% Lân + 40 - 50% lượng đạm trước khi bừa cấy.

+ Bón thúc lần 1: Bón hết lượng đạm còn lại + 50% kali, sau cấy 7 - 8 ngày.

+ Bón thúc lần 2: 50% lượng kali còn lại khi lúa phân hoá đòng.

b) Phân tổng hợp N-P-K: Khi sử dụng cần tính quy ra lượng phân đơn tương ứng để bón cho cân đối.

- Cách bón:

+ Bón lót: 100% phân chuồng + 100% phân NPK chuyên lót.

+ Bón thúc lần 1: Bón hết lượng NPK chuyên thúc hoặc đạm, sau cấy 7 - 8 ngày.

+ Bón thúc lần 2: 100% lượng kali khi lúa phân hoá đòng.

5. Chăm sóc:

- Tưới nước: Sau cấy tưới nông 3 - 4 cm để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh sớm, khi lúa đạt 400 dảnh/m2 phải rút nước phơi ruộng 12 - 15 ngày để hạn chế nhánh vô hiệu, sau đó tưới tháo xen kẽ để bộ rễ ăn sâu, cứng cây, tăng khả năng chống đổ, chống bệnh.

- Dặm tỉa, làm cỏ kết hợp bón thúc lần 1, lần 2.

6. Sâu bệnh:

Phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại chủ yếu như: bọ trĩ, sâu cuốn lá, rầy, khô vằn...

Thường xuyên theo dõi, bắt trứng và ốc bươu vàng.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com