Góp phần phát huy lợi thế vùng đệm

08:06, 17/06/2010

Nuôi ong mật ở rừng sú vẹt (Vườn quốc gia Xuân Thuỷ) đem lại nguồn thu nhập cao.                                    Ảnh: Đức Hoa
Nuôi ong mật ở rừng sú vẹt (Vườn quốc gia Xuân Thuỷ) đem lại nguồn thu nhập cao.
                                    Ảnh: Đức Hoa
Huyện Giao Thuỷ được thiên nhiên ưu đãi một vùng rộng lớn giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi thuỷ sản, trong đó có 5 xã vùng đệm thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ Sông Hồng. Tại khu vực này, nghề nuôi ngao, tôm sú và các loài nhuyễn thể khác có bước phát triển mạnh, với diện tích và sản lượng hàng năm không ngừng tăng, góp phần giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định cho nhiều lao động vùng ven biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây nghề nuôi thuỷ sản, nhất là nghề nuôi ngao xuất hiện nhiều yếu tố phát triển không bền vững. Diện tích bãi bồi bị người dân khai thác quá mức để nuôi ngao, với hệ thống vây lưới dày đặc, mật độ thả ngao giống cao là nguyên nhân cơ bản làm mất cân bằng hệ sinh thái, năng suất, chất lượng ngao giống, ngao thương phẩm giảm dần. Việc liên kết để cùng phát triển nguồn giống và tổ chức tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ làm cho sản phẩm thuỷ hải sản bị ép giá, quy mô thị trường tiêu thụ nhỏ. Để hỗ trợ nghề nuôi thuỷ sản của huyện phát triển bền vững, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thuỷ đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển cộng đồng (MCD) và chính quyền một số xã vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ Sông Hồng tiến hành xây dựng và lập "Quy chế đồng quản lý, sử dụng bền vững nguồn lợi thuỷ sản". Để thực hiện tốt quy chế này, tổ hợp tác nuôi ngao bền vững đã được thành lập vào tháng 2-2009 theo Nghị định 151, ngày 10-10-2007 của Chính phủ gồm 12 thành viên, trong đó có 4 thành viên chính thức. MCD đã hỗ trợ tổ hợp tác nuôi ngao bền vững xây dựng quy chế hoạt động cùng với sự tham gia, góp ý của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thuỷ sản của huyện và địa phương. Tháng 8-2009, tổ hợp tác đã đầu tư 1 tỷ đồng để nuôi ngao giống trên diện tích 4ha. Việc hợp tác giữa các hộ nuôi được chặt chẽ, có sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi được hoàn thiện từng bước. Mặt bằng vây nuôi được điều chỉnh theo hướng: tăng diện tích mặt thoáng, lưu thông nước, ổn định dòng chảy ra, vào để gián tiếp cung cấp thức ăn cho ngao; khoảng cách giữa các vây, lạch, mật độ nuôi được bảo đảm hợp lý. Nhờ đó, ngao giống sinh trưởng nhanh hơn hẳn so với trước đây, rút ngắn thời gian nuôi đến 1,5 lần; tỷ lệ sống của ngao giống tăng từ 85 lên 90%. Ngao giống được tiếp tục ương ngoài bãi khoảng 1 tháng, sau đó đưa nuôi thương phẩm. Thông qua việc xây dựng mô hình, các bên liên quan đã xây dựng cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao giống. Bên cạnh đó, hơn 400 người là chủ các bãi, vây nuôi ngao được tham quan tìm hiểu và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi từ mô hình thực tiễn. Hàng tháng, tổ hợp tác duy trì các buổi họp để lập kế hoạch làm việc, chia sẻ kinh nghiệm và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình nuôi. Tổ hợp tác nuôi ngao bền vững ra đời đã xây dựng được quy ước cộng đồng thực hiện khai thác và nuôi trồng thuỷ sản bền vững; biện pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và môi trường, quy định về hoạt động nuôi ngao; không khai thác nguồn lợi thuỷ sản bằng các dụng cụ khai thác huỷ diệt, như xung điện, các loại chất nổ, chất độc; không khai thác, nuôi trồng trong khu vực rừng ngập mặn, vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Thuỷ; không xả thải rác ra khu vực đất bãi bồi, khu vực cửa sông…

Thông qua việc thành lập tổ hợp tác nuôi ngao bền vững đã góp phần giữ gìn môi trường vùng đệm nói riêng và sự sống của biển nói chung./.

Văn Phương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com