Chấn chỉnh việc khai thác cát bừa bãi trên sông đào

04:06, 11/06/2010

Các phương tiện thuỷ khai thác cát trên sông Hồng, đoạn qua địa phận huyện Nam Trực. Ảnh: Dương Đức
Các phương tiện thuỷ khai thác cát trên sông Hồng, đoạn qua địa phận huyện Nam Trực.
                                                                                 Ảnh: Dương Đức
Theo quy định của pháp luật, muốn tham gia khai thác cát, các chủ tàu phải làm hồ sơ xin Sở Tài nguyên - Môi trường cấp giấy phép khai thác tài nguyên; chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ, khai thác ở vị trí được phép để đảm bảo hành lang an toàn bảo vệ đê và các công trình thuỷ lợi như kè, cống... Tuy nhiên, lợi dụng địa hình sông nước, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đường thuỷ mỏng, nhiều chủ tàu khai thác cát bừa bãi suốt ngày đêm, đặc biệt là trên tuyến sông Đào.

Những ngày đầu tháng 6 năm 2010, chúng tôi đi dọc tuyến đê hữu Đào, đoạn thuộc địa phận các xã Thành Lợi, Đại Thắng (Vụ Bản), Yên Phúc (Ý Yên). Đây là địa điểm thường xuyên xuất hiện tàu khai thác cát vi phạm các quy định như: không đúng vị trí khai thác, vi phạm luồng giao thông chạy tàu gây mất trật tự an toàn giao thông đường thuỷ. Sáng 4-6, tại khu vực trạm bơm Đế thuộc tuyến đê bối Đồng Tâm, xã Đại Thắng có 4 tàu tải trọng từ 100-120m3 không rõ biển đăng kiểm tiến hành khai thác cát sát chân đê, mỗi tàu trang bị từ 4-5 máy, công suất mỗi máy từ 18-22 CV. Đây là khu vực cấm khai thác cát vì nằm trong hành lang an toàn bảo vệ đê và các công trình thuỷ lợi dưới đê như: cống, kè Đế. Ông Vũ Minh Thuân, xóm Tiên, HTX Quyết Thắng cho biết: 4 tàu này lợi dụng con nước cạn, thả neo khai thác cát từ 4 giờ sáng đến tầm 10 giờ sáng, đầy thuyền các tàu này nhổ neo rời khu vực khai thác thì lại có 2 tàu khác đến tiếp tục khai thác đến chiều tối, khi đầy thuyền mới dời đi. Ông Vũ Văn Vinh, xóm Phong Vinh, lái đò tại bến Đế cho biết: Thời điểm hoạt động khai thác cát nhộn nhịp nhất trên tuyến sông Đào đoạn qua xã Đại Thắng thường bắt đầu từ 7 giờ tối đến 11, 12 giờ đêm để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và lợi dụng con nước xuống thấp. Có đêm "thuận nước", khu vực dọc tuyến đê bối Đồng Tâm dài khoảng 5,5km từ bến đò Kinh Lũng đến kè Đồng Lạc trở thành "phố trên sông" với 8-10 phương tiện thả neo, dùng máy phát điện thắp đèn sáng rực một khúc sông để khai thác cát. Hầu hết các phương tiện này không rõ biển đăng kiểm hoặc mang biển đăng kiểm của các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá với tải trọng từ 100-200m3 cát/tàu, mỗi tàu thường trang bị từ 3-4 máy, mỗi máy công suất từ 18CV trở lên. Nghiêm trọng hơn, có tàu lớn tải trọng trên 200m3 trang bị đến 13 máy, công suất mỗi máy trên 22 CV sục thẳng vòi hút vào sát chân đê, chân kè, cống để hút cát. Có hôm các phương tiện này ngang nhiên thả neo khai thác cát bừa bãi cả ngày. Tình trạng khai thác cát bừa bãi còn thường xuyên xảy ra tại tuyến sông Đào thuộc địa phận xã Yên Phúc (Ý Yên). Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Duy Chuẩn, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc cho biết: "Trước đây các phương tiện chủ yếu dùng gàu múc để khai thác cát. Từ năm 2006 trở lại đây, các tàu khai thác cát thường dùng các loại máy nổ công suất trên 20CV, lắp vòi hút đường kính đến 20cm sục thẳng xuống lòng sông để bơm hút cát. Nhộn nhịp nhất là từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm vì đây là mùa nước cạn". Vào mùa nước cạn trên quãng sông Đào chảy qua địa phận xã dài khoảng 11km thường xuyên có 10 tàu thả neo khai thác cát bất kể vị trí, liên tục bơm hút suốt ngày đêm, đặc biệt là tại tuyến đê bao bối Yên Phúc dài 1,2km thuộc các thôn An Quang 1, 2; An Thành, Yên Bình. Để tận dụng tối đa công suất hoạt động của máy nổ, các phương tiện khai thác cát thường không dùng ống xả nên mỗi khi hoạt động bơm hút cát gây ra tiếng ồn lớn gây bức xúc trong nhân dân. Để ngăn chặn các phương tiện bơm hút cát trái phép, chính quyền các xã ven sông Đào đã thông báo với các lực lượng chức năng và phối hợp xử lý nhưng sau khi lực lượng chức năng rút đi, hoạt động bơm hút cát lại tái diễn.

Tình trạng các phương tiện khai thác cát bừa bãi trên tuyến đê sông Đào đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống đê và các công trình dưới đê như kè, cống gây sạt lở cục bộ, làm thay đổi dòng chảy, dẫn tới sạt lở toàn tuyến và gây hư hại nghiêm trọng tới các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên tuyến đê bối Đồng Tâm (xã Đại Thắng) dài 5,5km mặc dù đã được kè đá nhưng do thường xuyên bị các vòi hút cát khoét sâu xuống lòng sông nên nhiều đoạn đã bị rỗng chân, sạt lở nghiêm trọng tại khu vực hai bên bến đò Đế đã xuất hiện những vết sạt lở ăn sâu vào thân đê gần 1 mét. Tại các khu vực trọng điểm PCLB cấp huyện như kè Đồng Lạc, kè Lợi Đầm cũng có nhiều đoạn bị rỗng chân, nguy cơ sạt lở dẫn tới vỡ đê khi có mưa bão hoặc lũ lớn là điều có thể xảy ra. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều đoạn thuộc tuyến đê bối, đê bao của xã Yên Phúc nhưng nghiêm trọng nhất là tại trọng điểm PCLB kè Quán Khởi, cống Đập Ngọn. Tại cống Đập Ngọn từ những năm trước đã xuất hiện một vết hổng trong thân cống, xã đã tổ chức khắc phục bằng cách dùng thuyền đổ gần 5m3 bê tông gắn vá nhưng do liên tục bị sóng vỗ nên tình trạng nguy hiểm vẫn chưa được cải thiện. Nguy cơ thứ hai là tình trạng mất trật tự an ninh xã hội. Mới đây nhất, ngày 12-5-2010, khi nhận được tin có một số tàu đang thả neo khai thác cát tại khu vực bến đò Đế, hàng trăm người dân thuộc các xóm Phong Vinh, Thống Nhất, xã Đại Thắng đã tập trung trên đê dùng gạch đá ném xuống các tàu đang khai thác cát dưới sông. Nếu không có lực lượng chức năng can thiệp kịp thời chắc sẽ xảy ra xô xát lớn và hậu quả sẽ rất khó lường. Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát bừa bãi đã đến lúc cần có sự "vào cuộc" của các ngành, các cấp./.

Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com