Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị

07:08, 23/08/2022

Trong 15 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” đã được các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh triển khai gắn với đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ; vai trò và hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị không ngừng được nâng cao.

Một góc Thị trấn Yên Định (Hải Hậu). Ảnh: Hoàng Tuấn

Một góc Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Ảnh: Hoàng Tuấn

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, qua các nhiệm kỳ, các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Sau Đại hội, Tỉnh ủy, các cấp ủy đã lãnh đạo cụ thể hóa trong các chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác trọng tâm hàng năm và các nghị quyết chuyên đề toàn khóa của cấp ủy. Qua đó năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được nâng lên; chính trị ổn định; kinh tế - xã hội từng bước phát triển.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành và thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác đề ra, bảo đảm dân chủ, thống nhất cao. Đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trên cơ sở chương trình công tác toàn khóa và những vấn đề thực tiễn đặt ra để cụ thể hóa thành chương trình làm việc hàng năm, hàng tháng đảm bảo tính chủ động, phát huy quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp đảm bảo đúng quy định pháp luật, có nhiều đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động hướng tới hiệu lực, hiệu quả. UBND các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cụ thể hóa các nghị quyết của cấp ủy, HĐND trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung của chiến lược cải cách tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Ban hành các quy định về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác nội chính và Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh uỷ với các cơ quan chức năng trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Các cơ quan, đơn vị trong khối nội chính đã nghiêm túc thực hiện quy chế phối hợp, kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Từ năm 2015 đến nay đã phát hiện 35 vụ án tham nhũng với 132 bị can, trong đó đã xét xử 26 vụ với 111 bị cáo; thu hồi hơn 11 tỷ đồng,... Triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân; chỉ đạo đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt”; tập trung giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở, không để ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương, hạn chế khiếu kiện đông người, kéo dài và vượt cấp lên Trung ương.

Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện 54 Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; tinh giản được 225 đầu mối cấp phòng, giảm 218 cấp trưởng, 62 cấp phó phòng,... Hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, sau sáp nhập giảm được 1.513/3.674 thôn (xóm), tổ dân phố (đạt tỷ lệ giảm 41,19%), giảm 4.068 người (đạt tỷ lệ giảm 46,69%). Hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Tính từ năm 2015, toàn tỉnh đã giảm được 3.968 biên chế, đạt 12,61%, vượt kế hoạch đề ra… Qua đó, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Công tác cán bộ của tỉnh có nhiều đổi mới, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ; giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Từ năm 2007 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng, ban hành 3 nghị quyết chuyên đề và 1 Kết luận về công tác cán bộ của tỉnh. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ theo đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương, tăng cường phân cấp, phân quyền, mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ…

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật. Cùng với việc triển khai, cụ thể hóa nghị quyết, quy định của Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, trọng tâm là tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy cơ sở và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ khi thực hiện Nghị quyết đến nay, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 10.826 lượt tổ chức đảng, 14.193 đảng viên; thực hiện giám sát chuyên đề đối với 7.759 lượt tổ chức đảng, 11.110 lượt đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, tạo niềm tin của dư luận, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X vẫn còn một số hạn chế: Việc cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị ở một số nội dung còn thiếu sáng tạo, chưa vận dụng linh hoạt, phù hợp vào tình hình của địa phương, đơn vị. Việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đạt hiệu quả cao. Việc đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội còn có biểu hiện hình thức; công tác giám sát và phản biện xã hội còn hạn chế. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp huyện và cơ sở chưa đạt hiệu quả cao. Một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu trong lối sống, trong công việc, chưa thực sự là tấm gương cho quần chúng nhân dân noi theo, cá biệt còn vi phạm pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy, tổ chức đảng còn thiếu chủ động; việc kiểm tra tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm chưa kịp thời. 

Trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đổi mới toàn diện, trong đó tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền để lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối, quan điểm, mục tiêu của Đảng trong thực tiễn. Do đó, các cấp ủy đảng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên nói chung và đảng viên giữ vị trí chủ chốt nói riêng; tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị./.

Trần Thị Thủy
Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com