Ý Yên quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

06:09, 28/09/2021

“Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” - Đây là những khâu đột phá để huyện Ý Yên phấn đấu đạt huyện NTM nâng cao vào năm 2025.

Làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên).
Làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên).

Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại

Giai đoạn 2015-2020, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ các đặc điểm và lợi thế về sinh thái, thổ nhưỡng, huyện Ý Yên đã lựa chọn và xây dựng chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực gồm: lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, khoai tây và rau chất lượng cao; lợn, gà, nuôi trồng thủy sản. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Nhiều nội dung của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện đã hình thành các vùng sản xuất cánh đồng lớn, sản xuất liên kết theo chuỗi, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP; tích tụ ruộng đất đưa cơ giới hóa vào sản xuất; môi trường nông thôn được quan tâm, từng bước được cải thiện.

Khâu làm đất được cơ giới hóa 100% diện tích; gieo sạ được áp dụng và nhân ra diện rộng, đạt trên 80%; khâu thu hoạch đạt trên 98% diện tích. Đã hình thành các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn, tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực của huyện, như lúa chất lượng cao, nếp đặc sản, cây màu, rau an toàn. Hình thành một số chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với người nông dân: Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa Bắc Thơm số 7 ở các xã; chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP (Yên Cường, Yên Mỹ, Yên Dương); chuỗi sản xuất, tiêu thụ khoai tây VietGAP (Yên Nhân). Vùng trồng lúa đặc sản ở các xã Yên Quang, Yên Bằng, Yên Hồng, Yên Khang. Vùng sản xuất rau màu ở các xã Yên Cường, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Dương, Yên Thắng, Yên Lộc, Yên Phúc. Phương thức chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, tăng chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo phương thức công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, chuồng kín, an toàn sinh học để chủ động kiểm soát dịch bệnh. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng cao. Toàn huyện có 67 trang trại, trong đó có 60 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 7 trang trại tổng hợp. Nhiều xã đã quy hoạch và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, nhiều đối tượng con giống có giá trị kinh tế cao được đưa vào nuôi thử nghiệm và nhân rộng. Hiện toàn huyện có 6 vùng nuôi tập trung, quy mô diện tích từ 10ha trở lên, tập trung ở các xã: Yên Trung, Yên Thọ, Yên Nhân, Yên Khánh, Yên Hồng, Yên Chính.

Đến quý III năm 2021, toàn huyện có 9 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 220ha, 14 mô hình liên kết với tổng diện tích 317ha; trong đó mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao với Công ty TNHH Toản Xuân trên diện tích 250ha cho hiệu quả tốt. Ý Yên đang tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo hướng chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu, chuỗi liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của các địa phương; phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên.

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, trong đó ưu tiên hình thức nuôi công nghiệp, thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi lồng bè ở nơi có điều kiện, lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo quy hoạch. Xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Phấn đấu đạt huyện NTM nâng cao vào năm 2025

Đồng chí Nguyễn Tuấn Song, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: Xác định thế mạnh và tiềm năng của địa phương, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ý Yên tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, nâng cao, kiểu mẫu. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của tỉnh, Huyện ủy đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, trong đó, có Nghị quyết 05-NQ/HU ngày 25-8-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ý Yên về việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 85 ngày 14-9-2021 về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Huyện phấn đấu: Đến hết năm 2024 có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Ý Yên đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2025; 8 xã, thị trấn được công nhận xã NTM kiểu mẫu; thị trấn Lâm xây dựng đạt chuẩn văn minh đô thị vào năm 2024; 30% số thôn/xóm trở lên đạt NTM kiểu mẫu.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”, trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá, đôn đốc tiến độ xây dựng NTM gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Các xã, thị trấn rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2030 theo quy định đảm bảo kết nối và phù hợp với quy hoạch huyện, quy hoạch tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết như: Quy hoạch xây dựng vùng xã, quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi; hệ thống cấp, thoát nước; cấp điện; phân vùng sản xuất nông nghiệp,.... gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, duy tu, bảo dưỡng và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn.

Phát triển công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đang triển khai để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Phát triển mạnh hệ thống các đại lý, cửa hàng tiện lợi, các kênh bán lẻ tại nông thôn để tiêu thụ sản phẩm. Coi trọng xây dựng và quảng bá các thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm của huyện có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với các quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục của địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đạt chuẩn theo quy định. Nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của huyện, của xã, thị trấn. Tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình an sinh xã hội, chính sách ưu đãi người có công và các chính sách xã hội. Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Xây dựng và nhân rộng các mô hình về phòng, chống tội phạm. Các xã, thị trấn rà soát, bổ sung quy chế bảo vệ trật tự, an ninh nông thôn; tăng cường các biện pháp phòng, chống các tệ nạn xã hội./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com