Nam Định thực hiện Di chúc Bác Hồ

07:09, 01/09/2019

Cách đây 50 năm, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Ðây là văn kiện vô giá, là kim chỉ nam cho dân tộc Việt Nam trên con đường đi tới để thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Ðảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, cùng với cả nước, Nam Ðịnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Bài học “phát huy nội lực, khơi dậy sức dân” là “chìa khóa” để Nam Ðịnh trở thành “Quán quân” xây dựng nông thôn mới.

Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cắt băng khai mạc triển lãm
Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cắt băng khai mạc triển lãm "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Bác với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định".

“Gốc có vững, cây mới bền”!

Một trong những kỷ niệm sâu sắc của tôi trong nghề báo là may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với đồng chí Vũ Kỳ - nguyên Thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn kiện “Tuyệt đối bí mật” (Di chúc). Theo đồng chí Vũ Kỳ, Bác Hồ bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc lúc 9 giờ sáng, ngày 10-5-1965. Người viết trong 5 ngày, đến 21 giờ ngày 14-5-1965, Bác cơ bản hoàn thành xong phần soạn thảo. Người giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”. Bác chọn vào một ngày tháng 5, nhân ngày sinh của Người; chọn vào lúc 9 giờ sáng, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn vào lúc khỏe mạnh nhất... để viết về ngày ra đi của mình. Di chúc của Bác cơ bản hoàn thành năm 1965, nhưng cũng như các văn kiện quan trọng, còn thời gian là Bác còn sửa chữa, thêm bớt. Ðiều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Hồ Chủ tịch trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời thể hiện tấm lòng và ý nguyện của Bác với cuộc sống mai sau. Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Ðảng, trong đó nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19-5-1969, Bác sửa lần cuối.

Di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh giá trị tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người, nguyện một đời chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định toàn bộ những việc lớn của cách mạng, của xã hội đều gắn với con người và dành tình cảm yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, trong Di chúc, điều mà Bác trăn trở là sau khi thắng giặc ngoại xâm, đất nước, nhân dân ta rồi sẽ thế nào? Lịch sử dân tộc ta đã từng có những trang bi thảm, những thời kỳ suy thoái ngay chiến thắng huy hoàng đó sao? Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Hồ Chủ tịch đã suy nghĩ về vận mệnh tương lai Tổ quốc và để lại cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân những lời căn dặn quan trọng. Ðặc biệt sâu sắc là những lời dặn của Bác về vai trò của Ðảng trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Ðảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Ðảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Người nhấn mạnh đến truyền thống đoàn kết, việc thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, về đạo đức cách mạng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Lời Bác dạy về xây dựng Ðảng vừa dựa trên nguyên tắc nhưng có lý, có tình. Bác yêu cầu “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Ðảng”. Nhưng đồng thời, Bác cũng nhắc nhở “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Những điều Bác Hồ căn dặn, chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm còn rất nặng, cần phải thực hiện có kết quả cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, làm cho Ðảng lãnh đạo thật sự vững mạnh, là niềm tin yêu của mọi tầng lớp nhân dân. “Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi!” đúng như Di chúc của Bác Hồ đã căn dặn.

“Phát huy nội lực, khơi dậy sức dân”

Thực hiện lời Bác dạy, qua mỗi giai đoạn lịch sử, Ðảng bộ, quân và dân trong tỉnh luôn đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Phát biểu tham luận tại Hội thảo “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh phối hợp tổ chức, đồng chí Ðoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Ðoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh nhấn mạnh: Nam Ðịnh về đích nông thôn mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi về thăm và làm việc tại tỉnh dịp đầu năm 2018. Ðể đạt được kết quả đó, qua tổng kết đã cho thấy: Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì mấu chốt thành công là phải làm thật tốt công tác vận động để nhân dân đồng thuận tham gia xây dựng nông thôn mới. Quan điểm chung của tỉnh là: Xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; cộng đồng dân cư vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng hưởng lợi khi xây dựng nông thôn mới. Do vậy, trách nhiệm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền là phải làm thật tốt công tác định hướng, vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, theo phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Chính vì thế Nam Ðịnh đã thực hiện thành công một loạt các công việc vừa khó, vừa phức tạp, mang tính quyết định trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đã vận động hiệu quả các hộ nông dân đồng thuận thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, tập trung tích tụ ruộng đất. Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nam Ðịnh xác định dồn điền, đổi thửa là công việc khó, phức tạp nhưng là một khâu quan trọng, mang tính quyết định. Do vậy ngay từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về dồn điền, đổi thửa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ðến hết năm 2015, đã có 2.976/2.986 thôn, đội hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, đạt tỷ lệ 99,7%. Sau dồn điền, đổi thửa, các địa phương đã dồn gọn được quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới và hình thành được các cánh đồng mẫu lớn. Thông qua dồn điền, đổi thửa; các cấp ủy Ðảng, chính quyền đã vận động các hộ gia đình và nhân dân tự nguyện hiến, góp hàng nghìn ha đất nông nghiệp để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi. Nhờ đó đến nay, đã có gần 20 nghìn công trình thủy lợi được cải tạo, nâng cấp; gần 1.000km kênh mương được kiên cố hóa; hàng nghìn km đường giao thông nội đồng được đầu tư cải tạo, nâng cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Dồn điền, đổi thửa là bước mở đầu quan trọng cho các phong trào xây dựng nông thôn mới rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền kể chuyện Bác Hồ 5 lần về thăm Nam Định cho thế hệ trẻ tại Bảo tàng Nam Định. Ảnh: Việt Thắng
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền kể chuyện Bác Hồ 5 lần về thăm Nam Định cho thế hệ trẻ tại Bảo tàng Nam Định. Ảnh: Việt Thắng

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, xuất phát từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn; nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ðây là bài toán khá nan giải khi mới bắt đầu thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn; Nam Ðịnh đã sớm đề ra quan điểm: Xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; các xã, thị trấn, các thôn, đội và người dân nông thôn phải chủ động trong xây dựng nông thôn mới; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quan điểm này đã tạo được sự ủng hộ cao của người dân và con em quê hương trong việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 6 năm 2019, tổng các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt 21.920 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước 26,3%; còn lại là các nguồn vốn tín dụng, vốn từ doanh nghiệp, vốn huy động từ cộng đồng dân cư, vốn lồng ghép và các nguồn vốn khác.

Cùng với việc vận động nhân dân hiến đất, góp đất xây dựng cơ sở hạ tầng; Nam Ðịnh cũng đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc dành quỹ đất để xây dựng các khu đô thị mới trung tâm các thị trấn; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn với mục tiêu: Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân ngay trên mảnh đất quê hương. Từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay đã đưa được trên 4.500 doanh nghiệp về địa bàn nông thôn, tạo công ăn, việc làm cho hàng chục vạn lao động. Từ 2016 đến nay, thu ngân sách từ nguồn bán đấu giá đất ở các khu đô thị mới trung tâm các thị trấn, thị tứ bình quân khoảng 2.000 tỷ đồng/năm cho xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, đến nay số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 70%. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2018 tăng 3,5 lần so với năm 2010. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%.

Nam Ðịnh đã thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa và môi trường sinh thái. Xuất phát từ cách làm của Hải Hậu - một trong những huyện được công nhận nông thôn mới trong “top” đầu cả nước đã xây dựng mô hình “Nhà có số, phố có tên; sông không rác; đường có điện, có hoa; cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”. Ðến nay, Nam Ðịnh đã nhân rộng mô hình này thành phong trào rộng khắp ở các vùng nông thôn: Nhiều con đường đã được trồng hoa ven đường; hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn đã được nhân dân đóng góp đầu tư hệ thống đèn đường chiếu sáng; 100% các xã, thị trấn đã có các nhà đầu tư đã và đang xây dựng các nhà máy nước sạch (đến năm 2020 có trên 95% các hộ dân nông thôn được cung cấp nước máy); 100% các xã, thị trấn đều có lò đốt rác sinh hoạt. Các dòng sông và kênh mương thường xuyên được dọn dẹp rác thải nên đã dần lấy lại sự hiền hòa của các dòng chảy vùng nông thôn.  

Xây dựng nông thôn mới là quá trình kiên trì, bền bỉ, lâu dài, không có điểm dừng với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Ðó cũng chính là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Ðại hội đại biểu Hội Nông dân toàn quốc vừa qua: “Chúng ta phải xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại”./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com