60 năm Tết trồng cây, nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh!

07:02, 11/02/2019

Ngày 28-11-1959, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân, chính thức khởi xướng và phát động phong trào Tết trồng cây. Từ việc khởi xướng và phát động của Bác Hồ, 60 năm qua, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống luôn được toàn Đảng, toàn dân ta hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể.

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16-2-1969. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16-2-1969. Ảnh: Tư liệu

"Tốn kém ít mà ích lợi nhiều"

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, Bác thường viết báo và nói chuyện nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, đồng thời tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Bác xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người, xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trong Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956, Bác chỉ rõ: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng ở bờ biển”. Bác giải thích: “Công cuộc xây dựng lại đất nước ngày nay như đào một cái giếng uống nước, trồng cái cây ăn quả: Người đào giếng phải chịu khát rồi mới có nước. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới chóng có quả”. Trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” đăng trên Báo Hà Đông, ngày 20-1-1965, Bác viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”. Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc "tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Để hoàn thành kế hoạch trồng cây hàng năm, Bác yêu cầu phải phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng, trong đó chỉ ra lực lượng nòng cốt là thanh niên: “Thanh niên nên phụ trách việc trồng cây. Đồng thời phải kết hợp với lực lượng các cụ phụ lão và các cháu thiếu nhi. Nhiều cụ trồng cây rất giỏi. Phải giáo dục cho các cháu thiếu nhi bảo vệ và chăm sóc cây cối. Cần có kế hoạch làm cho mọi người tham gia trồng cây. Làm sao cho người trồng cây cũng có lợi. Như vậy mọi người sẽ phấn khởi trồng cây. Thanh niên nên chuẩn bị một kế hoạch trồng cây: Trồng ở đâu? Trồng bao nhiêu? Trồng cây gì... bàn bạc với các địa phương để thực hiện kế hoạch cho tốt”. Trong bài báo Tết trồng cây viết năm 1969, Hồ Chủ tịch viết: “Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta”. Người kêu gọi: “Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức “một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.

"Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân"

60 năm qua, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mang đậm dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tại tỉnh ta, những năm qua phong trào "Tết trồng cây làm theo lời Bác" được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành quan tâm chỉ đạo gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới trong xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn “xanh - sạch - đẹp” thông qua các công việc: Vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang nhà ở khuôn viên gia đình, trồng cây bóng mát, lắp hệ thống điện chiếu sáng công cộng, trồng hoa trên các tuyến đường, thu gom rác thải. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm, động viên sản xuất đầu năm tại huyện nông thôn mới Hải Hậu đã yêu cầu tiếp tục phát động Tết trồng cây gắn với phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới để từ Trung ương đến địa phương có những nội dung, hình thức phù hợp, đa dạng, thực tiễn. Tại Hải Hậu, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu do phụ nữ tự quản” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã căn cứ vào các tiêu chí xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu với tiêu chí chiều dài từ 1.000m trở lên; đường hoa có thể liên xóm, trồng hoa hai bên đường chiều dài từ 500m trở lên; chiều rộng đường hoa tối thiểu từ 0,5m. Các loại hoa, cây vừa đảm bảo tính bền vững và thẩm mỹ vừa đảm bảo các tiêu chí vệ sinh môi trường thường xuyên được chăm sóc. Đến nay, các Chi hội Phụ nữ đã trồng mới 69km trên các tuyến đường, nâng tổng số chiều dài các tuyến đường được trồng cây, trồng hoa đến nay là 454km. Huyện đã tổ chức thẩm định và công nhận 70 tuyến đạt tiêu chuẩn “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu do phụ nữ tự quản”.

Phát động “Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi năm 2019”, ngày 21-1, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND. Theo đó, năm 2019, toàn tỉnh sẽ trồng 40ha rừng phòng hộ tập trung ven biển tại huyện Nghĩa Hưng; trên 700 nghìn cây phân tán các loại. Lễ phát động Tết trồng cây cấp tỉnh sẽ được tổ chức tại Thành phố Nam Định vào ngày mồng 7 tháng Giêng năm Kỷ Hợi (tức ngày 11-2). Sau lễ phát động Tết trồng cây của tỉnh, các huyện ven biển căn cứ vào các kế hoạch trồng rừng, triển khai ngay công tác trồng rừng phòng hộ vụ xuân; các địa phương tiến hành trồng cây phân tán dọc các trục đường giao thông nông thôn, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, khu xử lý rác thải tập trung.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố phát động và đồng loạt ra quân thực hiện Tết trồng cây và phong trào trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019 tại nơi trang trọng và có ý nghĩa văn hóa, lịch sử vào ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong tiết lập xuân; gắn với phát động phong trào bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn mới; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức. Thông qua việc trồng cây, trồng hoa ven đường hàng năm để hình thành các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, công sở “xanh - sạch - đẹp”; có hình thức khuyến khích, động viên, biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác trồng cây, trồng rừng và làm đẹp cảnh quan; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với những địa phương, đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng cây, trồng rừng./.

Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com