Chuyển biến trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

07:12, 28/12/2017

Trong những năm qua, Ban TVTU, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Qua đó chất lượng các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ từng bước nâng cao, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng của tỉnh.

Cán bộ Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thu thập tài liệu phục vụ công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ.
Cán bộ Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thu thập tài liệu phục vụ công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ.

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”; Chỉ thị 14-CT/TU ngày 22-4-2003 của Ban TVTU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền chỉ thị và nghiêm túc triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Hầu hết các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đều đưa công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng vào nghị quyết đại hội, một số cấp uỷ còn ra chỉ thị, thông tri để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ. Việc bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư. Để hỗ trợ cơ sở thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ cho mỗi xã, phường, thị trấn có bản thảo xuất bản lịch sử Đảng bộ 10 triệu đồng. Nhiều huyện, thành phố cũng có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho việc xuất bản lịch sử Đảng bộ cơ sở từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đến nay tổng kinh phí chi phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn của tỉnh cho các xã, phường, thị trấn là 2,25 tỷ đồng. Ngoài ra nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tham gia ủng hộ kinh phí giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng. Công tác tập huấn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử, truyền thống cách mạng cũng thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu tình hình mới.

Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ, truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ năm 2002 đến nay, ở cấp tỉnh đã biên soạn xuất bản được 8 công trình, ấn phẩm lịch sử có chất lượng tốt, gồm: “Những người cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định”; “Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định 1976-2000”; “Đồng chí Trường Chinh với quê hương Nam Định”; “Lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Nam Định”; “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định”; “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định 1975-2005”; “Đảng bộ tỉnh Nam Định - Những thành tựu nổi bật trong 5 năm 2011-2015”; “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định”. Ở cấp huyện có 16/16 Đảng bộ huyện, thành và trực thuộc (100%), đã xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử ngành. Các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể có 15 đơn vị đã biên soạn, xuất bản lịch sử. Ở cấp cơ sở có 225/229 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử Đảng bộ, đạt 98,3%. 100% đơn vị LLVT và 80% Công an của các huyện, thành phố trong tỉnh đều đã triển khai tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống. Nhìn chung các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của các địa phương, đơn vị đều đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ tỉnh và lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo của từng địa phương, đơn vị. Trong đó, đảm bảo tính chuẩn xác các sự kiện lịch sử, quá trình lãnh đạo của Đảng bộ qua các thời kỳ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao... Nêu được đầy đủ vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên của địa phương; quá trình hình thành và phát triển với những nét văn hóa riêng có, tiêu biểu; những nét đẹp trở thành truyền thống của con người Nam Định; từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Việc nghiên cứu, biên tập các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đều được chuẩn bị, xây dựng công phu, nghiêm túc, cẩn thận; đồng thời có sự quan tâm, giúp đỡ, cộng tác tích cực của các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng qua các thời kỳ. Các ấn phẩm lịch sử sau khi phát hành đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đón đọc; phục vụ tốt cho công tác giáo dục truyền thống, công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương của tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: Một số sở, ban, ngành của tỉnh chưa thật chủ động trong việc tổ chức tiến hành biên soạn, xuất bản lịch sử của đơn vị mình. Sự phân kỳ ở một số cuốn sử chưa khoa học, chưa sát với tình hình địa phương, chưa phù hợp với tiến trình cách mạng chung của cả nước. Phương pháp thể hiện ở một số cuốn sử còn thiên về phản ánh sự kiện, một số bài học kinh nghiệm rút ra còn chung chung, chưa sát với thực tiễn; tính lịch sử và tính logic chưa cao, bố cục từng thời kỳ chưa thật hợp lý. Nhiều cán bộ làm công tác lịch sử Đảng, nhất là ở cấp cơ sở chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chất lượng tham mưu còn hạn chế.

Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể, xã, phường, thị trấn. Kiện toàn đội ngũ cán bộ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp, đảm bảo số lượng, có chất lượng. Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên các cấp về công tác lịch sử Đảng. Đảm bảo chặt chẽ quy trình sưu tầm nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản, nâng cao hơn nữa chất lượng các ấn phẩm lịch sử. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng của tỉnh. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử; có cơ chế bồi dưỡng, trả nhuận bút phù hợp để khuyến khích cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, nhân chứng lịch sử… tích cực tham gia công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đề xuất, kiến nghị với Viện Lịch sử Đảng Trung ương thường xuyên tổ chức đánh giá và tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng của các địa phương, đơn vị để không ngừng nâng cao chất lượng phát hành lịch sử Đảng bộ trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com