70 năm Quốc hội Việt Nam (kỳ 11)

08:04, 01/04/2016

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

iii) Quốc hội nhiệm kỳ khóa XI (2002-2007)

- Bầu cử ngày 19-5-2002

- Tổng số đại biểu: 498

Cơ cấu thành phần của Quốc hội như sau:

+ Trung ương: 30,92%

+ Địa phương: 69,08%

+ Dân tộc thiểu số: 17,27%

+ Phụ nữ: 27,31%

+ Đại biểu khóa X tái cử: 27,11%

+ Đại biểu tự ứng cử: 0,40%

+ Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 11,24%

+ Đại biểu có trình độ đại học và trên đại học: 93,37%

+ Đại biểu thuộc khối doanh nghiệp: 5,02%       

+ Tôn giáo: 1,40%

Đây là nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên hoạt động trong thiên niên kỷ mới. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gồm 13 thành viên do đồng chí Nguyễn Văn An làm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 9 ủy viên. Quốc hội thành lập Hội đồng Quốc phòng và an ninh; thành lập Hội đồng Dân tộc và 7 uỷ ban của Quốc hội: Uỷ ban Pháp luật; Uỷ ban Kinh tế và ngân sách, Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Uỷ ban Về các vấn đề xã hội; Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Uỷ ban Quốc phòng và an ninh, Uỷ ban Đối ngoại.

Để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc, đó là: Ban công tác lập pháp, Ban công tác đại biểu và Ban dân nguyện.

Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Có 120 trong số 498 đại biểu (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội) hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở 64 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Toàn cảnh phiên Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI. Ảnh: Tư liệu
Toàn cảnh phiên Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI. Ảnh: Tư liệu

Quốc hội khóa XI trải ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước được triển khai một cách toàn diện, mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và thành tựu của các khóa trước, Quốc hội đã tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động, đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện những chức năng cơ bản của Quốc hội.

- Về hoạt động lập pháp

Trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội đã có bước đột phá lớn. Với những đổi mới quan trọng về quy trình lập pháp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 84 luật, bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua và 31 pháp lệnh. Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm và phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn xã hội. Nội dung các vấn đề được quy định trong các luật, bộ luật cơ bản bao quát các lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, đối ngoại đến tổ chức bộ máy Nhà nước, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, Quốc hội đã dành nhiều thời gian, công sức để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các đạo luật về kinh tế thuộc các lĩnh vực: doanh nghiệp, đầu tư, ngân hàng, tín dụng, thương mại, kinh doanh bất động sản, cải cách chính sách thuế..., phù hợp với điều kiện và mục tiêu của đất nước, yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhiều bộ luật lớn quy định về trình tự thủ tục đã được sửa đổi hoặc ban hành mới như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; nhiều vấn đề mới và khó như: cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, chứng khoán, chuyển giao công nghệ... đã được Quốc hội ban hành các đạo luật để điều chỉnh.

- Về hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát có bước đổi mới cả về nội dung và hình thức, góp phần thúc đẩy việc thực hiện pháp luật, nghị quyết của Quốc hội. Nội dung giám sát đã tập trung vào các vấn đề bức xúc được dư luận phản ánh và nhân dân quan tâm, như: đầu tư dàn trải, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai thực hiện một số công trình quan trọng quốc gia (nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng); giáo dục; y tế; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật...

Phương thức tiến hành giám sát đã có những cải tiến nhất định, theo hướng tăng cường giám sát tối cao, xem xét báo cáo của Chính phủ kết hợp với giám sát thực tế tại địa phương, cơ sở; vừa thực hiện giám sát thường xuyên, vừa giám sát theo chuyên đề. Việc Quốc hội tiến hành giám sát tại kỳ họp đối với một số nội dung chuyên sâu, đổi mới việc chất vấn kết hợp với việc nghe báo cáo giám sát chuyên đề đã góp phần nâng cao hiệu quả giám sát tối cao, được cử tri hoan nghênh.

Kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội đã có tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Qua giám sát, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị (thông qua các báo cáo thẩm tra, thuyết trình và thảo luận) đóng góp vào hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Phần lớn những kết luận, kiến nghị của cơ quan giám sát đã được các cơ quan chức năng tiếp thu trong quá trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, cơ chế chính sách và công tác chỉ đạo điều hành của ngành, lĩnh vực. Trong các báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ hằng năm, Chính phủ đã khẳng định thành quả đạt được có phần đóng góp quan trọng từ kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Tác động của hoạt động giám sát cũng đã tạo nên chuyển biến đáng kể về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

- Về việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng thực chất hơn. Quốc hội khoá XI đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, từ tổ chức bộ máy Nhà nước, nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Quốc hội; nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước cho đến chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia; phê chuẩn Hiệp định giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nước; phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới...

Ngoài ra, với việc thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Luật Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội đã tạo lập cơ chế bảo đảm nâng cao hiệu quả thực hiện quyền giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng về tài chính, ngân sách.

- Về hoạt động đối ngoại

Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Kết quả nổi bật của các hoạt động đối ngoại song phương là đã củng cố, phát triển quan hệ với nghị viện các nước láng giềng, các nước ASEAN và Đông Bắc Á, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ, nghị viện châu Âu, nghị viện nhiều nước thuộc liên minh châu Âu, làm cho các mối quan hệ này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; phát triển quan hệ với nghị viện các nước thuộc khu vực châu Phi và các nước Trung, Nam Mỹ; củng cố và từng bước đẩy mạnh quan hệ truyền thống với các nước Trung Đông Âu.

Về quan hệ đa phương, là thành viên của nhiều tổ chức liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam không chỉ đóng góp tích cực vào hoạt động của các diễn đàn này, mà còn chủ động đề xuất các sáng kiến, đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy sự hợp tác có hiệu quả. Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã chủ trì tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng tại Việt Nam như: Đại hội đồng AIPO lần thứ 23; Hội nghị đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP-3) lần thứ 3; Hội nghị Ban chấp hành Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF); Hội nghị lần thứ 13 Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-13)... Kết quả đạt được này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

iv) Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011)

- Bầu cử ngày 20-5-2007

- Tổng số đại biểu: 493

Cơ cấu thành phần của Quốc hội như sau:

+ Trung ương: 31,03%

+ Địa phương: 68,97%

+ Dân tộc thiểu số:17,65%

+ Phụ nữ: 25,76%

+ Đại biểu khóa XI tái cử: 27,59%

+ Đại biểu tự ứng cử: 0,20%

+ Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 13,79%

+ Đại biểu có trình độ trên đại học và đại học: 95,94%

+ Đại biểu thuộc khối doanh nghiệp: 4,26%                  

+ Tôn giáo: 2,84%

Đây là khóa Quốc hội tiếp tục đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 5 của BCH Trung ương Đảng với những nội dung hết sức quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận dân chủ bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 18 thành viên do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, 13 ủy viên. Quốc hội thành lập Hội đồng Quốc phòng và an ninh; thành lập Hội đồng Dân tộc và 9 uỷ ban của Quốc hội: Uỷ ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Uỷ ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và ngân sách, Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Uỷ ban Về các vấn đề xã hội; Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Uỷ ban Quốc phòng và an ninh, Uỷ ban Đối ngoại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc, đó là: Ban công tác đại biểu, Ban dân nguyện và Viện nghiên cứu lập pháp.

So với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, số lượng các ủy ban của Quốc hội khóa XII tăng lên với việc Quốc hội thành lập mới Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tài chính và ngân sách trên cơ sở Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội khóa XI. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được tăng cường với 145 đại biểu, chiếm 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII hoạt động 4 năm (2007-2011), trải qua 9 kỳ họp trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức. Mặc dù quỹ thời gian hoạt động ít hơn so với nhiệm kỳ khóa XI, nhưng những kết quả đạt được của Quốc hội khóa XII là đáng ghi nhận. Điểm đáng lưu ý, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới. Những kết quả đó thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng rõ nét nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn, quyết định nhiều vấn đến quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, công trình quan trọng quốc gia và đẩy mạnh hoạt động đối ngoại.

- Về hoạt động lập pháp

Với sự phấn đấu nỗ lực, không ngừng đổi mới, trong 4 năm, Quốc hội khóa XII đã thông qua được 68 luật, 12 nghị quyết; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Các văn bản pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của đất nước.

Nội dung các đạo luật điều chỉnh bao gồm hầu hết các lĩnh vực, từ quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy Nhà nước, hành chính, dân sự, hình sự, tư pháp, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; quản lý nợ công; trưng mua, trưng dụng tài sản; thuế sử dụng đất nông nghiệp, tài nguyên, thu nhập cá nhân... Đồng thời, quan tâm sửa đổi, bổ sung kịp thời một số chế định pháp luật không còn phù hợp thuộc các lĩnh vực: ngân hàng; tín dụng; thuế; đầu tư xây dựng cơ bản; phòng, chống tham nhũng; quốc tịch; giao thông đường bộ; xuất bản; sở hữu trí tuệ,... để đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Quy trình lập pháp tiếp tục được đổi mới, cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, cụ thể trong văn bản pháp luật. Một số khâu trong quy trình lập pháp đã có sự thay đổi, bảo đảm khoa học, dân chủ và chặt chẽ hơn. Việc điều chỉnh thời điểm thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và linh hoạt giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung khi cần thiết và báo cáo Quốc hội; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án trình Quốc hội thông qua, đã tạo điều kiện có thêm thời gian và chủ động hơn trong chuẩn bị, xây dựng và hoàn thiện văn bản. Việc quy định vấn đề lồng ghép giới trong quy trình lập pháp là một bước tiến bộ, phù hợp với xu hướng của thế giới.

Công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh được tiến hành tích cực, có sự phân công rõ ràng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động nghiên cứu, khảo sát thực tế, tham khảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của cử tri… Vì vậy, các báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng, thể hiện rõ chính kiến, có tính phản biện cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn. Công tác chỉnh lý, hoàn thiện văn bản trước khi trình Quốc hội thông qua được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, thận trọng.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã có nhiều hình thức thảo luận, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức hữu quan và cá nhân ở địa phương vào các dự án luật. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, tích cực đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng văn bản ban hành.

Việc công khai dự thảo văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang thông tin điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được dự kiến những thay đổi về chính sách, pháp luật để đóng góp ý kiến xây dựng văn bản và chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện sau này.

- Về hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Thông qua giám sát đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nẩy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao sáu chuyên đề và ra nghị quyết nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ, các cơ quan liên quan phải tập trung thực hiện, trong đó, có nội dung được giám sát hai lần như đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương.

Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, làm rõ thêm tình hình, nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Cách thức tiến hành chất vấn được cải tiến theo nhóm vấn đề với sự tham gia của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ trưởng, trưởng ngành; tăng thời gian đối thoại, tạo không khí cởi mở, thẳng thắn. Sau chất vấn, các cá nhân và cơ quan có liên quan đã nghiêm túc xem xét những vấn đề đại biểu nêu lên, như rà soát quy hoạch, quản lý cấp phép sân golf; điều hành thu mua xuất khẩu gạo; xây dựng một số công trình thủy điện vừa và nhỏ; quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng; chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách đối với người có công... Việc theo dõi thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn được thực hiện thường xuyên hơn. Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát chuyên đề và chất vấn thời gian qua đã góp phần tích cực giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra, có tác động thiết thực trong thực tế, thúc đẩy các cơ quan Nhà nước khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Những điểm mới là Quốc hội đã ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri. Việc làm này đã tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước. Đồng thời là căn cứ để đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn, làm rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành, nhất là những vấn đề đã hứa trước Quốc hội và cử tri.

Hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội được tiến hành tích cực, chủ động trên các lĩnh vực được phân công phụ trách; có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức giám sát, có sự kết hợp giữa giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát chặt chẽ hơn. Chất lượng thẩm tra các báo cáo, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... ngày càng được nâng cao. Việc tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Uỷ ban của Quốc hội là điểm mới trong nhiệm kỳ này, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Các nhận định, đánh giá trong báo cáo giám sát đã phản ánh sát thực và khách quan tình hình thực tiễn, nêu rõ những kết quả đạt được, kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những yếu kém trong quản lý, điều hành. Các đề xuất, kiến nghị trong báo cáo giám sát cụ thể, có tính khả thi và tạo được sự đồng thuận cao đã có tác dụng tích cực cho các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp cũng như trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã có nhiều cố gắng trong tiến hành hoạt động giám sát tại địa phương. Qua giám sát, nhiều kiến nghị có chất lượng đã được các bộ, ngành, cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương xem xét giải quyết. Đồng thời, đã phối hợp tốt trong việc giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri, qua đó, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của đại biểu nhân dân.

- Về việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Trong bối cảnh có những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri; thảo luận, tranh luận thẳng thắn và đề ra những giải pháp phù hợp, góp phần làm chuyển biến tình hình, bảo đảm ổn định và phát triển đất nước. Các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; về ưu tiên kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu duy trì tăng trưởng hợp lý; về điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu chủ yếu (tốc độ tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước…); phát hành trái phiếu Chính phủ để tập trung xây dựng những công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế… phù hợp với tình hình thực tế, đã góp phần cùng Chính phủ, các cấp, các ngành khắc phục khó khăn thách thức, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Thực tế đã chứng minh, những điều chỉnh đó là cần thiết, đúng đắn và kịp thời, thể hiện bước tiến mới về năng lực lãnh đạo, trình độ dự báo, khả năng phản ứng chính sách và bản lĩnh vững vàng của Đảng và Nhà nước ta.

Các Nghị quyết về ngân sách ngày càng được nâng cao về chất lượng, góp phần giữ vững các cân đối vĩ mô, cân đối ngân sách Nhà nước một cách tích cực; đẩy mạnh sự phân công, phân cấp, tạo sự chuyển biến quan trọng, chủ động trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm những điều kiện vật chất để xử lý kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước.

Các quyết định về chủ trương đầu tư dự án thủy điện, điện hạt nhân; về rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội; kéo dài nhiệm kỳ HĐND; điều chỉnh địa giới hành chính; thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường…; về chưa đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; về bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cấp cao của Nhà nước..., đều được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, gắn với việc thực hiện chức năng giám sát, nhất là quy trình thông qua các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

- Về hoạt động đối ngoại

Trong nhiệm kỳ khóa XII, Quốc hội đã tăng cường đối ngoại song phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực và thế giới. Củng cố, phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN và Đông Bắc Á, đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ, nghị viện châu Âu, nghị viện nhiều nước thuộc liên minh châu Âu, đưa các mối quan hệ này đi vào thực chất, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; khai thông và phát triển quan hệ với nghị viện nhiều nước thuộc khu vực châu Phi và các nước Trung, Nam Mỹ theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta; quan tâm đẩy mạnh và củng cố quan hệ truyền thống với các nước Trung và Đông Âu, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại đa phương trên các diễn đàn khu vực và thế giới như Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, Liên minh nghị viện thế giới, Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ, Hội nghị đối tác nghị viện Á - Âu. Tham gia đóng góp tích cực vào các diễn đàn, chủ động đề xuất các sáng kiến, những khuyến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác có hiệu quả của các tổ chức này; một số sáng kiến được nghị viện các nước tán thành và đưa vào Nghị quyết của Đại hội đồng. Đặc biệt, việc Quốc hội nước ta đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 31; được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới nhiệm kỳ 2010-2011; đảm nhận cương vị Chủ tịch Nhóm ASEAN+3 đã đánh dấu sự trưởng thành mạnh mẽ của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực của nước ta.

Thông qua con đường ngoại giao nghị viện, các Đoàn của Quốc hội Việt Nam đã trực tiếp tham gia đối thoại nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp liên quan đến dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, những xung đột về quan hệ thương mại và đã thu được những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần vào việc thông tin, quảng bá hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế; phát triển các quan hệ kinh tế và nâng cao vai trò, vị thế của nước ta nói chung, Quốc hội nói riêng trên trường quốc tế.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com