Đại biểu băn khoăn chưa trả lời được câu hỏi chạy chức, chạy quyền

08:03, 30/03/2016

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 29-3, Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án TAND Tối cao và Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù nhiệm kỳ qua có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã có nhiều giải pháp tích cực giải quyết kịp thời đơn thư tồn đọng kéo dài, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế và cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đó để rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

Chưa trả lời được câu hỏi chạy chức, chạy quyền...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu, có thể khẳng định rằng, nhiệm kỳ qua, hoạt động Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tốt, thể hiện ở sự ổn định kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, được cử tri đánh giá cao.

Tuy nhiên, vấn đề mà cử tri và nhân dân bức xúc, kiến nghị với Chính phủ phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp.

Đại biểu cho rằng, gần đây, Tổng Bí thư có nêu một khái niệm là “chạy luân chuyển”, điều đó chứng tỏ có chính sách gì mới thì đều có “chạy”. “Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành biết nhưng chúng ta thiếu đi một cơ chế, thiếu đi cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý. Bởi vậy, câu hỏi chạy ai, ai chạy thì chúng ta chưa trả lời được?” - đại biểu nêu rõ.

Đối với hoạt động của Tòa án và Viện Kiểm sát, thời gian qua chưa cân đối trong báo cáo giữa thành tích và hạn chế, tồn tại. Hậu quả của việc này sẽ không đưa ra được giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới, làm cho một số nội dung hạn chế trong hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát lặp đi lặp lại mà không giải quyết được.

Về hoạt động của Viện Kiểm sát, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết, báo cáo của Viện Kiểm sát gần 30 trang nêu kết quả đạt được nhưng chỉ có nửa trang nêu hạn chế rất chung chung. Một số hạn chế làm dư luận bức xúc trong nhiều năm mà chưa được đề cập trong báo cáo như: Để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, việc giải quyết đơn khiếu nại, tái thẩm, dân sự chưa được kịp thời; vấn đề tiêu cực trong điều tra, truy tố còn chậm khắc phục…

Về báo cáo của Chánh án TAND Tối cao dài 23 trang nêu về kết quả đạt được mà chưa được 1 trang nêu hạn chế. Báo cáo chưa nêu hạn chế như: Để tình trạng các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật theo lỗi chủ quan, lỗi quyết định sai của Tòa án; tuyên sai,...

Trước thực trạng trên, đại biểu kiến nghị, đối với Quốc hội và Chính phủ, cần phải quan tâm khắc phục sự chồng chéo do pháp luật, pháp lệnh, văn bản dẫn đến chậm và sai sót của Tòa án, Viện Kiểm sát; quan tâm đến cải cách tiền lương, phụ cấp phù hợp với vị trí đảm bảo công bằng, công khai, tiết kiệm ngân sách của Nhà nước.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) lại bày tỏ quan tâm đến ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân và cho rằng, đang có một sự “xuống cấp” nghiêm trọng trong vấn đề này.

Đại biểu cho rằng, một trong những nhiệm vụ then chốt của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ tới là phải tăng cường giáo dục pháp luật và kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng bàn về vấn đề này, tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ: “Nếu cứ điều hành theo cung cách cũ thì khó có thể tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình. Tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng công khai, nếu Thủ tướng sớm xử lý kỷ luật một vài vụ thì có lẽ hậu quả đã không nghiêm trọng như khi đổ bể mới đưa ra tòa”.

Đại biểu cho rằng, cần mạnh dạn thay thế các thứ trưởng, bộ trưởng; lãnh đạo địa phương vi phạm pháp luật thì mới chấm dứt được tình trạng trên bảo dưới làm lơ.

Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong trận chiến chống tham nhũng?

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết, nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp. Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước có 5 nhiệm vụ đối nội, một đối ngoại nhưng có 3 điểm sáng. Thứ nhất, Chủ tịch nước đã quan tâm xây dựng hệ thống pháp luật để đưa nước ta hội nhập với thế giới, quan tâm xây dựng đội ngũ tư pháp để đáp ứng yêu cầu thực tế; thứ hai, hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước trong thời gian vừa qua đã góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế; thứ ba, trong hoạt động thực tiễn Chủ tịch nước đã rất quan tâm, gần gũi với nhân dân, luôn quan tâm đến đời sống của người dân, xây dựng các thiết chế văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Tuy nhiên, đề cập đến những hạn chế của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho biết: “Cử tri nói với tôi là Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri, khi làm việc ở các địa phương luôn luôn thể hiện mong muốn, quyết tâm chống tham nhũng với thái độ rất rõ ràng”.

Tuy nhiên cử tri lại rất băn khoăn: “Không biết là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì và làm được gì trong việc chống lại tham nhũng?”.

Đại biểu cũng cho rằng, nhìn tổng thể trong nhiều mặt hoạt động chưa thể hiện rõ quyền lực của Chủ tịch nước trong đối nội và đối ngoại, đặc biệt là đối nội. Hơn nữa, mối quan hệ phối hợp điều hành giữa Chủ tịch nước và Chính phủ là chưa rõ, chưa cụ thể trong việc giải quyết vấn đề quốc kế dân sinh, vấn đề quan trọng của đất nước. Khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp quy định cũng chưa rõ, chẳng hạn quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh...

Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn kiến nghị, đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ tới luật về chế định Chủ tịch nước. Đây là một chế định quan trọng, làm rõ tư cách của Chủ tịch nước đứng đầu việc đối nội, đối ngoại.

Theo đại biểu, phải thể chế rõ ràng quy định về bộ máy giúp việc cho Chủ tịch nước, vì muốn Chủ tịch nước làm việc tốt thì phải có bộ máy giúp việc hoàn chỉnh, cụ thể.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết: Với cương vị người đứng đầu của Nhà nước nhưng việc thể hiện của Chủ tịch nước đối với kết quả chỉ đạo, đặc biệt là vấn đề quốc kế dân sinh chưa rõ; nhất là việc vay nợ quốc tế và giám sát việc sử dụng nguồn vay này như thế nào cho an toàn với sự phát triển của đất nước. Theo đại biểu, ngay vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang được ghi trong Hiến pháp, nhưng hiện nay, mới thể hiện ở phong, thăng, giáng cấp quân hàm, còn vai trò của Chủ tịch nước với việc phê duyệt tài chính, đầu tư thiết bị đảm bảo an ninh chưa rõ.

Theo đại biểu, người dân kỳ vọng rất nhiều vào Chủ tịch nước, nhưng kết quả thực thi chưa được như kỳ vọng.

“Đây là dịp tổng kết nhiệm kỳ, vì vậy, tôi kiến nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới tiếp tục hoàn thiện nội dung thể chế để Chủ tịch nước có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, xứng đáng với kỳ vọng của người dân cả nước về người đứng đầu quốc gia” - đại biểu Bùi Văn Phương nêu ý kiến.

Hôm nay, 30-3, Quốc hội bắt đầu quyết định nhân sự Nhà nước.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, từ sáng nay (30-3), Quốc hội bắt đầu xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.

Cụ thể, lúc 10h30 ngày 30-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu để làm việc cho tất cả các lần bỏ phiếu quyết định nhân sự.

Sau các thủ tục thành lập Ban kiểm phiếu, công bố thể lệ bỏ phiếu, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín và dành thời gian thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn.

Sáng 31-3, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và tiến hành bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố và Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ.

Cũng trong ngày 31-3, Quốc hội thực hiện các quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước và thảo luận về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Sáng 2-4, Quốc hội bỏ phiếu kín bầu tân Chủ tịch nước, công bố kết quả và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trong các ngày 4 và 5-4, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chiều 4-4), bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước (chiều 5-4).

Sáng 6-4, tân Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội thảo luận tại Đoàn. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử nhân sự dự kiến bầu vào vị trí Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội thảo luận tại Đoàn, thảo luận tại hội trường và biểu quyết thông qua danh sách.

Sáng 7-4, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ, ra Nghị quyết về việc này và tân Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ.

Từ 7 đến 12-4, Quốc hội tập trung thực hiện quy trình miễn nhiệm và bầu mới nhân sự cho các vị trí Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com