Di sản văn hoá của Nguyễn Du thuộc về hiện tại và tương lai

07:11, 06/11/2015

LTS: Tháng 11 này, lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hoá thế giới (1765-1820) sẽ được tổ chức trang trọng, mang tầm quốc gia. Nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm, ngày 8-8-2015, đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du. Báo Nam Định trân trọng giới thiệu trích bài phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo.

Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội thảo khoa học quốc tế Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức. Tại kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37 ở Pa-ri ngày 25-10-2013, Nguyễn Du đã được chọn là nhân vật văn hoá do thế giới vinh danh, và năm 2015 là năm toàn thế giới kỷ niệm nhân 250 năm sinh của Nguyễn Du. Hội thảo này là một trong rất nhiều hoạt động kỷ niệm 250 năm sinh của Đại thi hào. Đây là sự kiện văn hoá tầm cỡ quốc gia, lan rộng ra quốc tế, có ý nghĩa chính trị - xã hội và văn hoá rất quan trọng. Bởi lẽ, di sản văn hoá mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế, nhất là Truyện Kiều, thể hiện sinh động chủ nghĩa nhân văn cao cả, lòng thương yêu con người, khát vọng giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bất công vươn tới tự to và thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, ngôn ngữ, thi ca và cốt cách văn hoá Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, tất cả chúng ta đến dự cuộc Hội thảo hôm nay đều mang trong lòng sự ngưỡng mộ đối với Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du; đều đã từng đọc, thuộc, nghiền ngẫm và tâm hồn xao xuyến, rung lên khi vận một vài câu Kiều vào những cảnh ngộ, những nông nỗi cuộc đời, và ít nhiều bắt gặp mình trong đó.

Sinh thời, Nguyễn Du vì đau đớn bởi sự cô độc giữa thời thế, giữa nhân tình đã thốt lên: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” 1. Nhưng 200 năm qua ở Việt Nam, di sản vô giá, đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du không ngừng lan tỏa và được khám phá trên nhiều phương diện khác nhau. Từ nửa thế kỷ trước đây, trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước còn muôn vàn khó khăn, gian khổ, cùng với Nghị quyết của Ủy ban Hòa bình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du một cách trọng thể. Có thể nói, ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống, ở đó có Nguyễn Du. Từ những trí thức đến người lao động bình thường, không ai không thuộc hoặc không đọc, không nghe một vài câu Kiều của Nguyễn Du. Người ta đọc Kiều, người ta lẩy Kiều, người ta bói Kiều, người ta ru con bằng những câu Kiều. Và tôi nghĩ, nhiều cô bé, cậu bé nằm nôi lớn lên từ những lời ru đó không thể sống ác được, không thể không thương người, không thương mình trong những bước truân chuyên cuộc đời. Trong suy nghĩ của chúng ta, di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.

Một câu hỏi lớn thường được đặt ra: Vì sao di sản của Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều, có sức sống lâu bền và đi vào lòng người sâu rộng đến vậy? Như chúng ta đều biết, Nguyễn Du được sinh ra tại kinh thành Thăng Long, trong một gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng. Quê ông ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh - một vùng địa linh nhân kiệt. Truyền thống quê hương, gia đình, sự tích hợp nhiều nguồn văn hóa khác nhau, “thập tải phong trần” trải nghiệm những tháng năm dằng dặc cuộc đời của đủ loại chúng sinh, kết hợp một cách kỳ diệu với tài năng thiên bẩm và sự nhạy cảm trước những biến động thời cuộc đã tạo nên Nguyễn Du, người “có con mắt nhìn thâu sáu cõi, tấm lòng cảm tới nghìn đời”. Sáng tạo của Nguyễn Du là sáng tạo gắn liền với sự chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống, về những số phận, những kiếp người. Nguyễn Du khóc thương cho những thân phận khổ đau, đặc biệt là số phận của người phụ nữ, lên án bất công xã hội, ước mơ giải phóng con người… Đó không phải là sự thương vay, khóc mướn của người ngoài cuộc mà là sự cảm thông đứt ruột của một thi nhân, một con người bị quăng quật, giằng xé bởi những “đoạn trường” thời thế, gia thế và số phận mình. Vì vậy, nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, số phận con người, về những cảnh huống của đời người. Đó không phải là những vấn đề của một thời mà của nhiều thời. Đó không phải là những vấn đề của một quốc gia, một cộng đồng, một con người mà là của toàn nhân loại. Thêm nữa, và đây là điều rất quan trọng: Nguyễn Du đề cao cái Thiện, coi cái Thiện là gốc rễ của văn hóa. “Thiện căn bởi tại lòng ta”, đó là mẫu số chung lớn để tác phẩm của ông vượt qua mọi giới hạn của ngôn ngữ, bắt gặp sự chia sẻ, đồng điệu của mọi người. Tất cả đều xuất phát từ gốc rễ bền sâu của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du. Cũng bởi thế, hơn 200 năm qua, Truyện Kiều luôn được phổ cập rộng rãi trong toàn thể quốc dân. Đến nay, đã có hơn 30 bản dịch ra nước ngoài.

Nhắc đến di sản Nguyễn Du là nhắc đến những tập thơ chữ Hán chứa đầy suy tư, trắc ẩn như Bắc hành tạp lục, Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, nhắc đến sự thống thiết trong Văn tế thập loại chúng sinh,… Nhưng tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Du trước hết gắn liền với tập thơ chữ Nôm Đoạn trường tân thanh mà chúng ta vẫn quen gọi là Truyện Kiều. Trên cơ sở cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một sản phẩm toàn bích, có ý nghĩa như một bách khoa thư về đời sống.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là người luôn vận dụng và lẩy Kiều hết sức linh hoạt. Nhờ lẩy Kiều một cách chính xác, hợp lý, hợp tình mà Người đã truyền tải nhiều ý nghĩ, mong muốn của mình đến đồng bào, đồng chí một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Và cũng thật thú vị, vào những năm khép lại thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, trong mối bang giao mở rộng, nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều như một sự thể hiện coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp tình hòa hiếu, hướng tới tương lai. Như vậy, những giá trị văn hóa mà Nguyễn Du để lại cho chúng ta hôm nay, chắc chắn còn hứa hẹn nhiều khám phá mới. Bản chất của văn hóa là luôn mở. Chúng ta chờ đợi những khám phá mới ấy về Nguyễn Du từ Hội thảo hôm nay.

Tại Hội thảo này, tôi mong muốn các nhà khoa học phát huy trí tuệ, tập trung khám phá, làm sáng tỏ hơn nữa những giá trị to lớn trong di sản văn hoá của Nguyễn Du. Đặc biệt, có những kiến giải mới về chiều sâu tư tưởng, giá trị nhân đạo và tinh thần khoan dung văn hoá, khát vọng tự do, cắt nghĩa sâu hơn những thăng hoa nghệ thuật thiên tài và tính dự báo sâu xa của Nguyễn Du từ tầm nhìn hiện đại và nhãn quan khoa học liên ngành, chuyên ngành. Đồng thời, chúng ta thấy rằng, tổ chức kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du trong phạm vi toàn quốc chính là những hành động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước mà Nghị quyết 33 của Hội nghị lần thứ IX BCH Trung ương Đảng khoá XI đã đề ra. Với cái nhìn như thế, di sản văn hoá của Nguyễn Du thuộc về hiện tại và tương lai. Di sản ấy đang góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của dân tộc ta, của mỗi chúng ta hôm nay./.

----------------------------
(1) Không biết hơn 300 năm sau, Thiên hạ có ai là người khóc Tố Như.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com