Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch năm 2016

08:11, 03/11/2015

Hôm qua, 2-11, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch năm 2016 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, phần lớn các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đặc biệt năm 2015, kinh tế Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, 13/14 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã đạt mục tiêu đề ra, CPI giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 15 năm. Mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt hợp lý, duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối…

Đánh giá về công tác quy hoạch, quản lý điều hành phát triển kinh tế trong thời gian qua, đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng, thời gian qua công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều thiệt hại do quy hoạch treo, quy hoạch không đồng bộ. Việc quyết định đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát lãng phí còn xảy ra nhiều. Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chưa hiệu quả, chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp sáng 2-11.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp sáng 2-11.

Đặc biệt, quy định của Chính phủ về chế độ trách nhiệm trong quản lý điều hành. Công tác này hiện nay vẫn chưa được cụ thể hóa cho từng lĩnh vực, từng vị trí cụ thể dẫn đến nhiều chế độ trách nhiệm không rõ ràng. Chế độ trách nhiệm chưa nêu được những cán bộ làm tốt được khen thưởng như thế nào, nếu làm không tốt, không hoàn thành và không hiệu quả thì trách nhiệm đến đâu? Phần lớn chỉ nêu trách nhiệm chung chung, không rõ ai là người kiểm tra, xem xét, xử lý và trách nhiệm cuối cùng là chẳng ai có trách nhiệm gì.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có biện pháp cao hơn nữa, cụ thể hơn nữa về chế độ trách nhiệm trong công tác quản lý, nhằm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư trong thời gian tới.

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đại biểu Thân Văn Khoa cho rằng, đi đôi với việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng, đã tổ chức rà soát, phân loại và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thực hiện các biện pháp sáp nhập, mua lại các tổ chức ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng đã có những chuyển biến.

Các tổ chức tín dụng đã từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế, hiệu quả hoạt động được nâng lên, chất lượng tín dụng được cải thiện, triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, phát huy vai trò của Cty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu giảm đến cuối năm 2015 về mức dưới 3%. Đại biểu cũng cho rằng, chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng còn chậm được cải thiện, nợ xấu chưa được xử lý triệt để.

Theo đại biểu Thân Văn Khoa, báo cáo số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại thời điểm tháng 6-2015 giảm còn 3,75% so với tỷ lệ 4,83% ở thời điểm tháng 12-2014, đến cuối tháng 9-2015, số nợ xấu đã về dưới mức 3%. Nếu nhìn về những số liệu tốc độ giảm như vậy thì nợ xấu không còn là mối bận tâm, nhưng trên thực tế, theo thông tin của Cty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), từ ngày 1-10-2013 đến 25-10-2015, các tổ chức đã bán cho VAMC 226.028 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 191.086 tỷ đồng nhưng VAMC xử lý thu hồi bằng các hình thức được 16.277 tỷ đồng là tỷ lệ rất khiêm tốn 7,2% so với dư nợ gốc là 8,5%.

“Sau thời gian mua, phần lớn số nợ của VAMC mua hiện còn khoảng 175.529 tỷ đồng mới chỉ được gom lại tại VAMC mà chưa được xử lý, thu hồi giải quyết tận gốc, về bản chất là nợ xấu vẫn còn đó”, đại biểu cho biết.

Để thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, môi trường đầu tư và kinh doanh và năng lực cạnh tranh cần đặc biệt được chú trọng, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) cho rằng, vùng Tây Nguyên đã đạt được những tiến bộ hơn so với trước đây nhưng tốc độ phát triển những đột phá này vẫn còn chậm, không đồng đều và còn nhiều yếu kém.

Điển hình là thị trường vận hành không đồng bộ, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp còn mất cân đối, hiện tượng được mùa mất giá triền miên xảy ra, thiệt hại cuối cùng vẫn do người nông dân gánh chịu. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cải thiện, chưa thu hút được các ngành công nghiệp chế biến nông sản mặc dù đây là vùng cung cấp nguyên liệu nông sản lớn nhất cả nước về cà phê, tiêu và một số mặt hàng nông sản khác.

Ngoài ra, thị trường không có sự gắn kết trong liên kết chuỗi giá trị, vẫn mạnh ai nấy làm, nông nghiệp phát triển hơn trước nhưng vẫn mang nặng tính tự phát, không bền vững. Hơn nữa trong những năm gần đây, vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán không đủ nước tưới tiêu đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại cho người dân. Đại biểu mong muốn Chính phủ rà soát lại quy hoạch, triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hệ thống tưới tiêu, hỗ trợ người nông dân.

Theo đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, vừa qua, Nghị định 55 về Chính sách tín dụng phục vụ nông dân, nông thôn đã được ban hành và hệ thống ngân hàng nông nghiệp đang triển khai mạnh mẽ Nghị định này vào thực tiễn. Người dân thiếu vốn kinh doanh được tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, bên cạnh các nguồn lực cơ bản, tiền vốn, sức lao động, vật tư, nhu cầu thực tiễn về kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn rất trông đợi chính sách thực sự hiệu quả, gắn kết các hình thức trong chuỗi giá trị. Đồng thời, cần có cơ chế triển khai ưu tiên thực hiện chính sách áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phát huy lợi thế vùng Tây Nguyên.

Đề cập đến phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục ban hành chính sách phát triển nông nghiệp mạnh, tạo sự liên kết chặt chẽ, tổ chức tốt tiêu thụ nông sản nội địa. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lo ngại về tình trạng phân bón giả tràn lan trong thời gian qua làm người nông dân khốn đốn và coi đây như một loại “dịch bệnh”. Thị trường phân bón tại Việt Nam tồn tại khoảng gần 7.000 loại phân bón nên rất khó quản lý, dễ xuất hiện các loại phân bón giả dẫn đến năng suất sản xuất nông nghiệp tăng thấp.

“Qua nhiều đợt kiểm tra có đến 50% loại phân bón không đảm bảo chất lượng nhưng cách xử lý không triệt để khiến người dân gánh chịu nhiều thiệt thòi. Cần có chuẩn hóa phân bón cho các loại cây trồng, doanh nghiệp chỉ được sản xuất và kinh doanh các loại phân bón theo đúng quy chuẩn quốc gia. Làm tốt công tác cấp phép nhập khẩu phân bón và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả mới mong giảm được vấn nạn này”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề cập.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh), hai thành tựu nổi bật trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thời gian qua là giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm số thu ngân sách; đồng thời chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là đàm phán thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm vừa qua thấp hơn so với 5 năm trước, trong khi động lực tăng trưởng đã bão hòa, đặt ra yêu cầu tạo ra động lực mới. “Đáng lưu ý, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp so với các quốc gia trong khu vực. Nếu phân tích sâu thì thấy Việt Nam có những chỉ số được xếp hạng cao, nhưng các chỉ số xếp hạng về thể chế hay sự phát triển của thị trường tài chính lại rất thấp. Trong khi đó, nguồn lực phân bổ chưa hợp lý, chi phí tiếp cận nguồn lực cao”. Giải pháp mà đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị là tái phân bổ nguồn lực để mọi người đều có thể tiếp cận nguồn lực dễ dàng, công bằng, thuận lợi. Đẩy nhanh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước để Nhà nước tập trung vào vai trò kiến tạo; cải cách thể chế theo hướng phù hợp với cam kết quốc tế...

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng ghi nhận và đánh giá cao những thành quả kinh tế - xã hội đạt được trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp… Song, nền kinh tế còn nhiều yếu tố chưa bền vững; xã hội còn những vấn đề tồn tại nhiều năm, khiến cử tri bức xúc. Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, khắc phục “sự phát triển lệch pha” giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trong nước; đặc biệt trong nông nghiệp, cần có cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ khâu chế biến, thúc đẩy liên kết 4 nhà; tổ chức tốt thị trường nông sản nội địa…

Cho rằng TPP vừa mở ra sân chơi mới, vừa đặt ra những thách thức không nhỏ, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh; tập trung vào việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Nhà nước làm cầu nối, “kéo” thêm nhà tài chính vào mối liên kết 3 nhà (nông dân - doanh nghiệp  - nhà khoa học) để nâng cao hiệu quả hợp tác.

 “Một người biết lo bằng một kho người làm”, nhưng chúng ta thì đang rất thiếu những người biết lo”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) ví von khi đề cập đến khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói riêng và khả năng cạnh tranh của quốc gia nói chung. Dứt khoát không nhập thiết bị lạc hậu vì dễ tạo ra một đội ngũ lao động giản đơn hiệu quả thấp, đồng thời tác động xấu đến môi trường; công khai, minh bạch trong tuyển dụng và đổi mới công tác đào tạo - dạy nghề là gói giải pháp được đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị.

Tỏ ra trăn trở về chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cũng nêu vấn đề: “Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, chịu đầu tư cho con cái đi học nước ngoài, nhưng các em, các cháu học xong đều ở lại nước ngoài, không về làm việc ở Việt Nam. Có 12/13 em được học bổng “Đường lên đỉnh Olympia” đã ở lại nước ngoài. Do đó, cần có những chính sách đột phá để thu hút nhân tài, không chỉ do Nhà nước bỏ tiền đào tạo mà cả nguồn lực từ xã hội đầu tư thì mới mong cải thiện được chất lượng nguồn nhân lực”.

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), mặc dù khung khổ pháp lý nói chung và thủ tục hành chính nói riêng đã được hoàn thiện, cải cách nhiều, nhưng những chuyển biến đạt được vẫn chưa như mong muốn, bởi “con người trong bộ máy hành chính chưa tốt”. Chúng ta cần đánh giá cụ thể hơn về công tác cán bộ và có những giải pháp nâng cao trách nhiệm công vụ.

Nói về trách nhiệm và bản lĩnh của những người đứng đầu, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) thẳng thắn nhận xét: “Nếu như không sợ chỉ trích thì phải nói rằng bên cạnh những mặt được, vẫn cần phải rút kinh nghiệm về bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Ngư dân mong ngóng có tàu mới để ra biển khơi, nhưng đã một năm rưỡi rồi vẫn chưa có tàu mẫu! Trong khi nhân dân còn rất nghèo, còn rất nhiều nhu cầu bức xúc cần giải quyết, thì nhiều nơi đã xây dựng tượng đài rất hoành tráng tốn kém, thậm chí còn dự kiến làm thêm”…

Hôm nay, 3-11, Quốc hội tiếp tục làm việc về nội dung này./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com