Trung thành với Đảng, với chế độ cũng có nghĩa là trung thành với Tổ quốc, với nhân dân

08:03, 30/03/2013

Trong tính hiện thực của nó, Tổ quốc luôn luôn gắn liền với một chế độ chính trị, với một lực lượng cầm quyền. Nói cách khác Tổ quốc luôn luôn mang tính lịch sử cụ thể. Nói về Tổ quốc mà không nói đến chế độ xã hội, không nói đến lực lượng cầm quyền chẳng khác nào nói về sở hữu mà không nói đến chủ thể sở hữu là ai. Thời Lý, Tổ quốc là nơi Vua Nam ở - “Nam đế cư” (Thơ Thần - Lý Thường Kiệt); thời Trần, Tổ quốc trước hết là “thái ấp”, là “xã tắc tổ tông” nhà Trần (Hịch tướng sỹ của Trần Hưng Đạo). Khi Pháp cướp được nước ta có nghĩa những ông chủ thực sự của Tổ quốc ta lúc đó là thực dân Pháp. Bởi vậy có thể nói ngày nay Quân đội ta “trung với Đảng”, “bảo vệ Tổ quốc” cũng có nghĩa là trung thành với Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân.

Đối với dân tộc ta, Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng những là người khai sinh mà còn là người rèn luyện, giáo dục quân đội, công an là người đề ra đường lối quân sự cách mạng, thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là người lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp các mặt trận đấu tranh, quân sự, chính trị, ngoại giao mà còn là người chỉ đạo chiến lược, trực tiếp chỉ đạo quân đội ta trong những cuộc tiến công, những chiến dịch, chiến lược lớn như chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Trong các xã hội hiện đại, không có quân đội nào không gắn với đảng chính trị cầm quyền. Ở một số quốc gia, quân đội còn tuyên thệ trung thành với người đứng đầu nhà nước (đương nhiên cũng là người đứng đầu đảng chính trị cầm quyền).

“Form”, mẫu kịch bản đảo lộn chính trị hoặc cách mạng xã hội ở nhiều quốc gia, khu vực khởi đầu thường là những cuộc binh biến. Nếu đi sâu nghiên cứu thì ở đó đằng sau quân đội là những tổ chức chính trị, những đảng chính trị đang hoạt động… Tiếp đó là sự can thiệp dưới những hình thức khác nhau của những lực lượng chính trị từ bên ngoài, vì lý do “dân chủ”, “nhân quyền” (chẳng hạn), nhằm chuyển chế độ xã hội hoặc chí ít là lực lượng cầm quyền hiện hữu sang lực lượng chính trị mới mà người ta mong đợi.

Trong thời đại ngày nay, các quốc gia - dân tộc không chỉ đối diện với nguy cơ an ninh truyền thống mà còn đối diện với nguy cơ an ninh phi truyền thống, không chỉ đối diện với những cuộc chiến tranh xâm lược bằng lực lượng vũ trang chớp nhoáng từ bên ngoài mà còn phải đối diện với những cuộc chiến tranh “không khói súng”, “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, gắn với các hình thức “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và chiến tranh kinh tế - giành giật “biên giới mềm”. Trong đó không loại trừ có tình huống “đối tác” có thể trở thành “đối tượng” đấu tranh. Đó là những cuộc chiến tranh không còn theo nghĩa đen mà là thay đổi chế độ xã hội hoặc thay đổi ê-kíp lãnh đạo, cầm quyền. Chính vì vậy mà ngày nay chiến lược bảo vệ Tổ quốc không chỉ là xây dựng quân đội tinh nhuệ, bảo đảm trang thiết bị hiện đại mà còn phải có Bộ Tham mưu kiên định về chính trị, tuyệt đối trung thành với dân tộc, với chế độ xã hội, có khả năng đánh giá đúng tình hình, phân tích tình huống, không sa vào cạm bẫy, các thủ đoạn chính trị, quân sự xảo quyệt của đối phương. Điều này càng nói lên rằng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân ngày nay, quân đội càng không thể nằm ngoài chính trị, không thể thoát ly sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng lãnh đạo, cầm quyền.

Với tầm tư duy chính trị sâu rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội ta đã nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng” (Hồ Chí Minh tuyển tập, T II, NXB ST, HN, 1980, Tr345).

Đặt trong bối cảnh chính trị quốc tế và trong nước hiện nay, Điều 70 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 dựa trên nội dung chủ yếu câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện trên: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” chẳng những là phù hợp, hơn nữa còn là cần thiết.

Tất nhiên nội dung trung thành với Đảng ngày nay có nội dung cụ thể. Trung thành với Đảng lúc này là trung thành với cương lĩnh, đường lối của Đảng được Đại hội XI thông qua. Trung thành với Đảng là kiên định mục tiêu và con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH hướng đến xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại: “Độc lập tự chủ… giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát triển”. Trung thành với Đảng trong lúc này còn có nghĩa Quân đội ta là lực lượng ủng hộ tích cực và kiên quyết cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm.

Không phủ nhận rằng xã hội ta còn rất nhiều vấn đề mà cán bộ, đảng viên, nhân dân không hài lòng, thậm chí là bức xúc như tình trạng phân hoá giàu nghèo, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một số cán bộ đảng viên như Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra. Song chỉ vì vậy mà phủ nhận những vấn đề có tính quy luật trong chính trị, cho rằng: “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào” hoặc “Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc;… không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào” là sai lầm về nhận thức… Về khách quan, điều đó, việc làm đó chỉ làm phương hại đến an ninh quốc gia, đến sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân của Quân đội.

Nói Tổ quốc, nhân dân trừu tượng, chung chung thoát ly khỏi hoàn cảnh lịch sử lúc này nếu không phải là một sự ngây thơ thì cũng là một sự nguỵ biện, là sai lầm về khoa học và nguy hại về chính trị. Chưa bao giờ Quân đội trung lập về chính trị được thực tiễn xác nhận. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ người ta có nói và viết ra điều đó công khai hay không mà thôi. Còn làm thế nào để có được một chế độ xã hội, một đảng cầm quyền, một Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân như mọi người mong muốn lại là một vấn đề khác./.

Theo cand.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com