Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp

08:03, 25/03/2013

Thực hiện Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 38 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan Sở Tư pháp, Viện KSND, TAND tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đóng góp đều khẳng định: Nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bảo đảm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và Văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI, các Nghị quyết Trung ương 2 và Trung ương 5 (khóa XI) về sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và các tổ chức xã hội, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Dự thảo cũng đã thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, trong đó tổ chức Tòa án theo thẩm quyền và cấp xét xử đảm bảo nguyên tắc độc lập của các cơ quan tư pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đáp ứng được yêu cầu của một đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính toàn diện và ổn định lâu dài.

Cán bộ, công chức Sở Tư pháp đã tham gia đóng góp gần 200 ý kiến về kỹ thuật, bố cục và ngữ nghĩa nhằm xây dựng Hiến pháp đảm bảo đúng định hướng XHCN, trình bày khoa học và chuẩn mực về ngôn từ, ngữ nghĩa và các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp như: Các quy định về địa vị, pháp lý của HĐND, nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, vai trò của MTTQ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhiều ý kiến đã tập trung đóng góp vào Chương II: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cụ thể, Điều 18, khoản 2 quy định “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác”, chưa phù hợp với người có 2 quốc tịch. Điều 18 và Điều 19 quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời cộng đồng dân tộc Việt Nam”, “Nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”, một số ý kiến cho rằng, quy định này còn chung chung, chưa cụ thể mà cần quy định rõ là "Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài", đồng thời quy định quyền lợi, nghĩa vụ công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài giống như những công dân trong nước. Khoản 3, Điều 32 Dự thảo viết: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa” nên sửa lại là “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa hoặc của những người khác theo quy định của pháp luật”. Điều 39, khoản 1 quy định “Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn…” chưa thể hiện rõ quy định về tuổi kết hôn, trách nhiệm trong việc xây dựng cuộc sống hôn nhân, gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Các cơ quan TAND, Viện KSND tỉnh tập trung đóng góp vào nội dung của Chương VIII: TAND và Viện KSND. Các ý kiến đóng góp đều đồng tình cao việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bố cục lại quy định về tổ chức và hoạt động của ngành TAND, Viện KSND theo hướng ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo bao trùm hết các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của các cơ quan này, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng các luật chuyên ngành. Nhiều ý kiến đánh giá cao việc bổ sung một số nội dung quy định mới về Tòa án và cho rằng nếu các quy định này được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự hoàn thiện, phát triển và tiến bộ của hệ thống Tòa án, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành Tòa án. Một số ý kiến đóng góp đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Trong Điều 108, ở khoản 7 quy định: "Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự..." có ý kiến đề nghị vẫn giữ nguyên quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án như Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm quyền cơ bản của công dân được tôn trọng và được các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện thực hiện trên mọi phương diện, kể cả khi họ bị xét xử tại Tòa án. Ở khoản 1, Điều 112 có ý kiến đề nghị sửa đổi là: “Viện KSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và các việc khác theo quy định của pháp luật”. Ở khoản 1, Điều 113 đề nghị cần bổ sung thêm: “Viện trưởng Viện KSND Tối cao do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội”...

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com