Nói thì phải làm - Đó là đạo đức của người cách mạng

07:10, 16/10/2012

Trong đời sống của dân tộc ta, từ xưa đến nay, những người chỉ nói mà không làm, hoặc nói nhiều mà làm ít, đều bị nhân dân chê trách, thậm chí khinh ghét và bị coi là hạng người không chính đáng. Trong ca dao, tục ngữ, tiếng nói của nhân dân, còn ghi lại biết bao những câu nói đáng để chúng ta suy ngẫm: “Một điều bất tín, vạn sự chẳng tin”, “Trăm voi không được bát nước sáo!”, hoặc “Nói chín thì phải làm mười/Nói mười làm chín, mọi người cười chê!”. Nghĩa là nhân dân mong muốn làm phải nhiều hơn nói.

Cũng phải nói một cách thẳng thắn rằng, có một số không ít cán bộ và đảng viên ta, trong số đó có cả những người lãnh đạo, đã nói nhưng không làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn. Thậm chí có những điều đã hứa hẹn với dân, nhưng nói xong rồi lại quên ngay, khiến nhân dân mất lòng tin. Gần đây trong nhân dân có từ “chém gió”, để chỉ những cán bộ khi nói thì vung tay, mạnh mẽ, hứa hẹn đủ điều, nhưng lời nói rồi gió bay, chẳng có điều nào thành sự thật!.

Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” viết từ năm 1927, cách đây vừa đúng 85 năm, khi nói về tư cách một người cách mạng, trong 23 điều thì điều thứ 10, Bác Hồ đã viết: “Nói thì phải làm”. Nói và làm đúng những điều mình nói, là một phẩm chất của người cách mạng. Chính điều này tạo ra niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Và cũng chính điều này, làm cho công tác cách mạng của chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về “Nói thì phải làm”.

Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã nói: Tôi muốn ra đi tìm hiểu thế giới, rồi sau đó trở về giúp đỡ đồng bào ta. Và Bác đã làm đúng như thế. Sau 30 năm bôn ba khắp các xứ người, chịu đựng biết bao gian khổ, tự kiếm sống, tự học, tham gia đấu tranh, hai lần vào tù, một án tử hình vắng mặt, ngày đêm viết báo lên án chủ nghĩa thực dân, rồi thành lập Đảng và năm 1941 Người đã trở về Tổ quốc, cùng với Đảng và nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, giành lại nền độc lập cho đất nước. Bác dạy chúng ta phải: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nói cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức của cách mạng. Và Bác đã làm đúng như thế. Cả cuộc đời của Bác, từ khi còn ở Pác Bó, Tân Trào… cho đến khi giành được chính quyền, trở về Thủ đô Hà Nội, Người vẫn sống một cuộc sống giản dị, thanh bạch, hoà vào đời sống của nhân dân.

Tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958
Bác Hồ đi tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng)
năm 1958
. Ảnh:Internet

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nạn đói đang đe doạ, Bác vận động nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Người còn viết bài “Xẻ cơm nhường áo” in trên Báo Cứu Quốc số 53, ngày 28-9-1945: “… Lúc chúng ta bưng bát cơm để ăn, nghĩ đến người đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói…”. Và Bác đã cùng Văn phòng Chính phủ thực hiện đúng như vậy.

Một hôm, đúng vào ngày Văn phòng Chính phủ nhịn ăn, thì Bác được Trung tướng Tiêu Văn - một người chỉ huy của quân Tưởng - mời gặp. Sau đó lại chiêu đãi Bác. Để tranh thủ quân Tưởng, Bác đã nhận lời. Khi về, mặc dù đã được các đồng chí ở nhà báo cáo lại là đã góp một bơ gạo của Bác vào số gạo cứu đói. Nhưng Bác nói, hôm nay Bác vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nhịn ăn như mọi người và ngày hôm sau Bác đã nhịn ăn một bữa.

Giáo sư Phan Ngọc đã viết: "Bác là một người không thay đổi. Khi gian khổ thế nào thì khi làm Chủ tịch nước Bác vẫn thế. Gian khổ ăn củ khoai lang như thế nào, thì khi làm Chủ tịch cũng ăn củ khoai lang như vậy. Bác không chấp nhận một cái gì đặc biệt cho mình hết. Không những không chấp nhận, mà còn ghét đặc quyền. Người ta nhịn thì mình cũng nhịn. Người ta ở cái lán thì mình cũng ở cái lán. Không có một người như vậy, thì không thể nào lôi cuốn được toàn dân".

Cũng chính vì thế, chúng ta hiểu vì sao những lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi sâu vào lòng người mạnh mẽ và xúc động như vậy. "Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng…". Toàn dân nhất tề xông lên, không ngại gian khổ hy sinh, vì nhân dân có niềm tin mãnh liệt ở người lãnh đạo của mình. Người lãnh đạo ấy vì mình, vì nhân dân chứ không phải chỉ vì bản thân họ, con cái họ. Người lãnh đạo ấy, ngày đêm lo lắng, ngày đêm làm việc cũng là vì mình, vì nhân dân. Do đó người lãnh đạo và nhân dân là một, và đó chính là sức mạnh của dân tộc ta để đánh thắng những kẻ thù to lớn hơn mình, không phải chỉ hôm nay mà còn trong cả lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.

*

Nói đi đôi với làm, làm nhiều hơn nói, và nhiều khi chỉ làm mà không nói. Đó là phong cách Hồ Chí Minh!

Bác khuyên mọi người tiết kiệm, và chính Bác nêu gương tiết kiệm trước. Không phải chỉ ở trong nước, mà khi ra nước ngoài, ở nhà khách chính phủ nước bạn, thấy nhiều bóng điện sáng không cần thiết, Bác cũng tự tắt bớt đi.

Bác khuyên mọi người trồng cây thì năm nào Bác cũng đi tham gia trồng cây ở các địa phương. Rồi đến thăm, viết thư, động viên mọi người cùng trồng cây cho đất nước xanh tươi.

Bác khuyên mọi người "Chí công vô tư" thì khi đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô về, được Đảng bạn biếu một số tiền, Bác đã không nhập vào sổ tiết kiệm của riêng mình, mà nhập vào quỹ Đảng.

Cũng xin nói thêm, Bác có một sổ tiết kiệm cá nhân, nhờ một đồng chí ở văn phòng đứng tên gửi ở quỹ tiết kiệm phố Hàng Gai. Đây là số tiền nhuận bút mà các báo ở trong và ngoài nước gửi cho Bác. Năm Hà Nội đánh trả máy bay Mỹ, Bác đã bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy tất cả số tiền tiết kiệm của Bác là 25 nghìn đồng (tương đương với 25 cây vàng lúc đó) để gửi cho Bộ Tư lệnh Phòng không mua nước ngọt cho các chiến sĩ bắn máy bay.

Chúng ta có kể cả ngày, cũng không hết những điều nói đi đôi với làm của Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phê bình một số cán bộ chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, nhưng những công việc thiết thực thì không làm được. Người mong muốn cán bộ, đảng viên tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước.

Song nói và làm không phải chỉ là vấn đề quan trọng đối với từng cán bộ, đảng viên, kể cả những người lãnh đạo, mà lớn hơn còn là những chủ trương, đường lối, những nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã ban hành có được thực hiện một cách đầy đủ không.

Người chỉ rõ: Đảng cũng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào? Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó không những hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI về xây dựng Đảng, một lần nữa chúng ta lại cùng nhau học tập và làm theo Bác, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm, làm nhiều hơn nói và luôn nhớ lời dạy của Bác: Nói thì phải làm, đó là đạo đức của người cách mạng.

*

Một nhà văn Đức, tác giả cuốn "Hồ Chí Minh một biên niên sử" đã viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn trung thành với lý tưởng của mình - Đó là quên mình. Dáng vẻ lãnh đạo, sự xa hoa, ưu đãi, huân chương và các hình thức vinh danh khác là những thứ người ta chỉ hoài công tìm ở Người. Đối với Người, sự gần gũi với nhân dân, với dân tộc là quan trọng hơn cả". Một nhà văn khác lại viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một con người huyền thoại, đã làm thay đổi số phận và tương lai của một dân tộc. Người suốt đời nói và làm là một, lý luận và hành động là một, lời nói và việc làm là một. Chính vì thế, niềm tin ở Việt Nam là Hồ Chí Minh!

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com