Giao Thủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực quản lý trên lĩnh vực văn hóa

05:02, 11/02/2012

(Trao đổi giữa PV Báo Nam Định với đồng chí Phan Văn Tình, TUV, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Giao Thủy về kết quả sau hơn một năm thành lập BCĐ trên cơ sở hợp nhất hai BCĐ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”).

Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, làng văn hoá, cơ quan, đơn vị có nếp sống văn hoá 3 năm (2009-2011) huyện Giao Thuỷ. Ảnh: Khánh Ngọc
Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, làng văn hoá, cơ quan, đơn vị có nếp sống văn hoá 3 năm (2009-2011) huyện Giao Thuỷ. Ảnh: Khánh Ngọc

PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được sau hơn một năm triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện ?

Đồng chí Phan Văn Tình: Để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn mới, năm 2010 BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Giao Thủy được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai BCĐ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo Chỉ thị số 01 của Ban Thường vụ Huyện ủy. Qua một năm triển khai, hiệu quả chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện phong trào của BCĐ các cấp theo mô hình mới được nâng lên, cụ thể là hệ thống các văn bản chỉ đạo hướng dẫn phong trào có sự thống nhất về nhận thức, lãnh đạo, tránh chồng chéo, trùng lặp, giảm đáng kể việc hội họp, tiết kiệm được thời gian, kinh phí so với thời kỳ tồn tại song song hai BCĐ.

Ngay khi thành lập, BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Giao Thủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện; trong đó gắn việc triển khai phong trào với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015. Các ngành thành viên BCĐ huyện triển khai thực hiện phong trào với các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú: đưa các nội dung, tiêu chí của phong trào và cuộc vận động lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Qua đó, tạo sự gắn kết của phong trào và cuộc vận động trong đời sống xã hội; mở rộng phạm vi, đối tượng thực hiện, quy tụ và huy động toàn dân tham gia, hướng vào phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, việc gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của phong trào đối với đời sống nông thôn, tạo cho phong trào có được những kết quả tích cực. Năm 2011, BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đã thành lập 6 đoàn công tác tiến hành thẩm định 215 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng nếp sống văn hóa giai đoạn 2009-2011. Kết quả, có 158 cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn được UBND huyện công nhận “Làng văn hóa”, “Đơn vị có nếp sống văn hóa”, bao gồm: 56 làng, thôn; 34 cơ quan, doanh nghiệp; 53 trường học, 15 trạm y tế và bệnh viện. Kết quả nổi bật của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Giao Thủy là phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa đã tập hợp, đoàn kết, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của toàn xã hội trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, qua đó đã huy động các nguồn lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, là địa phương “tiên phong” trong việc thực hiện hợp nhất 2 BCĐ thành một BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo mô hình mới khi chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp trên nên trong quá trình triển khai thực hiện, cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Trên thực tế, đây là bước đi mang tính thử nghiệm, do đó tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự thông suốt; thậm chí có ý kiến cho rằng, việc hợp nhất này sẽ làm mất đi vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào và cuộc vận động của MTTQ các cấp. Mặt khác đến nay BCĐ phong trào và cuộc vận động ở một số địa phương chưa được kiện toàn kịp thời, hoạt động còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành thành viên trong BCĐ huyện chưa thật thường xuyên, chặt chẽ; một số thành viên BCĐ chưa sâu sát với địa bàn được phân công phụ trách. Sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho phong trào còn hạn chế. Các thiết chế phục vụ cho phong trào, đặc biệt ở các làng, xóm, thôn, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ các sinh hoạt văn hóa, TDTT cộng đồng còn thiếu. Công tác xã hội hóa chưa được đẩy mạnh, tâm lý trông chờ, ỷ lại còn khá phổ biến…

PV: Xin đồng chí cho biết những mục tiêu và giải pháp để nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện trong thời gian tới ?

Đồng chí Phan Văn Tình: Mục tiêu chủ yếu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện giai đoạn 2011-2015 là tạo sự chuyển biến về nhận thức trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hoá và nhân tố con người đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2015, 80% số gia đình trong toàn huyện đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 50% làng, xóm, khu phố đạt tiêu chuẩn làng văn hoá cấp huyện; 90% cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu cơ quan có nếp sống văn hoá; 50% xã, thị trấn có nhà văn hóa xã, thị trấn; 100% làng (thôn, xóm, tổ dân phố) có nhà văn hoá và điểm truy cập Internet. Có từ 30-35% người dân tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa - thể thao cộng đồng. Có từ 40-50% làng (thôn, xóm) có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí NTM. Các xã, thị trấn thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 phấn đấu có 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 70% làng, xóm, khu phố đạt tiêu chuẩn làng văn hóa cấp huyện; 100% có nhà văn hóa xã, thị trấn.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực công tác quản lý trên lĩnh vực văn hóa.

Phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể nhân dân, gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nếp sống văn hoá cho quần chúng noi theo. Kiện toàn, củng cố BCĐ từ huyện đến cơ sở bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Tổ chức tốt việc đăng ký phấn đấu đơn vị đạt danh hiệu nếp sống văn hoá và tiến hành bình xét, công nhận đơn vị “Làng, thôn, xóm, khu phố văn hoá”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm y tế có nếp sống văn hoá”, “Gia đình văn hoá”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, đánh giá đúng tình hình phong trào để có những biện pháp kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Tăng cường đầu tư kinh phí và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao. Quan tâm đầu tư, quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá, huy động sự đóng góp của nhân dân và tranh thủ các nguồn tài trợ, để nâng mức đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, khuyến khích xây dựng nhà văn hoá xã, thị trấn và nhà văn hoá thôn, xóm, khu phố. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, lồng ghép bổ sung nội dung xây dựng đời sống văn hoá vào các phong trào chính trị - xã hội khác của địa phương. Phấn đấu xây dựng đời sống văn hoá theo các chỉ tiêu, quy chế, quy ước về nếp sống văn hoá của tỉnh, của huyện. Huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia các hoạt động sáng tạo văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá phát triển, góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển toàn diện và vững chắc.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Việt Thắng (thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com