Hai bài thơ mừng Xuân năm Thìn của Bác Hồ: "Năm mới thi đua mới Thắng lợi ắt về ta!"

03:01, 26/01/2012
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1890-1969)
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chào đón năm mới, chúc nhau những lời nói tốt đẹp, có lẽ dân tộc nào cũng có, nhưng mỗi năm lại có một bài thơ chúc Tết đồng bào thì có lẽ chỉ có ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ đã sáng tạo ra một phong tục mới đầy thi vị. Và những bài thơ chúc Tết của Người có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Hơn 40 năm, Bác Hồ đã đi xa, nhưng mỗi lần Tết đến Xuân về, chúng ta vẫn mong muốn được đọc, được nghe những bài thơ Chúc Tết Mừng Xuân của Bác. Nhà thơ Vũ Cao đã viết:

"Cho con ước tự bây giờ
Mỗi năm cứ đến giao thừa mỗi năm
Bác về cùng với nhân dân
Đọc thơ Chúc Tết một lần… rồi đi!"

Đã biết bao lần, trong không khí đầm ấm và thiêng liêng của đêm giao thừa, phút tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, đồng bào cả nước ta cũng như những người Việt Nam sống ở nước ngoài, đều tụ họp bên bàn thờ tổ tiên, trong khói hương ấm cúng, hồi hộp chờ đợi Thơ Chúc Tết của Bác Hồ. Và khi 12 tiếng chuông đồng hồ vừa điểm, quốc thiều vừa dứt, giọng nói trang trọng và xúc động của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đã cất lên: "Trân trọng mời đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài, lắng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh...".

Giọng Bác ấm áp mà gần gũi, thân thương. Và những lời thơ giản dị của Người vang lên như chúc mừng, như biểu dương, như ân cần dặn dò tất cả mọi người. Từ xuân 1942 đến xuân 1969, Bác Hồ đã có tất cả 22 bài thơ Xuân chúc Tết đồng bào. Thơ của Bác giản dị mà thiêng liêng, đã đi vào đời sống, vào tình cảm của cả dân tộc với một ý nghĩa thật đặc biệt.

Thơ Chúc Tết của Bác Hồ bao giờ cũng ngắn gọn, súc tích, mang phong vị của thể thơ truyền thống. Những bài thơ thường chỉ từ 4 đến 10 câu. Bác viết bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, song vẫn chan chứa những ý thơ và tràn đầy những cảm hứng của lịch sử.
Trong 22 bài thơ Chúc Tết của Bác, có 2 bài thơ Mừng Xuân năm Thìn:

         Thơ Chúc Tết
Xuân Nhâm Thìn 1952

Xuân này, Xuân Nhâm Thìn
Kháng chiến vừa sáu năm
Trường kỳ và gian khổ
Chắc thắng trăm phần trăm

Chiến sĩ thi giết giặc
Đồng bào thi tăng gia
Năm mới thi đua mới
Thắng lợi ắt về ta

Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân.

Hồ Chí Minh

Chúng ta đều biết, năm 1952 cuộc kháng chiến của chúng ta đang ở thời kỳ quyết liệt. Chiến dịch biên giới thắng lợi, nhưng kẻ địch đang dồn sức để mở những mặt trận mới hòng tìm cách tiêu diệt những binh đoàn chủ lực của ta. Song Bác Hồ đã khẳng định "Trường kỳ và gian khổ. Chắc thắng trăm phần trăm". Và đúng như lời thơ của Bác, chỉ hai năm sau, năm 1954 quân và dân ta làm nên trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Mười hai năm sau, nhân dân ta vui đón Mùa Xuân Giáp Thìn 1964. Đây là thời kỳ cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn mới, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã thành lập được ba năm. Cuộc chiến đấu của đồng bào ta ở miền Nam đã thu được nhiều thắng lợi. Bài thơ Chúc mừng năm mới Giáp Thìn 1964, Bác như dành cả cho miền Nam yêu quý:

Thơ Chúc mừng năm mới
          Giáp Thìn 1964

Bắc Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi vừa là Mừng Xuân !

          Xuân 1964
           Hồ Chí Minh

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác đã viết: "Từ ngày đất nước ta có Cụ Hồ làm Chủ tịch, dân tộc Việt Nam có thêm một phong tục mới mỗi lần Xuân đến. Đó là Giao thừa đón nghe lời Bác đọc Thơ Xuân".
Và chúng ta cũng có thể nói 22 bài Thơ Chúc Tết của Bác chính là một biên niên sử của Cách mạng Việt Nam, mọi người có thể tìm thấy ở đó những bài học chiến lược, những lời tiên đoán của Bác. Còn Bác, thì Người đã nói một cách thành thực và khiêm tốn: "Mấy lời thân ái nôm na. Vừa là kêu gọi, vừa là Mừng Xuân".          

 *

Trong bài "Việt Nam mãi mãi có Người" một nhà báo nước ngoài đã viết: "Tình yêu của nhân dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu xa vô tận và chúng ta có thể cảm thấy điều đó ở từng người Việt Nam". Mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước và đồng bào của mình là một mối liên hệ đặc biệt. Đó chính là niềm tin tưởng sắt đá, lòng biết ơn vô hạn, là sự kính trọng… nhưng trên tất cả, đó là tình yêu của nhân dân với Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Hơn 40 năm Bác đã đi xa, nhưng trong lòng chúng ta không bao giờ vắng Bác. Trong những ngày Mùa Xuân Nhâm Thìn tràn đầy hạnh phúc này, lòng chúng ta lại càng nhớ đến Bác kính yêu: "Bác ơi! Tết đến, giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần" (Tố Hữu).

Một nhà văn nước ngoài đã viết: "Cụ Hồ Chí Minh đã trở thành bất diệt trong ý thức của hàng triệu người. Lần đầu tiên trên thế giới, người ta được thấy một vị Chủ tịch của một Đảng cộng sản đã kết hợp chặt chẽ văn chương với chính trị, thơ ca và những con số"./.

Vũ Hải



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com