Thảo luận Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050; dự án Luật Viên chức, Luật Khoáng sản (sửa đổi)

07:06, 19/06/2010

 

Các Đại biểu Quốc hội làm việc tại  Hội trường
Các Đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường

Ngày làm việc thứ 22, 23, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự án Luật Viên chức; Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Thảo luận về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phần lớn đại biểu tỏ ý chưa đồng tình với hai ý tưởng gây nhiều tranh luận trong thời gian qua là: Quỹ đất dự trữ để xây dựng các cơ quan bộ, ngành tại Ba Vì và trục Thăng Long. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo bổ sung một số nội dung về bản quy hoạch, nhằm giúp các đại biểu hiểu rõ hơn ý tưởng của bản đồ án.

Bộ trưởng giải thích không có khái niệm Trung tâm Hành chính Quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong Thủ đô và càng không thể có chuyện "dời đô" như một số ý kiến. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, các nhà quy hoạch nhận thấy, Ba Vì hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện để quy hoạch là nơi làm việc của các cơ quan hành chính trong tương lai. Dù vậy, Ba Vì trong ý tưởng lần này mới chỉ là "nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan của Chính phủ theo tầm nhìn đến năm 2050".

Một số đại biểu không đồng tình với quan điểm trên và cho rằng nếu xây dựng các công trình lớn, các cơ quan hành chính ở Ba Vì, rồi kèm theo sự phát triển dân số tại đây thì sẽ phá vỡ cảnh quan, huỷ hoại sự đa dạng sinh học của rừng quốc gia Ba Vì - lá phổi xanh của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Một số đại biểu cho rằng không nên "treo" một quy hoạch kéo dài hàng chục năm về một khu đất cho các cơ quan hành chính như vậy. Điều này thứ nhất chỉ làm lợi cho giới đầu cơ đất đai, thứ hai tạo tâm lý "thấp thỏm" cho các cơ quan Chính phủ đã xây trụ sở ở Mỹ Đình.

Về trục đường Thăng Long, một số đại biểu cho rằng đây là một trục lãng phí. Bởi vì cách mấy km đã có đường Láng - Hòa Lạc, đường 32. Những lý do quy hoạch chung đưa ra không thuyết phục, một là để phát triển giao thông. Nói nối hai vùng văn hóa thì đường Láng - Hòa Lạc, đường 32 cũng nối hai vùng văn hóa rồi. Về tạo điểm nhấn, nếu chỉ vì điểm nhấn này mà tốn kém, thì không nên. Thêm nữa, đường này là đường cụt và nó chọc thẳng vào Ba Đình. Cần cân nhắc sự cần thiết của trục đường Thăng Long. Để cho quy hoạch thực hiện theo đúng như quy hoạch được duyệt, cần sớm nghiên cứu cơ chế, chính sách và biện pháp để quản lý thực hiện đúng quy hoạch. Đồng thời tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi hơn của nhân dân ở các vùng, các chuyên gia, các nhà khoa học bằng các hình thức khác nhau và thực hiện công khai dự kiến đồ án quy hoạch. Quy hoạch chung và các quy hoạch tiếp theo phải thực hiện đúng quy trình của pháp luật đã quy định...

Thảo luận về dự án Luật Viên chức, hầu hết các ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật này và các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật cũng như nhiều nội dung của dự án Luật này.

Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến tán thành với quy định trong dự thảo chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, vì cho rằng, điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất giữa những viên chức trong công lập và viên chức ngoài công lập là về phương diện quản lý. Đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị dự thảo Luật nên quy định cả viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, bởi vì họ cũng thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ tương tự như viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập là cung cấp các dịch vụ công cho xã hội, nên cần điều chỉnh họ trong cùng một văn bản luật chung. Điều 49 và Điều 50 của dự thảo Luật quy định về kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức. Theo đó, viên chức đã đến tuổi về hưu có thể được kéo dài thời gian làm việc. Một số ý kiến cho rằng, không nên đặt vấn đề kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức trong Luật này. Bởi vì, về nguyên tắc, khi đến tuổi về hưu và đã bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mọi viên chức đều có quyền về hưu và hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp cần tận dụng sự đóng góp của viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và viên chức có sức khỏe, có nguyện vọng thì sau khi đã giải quyết chế độ hưu trí, đơn vị sự nghiệp có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn hoặc hợp đồng vụ, việc với đối tượng này. Như vậy, vừa bảo đảm quyền lợi của viên chức, vừa bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong quản lý, sử dụng viên chức và phù hợp với quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Về việc cho phép viên chức tham gia hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài giờ (Điều 12), một số đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật và cho rằng, trong điều kiện hiện nay việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ là quyền của viên chức, giúp viên chức sử dụng một cách tối đa năng lực chuyên môn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội.

Thảo luận về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), các đại biểu QH đã tham gia thảo luận, cho ý kiến vào năm nhóm vấn đề chủ yếu: Chính sách của Nhà nước về khoáng sản và nguyên tắc hoạt động khoáng sản; Phân cấp trong việc quản lý cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và hoạt động khoáng sản; Quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản diễn ra; Phân cấp về việc lập quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; Tài chính về khoáng sản, trong đó có vấn đề đấu giá quyền thăm dò và đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Chung quanh nội dung về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác, một số đại biểu cho rằng: Thực tế hiện nay các địa phương có khoáng sản được khai thác thì môi trường bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng giao thông bị xuống cấp, tệ nạn xã hội phát sinh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Hầu hết các nội dung nêu trong dự án Luật chỉ thiên về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản, hơn là quyền lợi của nhân dân địa phương. Vì thế, cần quy định rõ trong Luật: Địa phương được hưởng lợi những gì, việc bồi thường tái định cư, định canh ra sao, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội như thế nào, đặc biệt là đào tạo chuyển đổi nghề cho con em nhân dân địa phương. Đề nghị nêu rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phục vụ đời sống của nhân dân, kể cả công tác định canh, định cư. Thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Điều 57 dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản, được phép chuyển nhượng quyền khai thác. Một số đại biểu đề nghị quy định thêm biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hoạt động chuyển nhượng không được phép. Hiện nay việc mua đi, bán lại mỏ diễn ra rất phổ biến và gây thất thoát lớn cho Nhà nước mà doanh nghiệp là người có thu hơn tất cả. Nếu không xử lý nghiêm việc này thì dù quy định chặt thế nào cũng không ngăn chặn được.

Cũng tại phiên họp này, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2008, Luật Ngân sách Nhà nước Việt Nam sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quốc hội tiếp tục làm việc./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com