Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

07:06, 01/06/2022

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội dành cả ngày 1-6 để thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2022. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự phiên họp.  Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự phiên họp.

Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên thảo luận.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021 và có 5/12 chỉ tiêu không đạt. Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2022, việc cơ bản kiểm soát dịch bệnh thành công đã củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp, tạo cơ sở cho mọi hoạt động đời sống KT-XH trở lại bình thường, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tính chung 4 tháng, có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu (như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 2 ngân hàng yếu kém...).

Về phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, tới nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao. Đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường; SEA Games 31 được tổ chức rất thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong và ngoài nước…

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH. Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347 nghìn tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển KT-XH, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Thu ngân sách 4 tháng tăng 13,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn thấp. Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất chậm, 4 tháng đầu năm đạt 1.967 tỷ đồng/30 nghìn tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán. Nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. Đặc biệt là hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi trên thị trường cổ phiếu…

Thảo luận ở hội trường về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.

Các đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Qua theo dõi thực tiễn từ các địa phương và thông qua các báo cáo của Chính phủ, đại biểu khẳng định, Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mang lại chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần quan trọng vào kết quả triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Điều đó khẳng định, Nghị quyết 42 là rất cần thiết và nên tiếp tục gia hạn thêm một thời gian để đảm bảo được an toàn hệ thống ngân hàng./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com