Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, trừ sâu bệnh và tái đàn lợn tại các địa phương

04:05, 24/05/2020

Ngày 22-5, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, trừ sâu bệnh trên lúa xuân và tình hình tái đàn lợn tại một số địa phương. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở NN và PTNT.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy).
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy).

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 72.465ha, giảm 987ha so với vụ xuân 2019 với 99% diện tích là các giống xuân muộn ngắn ngày. Trong đó, lúa lai 7.970ha, tương đương vụ xuân 2019; lúa thuần 89% diện tích, riêng giống Bắc thơm 7 chiếm 63% diện tích. Thời tiết nắng, mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi để lúa trỗ bông - phơi màu. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa xuân trong tỉnh đã trỗ bông; một số diện tích gieo cấy sớm đã chắc xanh - đỏ đuôi. Kết quả giám định virus trên 126 mẫu rầy, 39 mẫu lúa từ ngày 13-1 đến 15-5 chỉ có 2/39 mẫu lúa dương tính với virus lùn sọc đen tại xã Hoành Sơn (Giao Thủy); trên đồng ruộng, bệnh xuất hiện với tỷ lệ rải rác. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 nở rộ từ ngày 22 đến 30-4, mật độ sâu phổ biến từ 50-70 con/m2, cao 200-300 con/m2, cục bộ 1.000 con/m2. Lứa sâu kéo dài, mức độ gây hại cao gấp 3-4 lần vụ xuân năm 2019. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức cao điểm phòng trừ tập trung từ ngày 22 đến 30-4 cho 68.875ha cần trừ (đạt 100%). Tuy nhiên, trong đợt cao điểm phòng trừ sâu gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi, có mưa nhiều ngày nên Sở NN và PTNT có Công điện đôn đốc phun trừ lần 2 tập trung từ ngày 30-4 đến ngày 5-5 cho 32.805ha; phòng trừ rầy lưng trắng lứa 2 cho 20.200ha, 72.465ha bệnh khô vằn, phun phòng cho 6.450ha bệnh đạo ôn cổ bông. Kết quả, các đối tượng sâu, bệnh đã được các địa phương đôn đốc nông dân phun trừ kịp thời, đảm bảo sản xuất an toàn.

Hiện nay, rầy nâu lứa 3 đã nở rộ với mật độ rất cao, diện phân bố rộng hơn so với cùng kỳ năm trước; mật độ phổ biến từ 500-700 con/m2, nơi cao 2.000-4.000 con/m2, cá biệt có nơi trên 1 vạn con/m2. Toàn tỉnh phun trừ tập trung từ ngày 17 đến 22-5; đến ngày 21-5 các địa phương trong tỉnh đã trừ 10.235/14.535ha cần trừ.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác tái đàn lợn tại xã Giao Phong (Giao Thủy).  Ảnh: Văn Đại
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác tái đàn lợn tại xã Giao Phong (Giao Thủy). 

Thực hiện Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 24-3-2020 về phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh năm 2020, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng vụ xuân năm 2020 cho đàn gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiến độ tiêm phòng triển khai chậm so với kế hoạch đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác phòng, chống sâu cuốn lá nhỏ của các địa phương, nhờ đó đến nay, các trà lúa xuân của tỉnh đã trỗ trong điều kiện an toàn; trên ruộng đủ nước để bảo đảm cho lúa vào chắc xanh và chín. Tuy nhiên hiện tình trạng rầy nâu lứa 3 đang phát triển mạnh, nhất là các huyện phía nam tỉnh như: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN và PTNT, các địa phương đã đôn đốc bà con nông dân thực hiện kiểm tra, khoanh vùng phun trừ rất tốt diện tích cần trừ. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, từ nay đến ngày 26-5 các xã, thị trấn tập trung kiểm tra, tổ chức phun trừ triệt để diện tích nhiễm rầy nâu để bảo đảm giành vụ lúa xuân thắng lợi. Hiện, thời tiết rất nắng, nóng nên các Công ty thủy nông, các xã, thị trấn chỉ đạo đưa nước vào ruộng bảo đảm đủ nước cho lúa chín vào mẩy cao; đồng thời tốc độ lúa chín nhanh nên UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tốt nhân lực, phương tiện, sẵn sàng huy động để thu hoạch nhanh, gọn toàn bộ diện tích lúa xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Đối với công tác tái đàn lợn phải bảo đảm nguyên tắc an toàn, thận trọng, tăng đàn lợn tại các địa phương một cách bền vững, hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh bởi hiện nay ở một số địa phương trong cả nước bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát trở lại. Đề nghị bà con tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm quy mô chăn nuôi ở mức vừa phải; chú trọng bảo vệ môi trường. Hiện, giá lợn giống rất cao gây khó khăn cho công tác tái đàn lợn nuôi, do vậy cùng với việc nhập con giống chất lượng tại các địa phương khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh tổ chức nhập giống lợn ông, bà để nhân giống phục vụ việc phát triển chăn nuôi của tỉnh. Chỉ đạo các địa phương liên hệ với trung tâm giống của các tỉnh, thành phố để nhập giống phục vụ công tác tái đàn của các địa phương. Trong điều kiện nguồn giống tại địa phương còn khó khăn, nhiều hộ nuôi đã chủ động lựa chọn ngay những con giống tốt trong đàn để gây giống, phục vụ việc tái đàn tại chỗ, tuy nhiên cách thức này chỉ là giải pháp trước mắt mang tính tình thế. Về lâu dài, ngành chức năng, các địa phương cần tổ chức nhập con giống bảo đảm chất lượng, được kiểm soát dịch bệnh tại những cơ sở giống có uy tín bảo đảm các yêu cầu về phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Tin, ảnh: Văn Đại

 

 

 

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com