Phục vụ người bệnh là mục tiêu quan trọng nhất của ngành Y tế

08:01, 16/01/2017

Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngày 12-1 vừa qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác y tế năm 2017. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác y tế năm 2017. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Năm 2016, toàn ngành Y tế đã đổi mới, đột phá và triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong đó tập trung đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh; xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp; tăng cường quản lý các dịch vụ từ bên ngoài vào bệnh viện, các dịch vụ phi y tế; chỉ số cải cách hành chính của bộ do Chính phủ công bố đã tăng 9 bậc so với 2015, từ xếp thứ 17/19 bộ, ngành lên thứ 8/19 bộ, ngành. Về thực hiện các chỉ tiêu được giao, năm 2016, ngành Y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là: Số giường bệnh trên 10 nghìn dân (không kể trạm y tế xã): giao 24,5, đạt 25,0 (tăng 0,5 giường); tỷ lệ dân số tham gia BHYT: giao 76%, đạt 81,7% (vượt 5,7%). Đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu cơ bản của ngành. Tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý, hoàn thiện thể chế pháp lý (trình và được ban hành Luật Dược 2016, 11/12 Nghị định quy định điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế); hoàn chỉnh, trình Chính phủ xem xét ban hành Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035... Chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm giảm so với năm 2015, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm có tiến bộ, đã phân công nhiệm vụ rõ ràng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Năm 2016 đã giảm được cả về số vụ, số người mắc và số người tử vong do ngộ độc thực phẩm so với 2015. Tiếp tục triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đưa vào sử dụng nhiều công trình, bệnh viện; mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh đến tất cả 63 tỉnh, thành phố với 22 bệnh viện hạt nhân và 98 bệnh viện vệ tinh; cải tiến quy trình khám bệnh; thực hiện kiểm tra, đánh giá bệnh viện theo bộ 83 tiêu chí chất lượng... Thực hiện các giải pháp phát triển dân số bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách trong khám chữa bệnh. Tăng cường quản lý thuốc, vắc-xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế, bảo đảm cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng và giá cả hợp lý cho khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Tuy nhiên, công tác y tế cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức: Hệ thống các cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng tăng, cơ cấu bệnh tật thay đổi, biến đổi khí hậu, già hóa dân số. Tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; các vi phạm về VSATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện Trung ương và tuyến cuối đã bước đầu được cải thiện nhưng chưa bền vững. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho y tế còn thấp, đặc biệt đối với y tế dự phòng và y tế cơ sở; tỷ lệ người dân chưa tham gia BHYT vẫn còn khoảng 18% dân số. Vẫn còn chênh lệch lớn về chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số về sức khỏe của người dân giữa các vùng, miền…

Năm 2017, ngành Y tế đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển y tế cơ sở. Giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng phù hợp với tình hình mới. Phát triển nguồn nhân lực y tế, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính từ huy động, phân bổ đến sử dụng hiệu quả nguồn tài chính y tế. Tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế từ Trung ương đến địa phương. Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vắc-xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành Y tế để đạt được những kết quả toàn diện trong năm 2016, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số mặt hạn chế của ngành Y tế trong năm qua như: Tình trạng quá tải bệnh viện chưa được khắc phục căn bản; vẫn còn để xảy ra sự cố đáng tiếc do làm sai quy trình của y, bác sĩ; quản trị bệnh viện còn bất cập; quản lý dược phẩm và trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập, đấu thầu thuốc chữa bệnh chưa công minh, ảnh hưởng lớn đến lợi ích người dân. Chính quyền địa phương chưa quan tâm công tác an toàn thực phẩm. Thời gian tới, ngành Y tế cần phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt hơn chủ trương “Thầy thuốc như mẹ hiền”, lấy việc phục vụ người bệnh là mục tiêu quan trọng nhất, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Các bệnh viện cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, công khai kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện, tích cực thực hiện đề án tăng cường liên thông, công nhận xét nghiệm giữa các bệnh viện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động một số bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối. Tập trung phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới với tinh thần mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục. Bộ Y tế cần tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống y tế ngoài công lập phát triển; làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Đổi mới hoạt động của hệ thống y tế công lập; tăng cường quản lý tài chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, thông tin tuyên truyền. Thúc đẩy xây dựng chuỗi hệ thống sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất dược phẩm và y học cổ truyền. Tăng cường hợp tác quốc tế./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com