Những trò chơi dân gian đặc sắc trong lễ hội mùa xuân

08:30, 30/01/2023

Về Nam Định dịp đầu xuân mới, du khách được hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong các lễ hội truyền thống đặc sắc. Điểm nhấn trong các lễ hội là các hội trận, tích trò và trò chơi dân gian - những sản phẩm văn hóa đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước và người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Xếp chữ - Hoa trượng hội trong lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Xếp chữ - Hoa trượng hội trong lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản).

Các hội trận, tích trò và trò chơi dân gian đầu xuân đều liên quan đến những sự kiện, nhân vật lịch sử có công với nước, với dân; gắn với sự hình thành, phát triển của quê hương, đất nước và công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Lễ hội Đền Diêm Điền, xã Bình Hòa (Giao Thủy) tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch. Hội làng xưa có lệ cho thuyền ra khơi đánh cá. Đây là nét riêng của người dân miền biển nhằm ôn lại việc làm của tổ tiên buổi sơ khai về lập ấp; đồng thời gắn sinh hoạt tín ngưỡng với việc đời, nhắc nhở người dân phát huy truyền thống cần cù lao động để cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Đền Ngọc Chấn, xã Yên Trị (Ý Yên) tổ chức 3 năm một lần vào dịp tháng 3 âm lịch, có cuộc thi bơi chải nhằm diễn lại tích “Giang chiến” của Tướng quân Đặng Dung trên sông Đáy, thu hút đông đảo người dân tham gia thi đấu, cổ vũ. Lễ hội “Thái bình xướng ca” làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được tổ chức từ mồng 9 đến 11-3 âm lịch, 3 năm một lần (vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi) tưởng nhớ sự kiện quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Theo truyền thuyết, từ xưa làng Gạo có đội vận chuyển lương thực bằng thuyền rất giỏi. Từ truyền thống “Cả làng chuyển thóc nhà vua/Đủ cho quân sĩ bốn mùa lương ăn”, trong lễ hội “Thái bình xướng ca”, dân làng đã tái hiện lại tích đoàn thuyền tải lương. Câu chuyện những đoàn thuyền tải lương của nhà Trần cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ binh sĩ đánh giặc mang ý nghĩa giáo dục về ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết cho thế hệ trẻ.

Trong các lễ hội xuân ở tỉnh ta, trò chơi đu (đánh đu, lên đu) được nhiều địa phương tổ chức, tiêu biểu như: lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), hội làng Hồ Sen, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), hội làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực)… Ở xóm Cuối, trước ngày hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản), các cụ cao tuổi trong xóm lựa chọn những cây tre to, khỏe làm cột đu; sau đó cử một nhóm trai đinh khoẻ mạnh dựng đu. Với cách chơi đu truyền thống ở xóm Cuối, đu đơn nữ thường thể hiện sự nhịp nhàng, duyên dáng, đu đơn nam thường thể hiện sự khoẻ mạnh, bay bổng. Đẹp mắt và hấp dẫn nhất vẫn là chơi đu đôi nam nữ. Giữa tiết trời mùa xuân, cỏ cây hoa lá khoe sắc đua hương, những đôi trai gái chơi đu có dịp tìm bạn, kết duyên. Ở làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) hàng năm diễn ra nhiều lễ hội tại các di tích. Vào ngày này, bà con trong làng tạm gác công việc đồng áng, tham gia trò chơi đu tiên đầu năm mới. Trò đu tiên ở làng Thanh Khê bắt đầu từ đêm Giao thừa kéo dài đến hết tháng Giêng, thu hút đông đảo cả già, trẻ, trai, gái tham gia và trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa in sâu vào tiềm thức của người dân địa phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Cùng với chơi đu, trò chơi leo cầu ngô (đi cầu tre) cũng được tổ chức trong lễ hội mùa xuân ở nhiều vùng nhằm ôn lại quá khứ tổ tiên đi làm đồng phải đi qua các con ngòi, con mương trên cây tre gác ngang làm cầu. Trò leo cầu ngô đòi hỏi sự khéo léo, đôi chân vững chắc để đi đến đích và quay trở lại bờ an toàn. 

Đình Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) được xây dựng trên khu vực Thái ấp xưa của Thượng tướng, Thái sư Chiêu minh vương Trần Quang Khải. Cứ 3 năm một lần, vào ngày 22-3 âm lịch, dân làng lại mở hội lớn vào ngày kị của phu nhân ông là Phụng Dương Công chúa. Ngoài các nghi thức tế lễ, lễ hội còn có các tích trò độc đáo như: tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô”, tích “Quan huyện, quan trấn đốc thúc quân đi mở đường”. Tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô” là trò diễn xướng kể về câu chuyện sau khi đánh đuổi quân Nguyên, để giữ hòa hiếu, vua tôi nhà Trần hàng năm vẫn phải cống nạp cho triều đình phương Bắc bằng đường thủy. Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải lúc bấy giờ đã nghĩ ra kế sách cho quân lính đóng giả thuyền chài, chặn đường đoạt lại cống vật. Còn tích “Quan huyện, quan trấn đốc thúc quân đi mở đường” diễn tả lại cảnh binh lính nhà Trần uy dũng lên đường ra biên cương đánh giặc trong sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt thành của người dân, tạo khí thế chiến đấu của quân dân địa phương nơi binh lính đi qua. Cũng liên quan đến các nhân vật thờ tự ở mỗi địa phương, bên cạnh các trò chơi dân gian thể hiện qua hội trận, diễn tích trò, nhiều trò chơi dân gian tại một số lễ hội còn gắn với các tục lệ như: tục cướp trái trong lễ hội Đền Tuân Lục, tục cướp “đầu Mó” trong lễ hội Chùa Lương Hàn (Trực Ninh); tục cướp cầu trong lễ hội Đền Tướng Loát, tục tập trận cờ lau trong lễ hội Đền thờ Vua Đinh (Ý Yên)…

Ở huyện Vụ Bản, nhiều xã như: Kim Thái, Quang Trung, Đại An, Thành Lợi, Cộng Hòa, Hợp Hưng... vẫn duy trì nhiều trò chơi dân gian trong lễ hội xuân. Về dự lễ hội Phủ Dầy vào ngày mồng 8-3 âm lịch hàng năm, du khách được thưởng thức màn biểu diễn nghệ thuật kéo chữ - “Hoa trượng hội”. Đây là hoạt động văn hóa đặc trưng, vừa là lễ nghi vừa là trò chơi dân gian quy mô và đẹp mắt. Các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương” hay “Quang phục thánh thiện”… thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhắc nhở người dân mãi nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tại Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), múa rối nước là một trong những hoạt động văn hóa không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội Trần 20-8 âm lịch hàng năm, do các nghệ nhân múa rối nước làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) biểu diễn. Các tích trò rối nước như: Trần Hưng Đạo 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông, cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu, múa sư tử… được biểu diễn dưới hồ nước trước cửa Đền Trần đã thu hút đông khán giả từ người cao tuổi đến trẻ em thưởng thức.

Các hội trận, tích trò và trò chơi dân gian trong lễ hội xuân ở tỉnh ta được tổ chức sinh động, hấp dẫn dưới nhiều hình thức, mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi vùng, miền nhưng có đặc điểm chung là mang tính tập thể, rèn luyện sức khỏe, thể hiện kỹ năng, sự khéo léo của người tham gia, không chỉ mang tính chất vui chơi, giải trí mà còn gửi gắm ước nguyện về một năm mới tốt lành, cuộc sống ấm no, hạnh phúc; qua đó khích lệ, động viên người dân hăng hái lao động, sản xuất, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com