Tết xưa - Tết nay

10:35, 27/01/2023

Tết Nguyên đán cổ truyền là dịp lễ trọng trong năm của người Việt với nhiều phong tục, lễ nghi được chuẩn bị công phu, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc chuẩn bị và đón Tết của người dân đã có những thay đổi theo hướng hiện đại, song vẫn giữ được những giá trị văn hóa độc đáo của Tết cổ truyền.

Tất bật Tết xưa

 

Là dâu cả của gia đình lớn, lại tháo vát công việc nội trợ, nên mặc dù đã ở tuổi 80 nhưng ký ức về việc chuẩn bị lễ lạt, lương thực, thực phẩm cho 3 ngày Tết, mẹ tôi vẫn nhớ như in. Vậy nên cứ vào dịp cuối năm, khi những cơn gió heo may se se lạnh, hoa cải trổ vàng ở mảnh vườn nhỏ trước nhà, mẹ lại sốt sắng nhắc anh em chúng tôi kiểm đếm các việc chuẩn bị Tết sao cho thật chu đáo. Bởi mẹ tôi luôn quan niệm “những gì ngon nhất, đẹp nhất, tốt nhất… sẽ được dành cho ngày Tết”, là dịp con cháu bày tỏ lòng thành tri ân qua việc dâng cúng tổ tiên, thết đãi anh em, con cháu, bà con lối xóm đã đùm bọc cùng nhau chia sẻ ngọt bùi qua một năm. Do đó, dù khó khăn đến mấy, mẹ cũng cố lo cho 3 ngày Tết được đủ đầy.
 Hành trình chuẩn bị Tết của mẹ tôi và các bà nội trợ xưa thường bắt đầu ngay khi vừa qua tiết Thanh Minh của năm mới (!). Không hề lạ chút nào bởi lúc này tiết trời trong sáng, hết những cơn gió hàn, gió độc, thuận tiện cho việc gây giống vật nuôi. Bố tôi chọn về một vài con giống lợn Móng Cái và sang sửa lại cái ao sau nhà để thả cá và gây đàn gà. Mẹ tôi chăm chút cám bã chủ yếu từ những phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, ngô khoai, bã rượu, thân chuối, dọc khoai hay bèo tấm và ốc, cá vụn. Con lợn được chăm vỗ cả năm trời, vừa khoảng 50-60kg thịt; đàn gà béo mượt có đủ trống thiến, trống cường, mái tơ. Đỗ xanh, đỗ đỏ để gói bánh, nấu chè được mẹ tôi lựa kỹ, tích trữ từ giữa hè. Gạo nếp, măng, miến, đường phèn thì qua cữ tháng Mười khi vừa thu hoạch vụ lúa mùa, người dân đi lên mạn ngược buôn về. 

Đến đầu tháng Chạp, không khí chuẩn bị Tết trở nên cấp tập, gấp gáp hơn. Ngay từ đầu tháng Chạp, bà và mẹ lại lần lượt kiểm đếm, tính toán “đồ khô” xem thừa, thiếu và mua sắm thêm các loại gia vị tiêu, mộc nhĩ, nấm hương. Đến rằm tháng Chạp thì bắt tay vào chuẩn bị dưa hành ăn Tết. Hành trắng củ to tròn, mua về ngâm nước tro bếp 5 ngày, rồi bóc vỏ, cắt rễ, ngâm vài ba lần nước muối nhạt hòa cùng tro bếp cho bớt hăng rồi mới muối. Chỉ riêng vại hành muối phải mất mươi ngày mới ngon được. Dù không phải món chính, nhưng dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết và được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết cổ truyền xưa. Ngày 27 Tết, nhà nhà mổ lợn, đụng lợn, gói bánh chưng, bó giò, làm nem… Con lợn mổ ra, ngoài cỗ lòng ăn ngay thì tất cả đều chế biến dành cho 3 ngày Tết. Tảng thịt nạc mông, nạc thăn đem giã giò; thịt đầu vai xay làm chả, làm mọc; thịt thủ, bì, mỡ phần làm giò xào, nem thính; sườn thì chặt quân cờ nướng chả vè, chả chìa; xương, chân giò dùng để hầm bát nấu với măng khô. Điều đặc biệt làm cho không khí chuẩn bị Tết thêm sôi động và ấm áp là các nhà lân cận hay trong dong ngõ thường “xếp lịch” luân phiên để mổ lợn, gói bánh chưng, chuyền nhau chiếc nồi hông nấu bánh, có lòng tươi ăn đến sáng 30 Tết và miễn sao đến trước giao thừa, cả xóm ngõ đều hoàn thành công việc, có bánh chưng xanh, giò, nem, ninh, mọc, những món cỗ trọng yếu cho ba ngày Tết.
Ngoài chuẩn bị thức ăn chính, công việc chọn các loại bánh, mứt, chè tươi, chè khô rồi mua hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa, lau dọn ban thờ… khiến cho không khí chuẩn bị Tết càng trở nên công phu, tất bật xen lẫn lo toan.

Thong thả Tết nay

Ngày nay, đời sống kinh tế phát triển, sự giao thương trong và ngoài nước diễn ra mạnh mẽ cùng sự hỗ trợ của thương mại điện tử nên việc sắm Tết không còn phải tất bật vất vả như xưa. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống, mâm cỗ mặn, cỗ chay… đều có sẵn dịch vụ phục vụ từ tết ông Công ông Táo, Tất niên đến ngày hóa vàng. Thậm chí việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết, vui Xuân cũng có dịch vụ đảm nhận. Người nội trợ chỉ lo chuẩn bị tiền (thậm chí các ngân hàng còn tung ra các sản phẩm tín dụng tiêu dùng phù hợp hỗ trợ và kích cầu người dân mua sắm cho Tết), dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Cũng không cần ra tận chợ, chỉ vài cú nhấp chuột hay cuộc điện thoại của người nội trợ gọi đặt hàng, mọi hàng hóa đều được đưa đến tận nhà đầy đủ các món cổ truyền đến những thứ hiện đại; thậm chí đầy đủ đặc sản các vùng miền trên khắp dải đất chữ S. Hơn nữa cuộc sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng, việc sắm Tết, chăm sóc gia đình ngày Tết trở thành thú vui và là dịp để các bà nội trợ thể hiện sự đảm đang khéo léo của mình. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh chưng, làm mứt, bó giò… nhưng chỉ là để cho người già nhớ nếp Tết xưa và cho con trẻ được hưởng không khí ngày Tết cổ truyền dân tộc. Dịch vụ phát triển, người nội trợ có điều kiện thời gian chăm chút, làm đẹp để cùng gia đình bạn bè đón Xuân.

 

Tết là sự chuyển giao năm cũ và năm mới, giao hòa giữa ước mơ và hiện thực, là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh dân tộc. Là thời khắc lắng đọng nhớ về ông bà, tổ tiên, sự đầm ấm, thiêng liêng tình cảm gia đình, dòng tộc, tình làng nghĩa xóm… Mặc dù có nhiều thay đổi hiện đại nhưng các giá trị văn hóa, tinh thần của Tết cổ truyền vẫn còn nguyên và tiếp tục được bồi đắp bởi lòng tự hào của các thế hệ dòng giống “con Lạc, cháu Hồng” hôm nay./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com