Nét xuân trong tranh họa sĩ Nam Định

09:14, 27/01/2023

Khi hạt mưa lây phây đọng trên những chồi non xanh biếc, cánh én chao nghiêng, trăm hoa đua nở cũng là thời khắc đất trời chuyển sắc vào xuân. Mùa xuân - mùa của vạn vật sinh sôi, lòng người rộn rã hân hoan đón chờ năm mới, vận hội mới. Từ mạch nguồn cảm xúc mùa xuân, cùng với tài năng, nhiều thế hệ họa sĩ Nam Định đã sáng tác những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật cao mang đến những màu sắc mới cho cung bậc mùa xuân.

Tác phẩm Sang xuân 3 của họa sĩ Vũ Xuân Dương.
Tác phẩm "Sang xuân 3" của họa sĩ Vũ Xuân Dương.

Những mùa xuân xưa…

Cố họa sĩ Trần Trung Kỳ được giới mỹ thuật cả nước biết đến với phong cách hội họa riêng biệt, bút pháp mạnh mẽ, khoáng đạt và những ý tưởng độc đáo. Ông đã vẽ hàng trăm bức ký họa về cuộc chiến đấu anh dũng của người dân Thành Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, mùa xuân trong tranh Trần Trung Kỳ mang yếu tố ẩn dụ cao với các gam màu xanh và màu hồng tượng trưng cho sự sống, mùa xuân mơ ước của dân tộc. Gần 100 tác phẩm được họa sĩ sáng tác từ năm 1967 đến năm 1969 là những hình ảnh chân thực, sống động về không khí lao động sản xuất, tinh thần chiến đấu của quân và dân Nam Định như: “Họp chợ bên giao thông hào”, “Cửa hàng ăn dưới hầm”, “Hố bom trên đường ra bờ sông Đào”. Đặc biệt bức ký họa “Sự sống không bom đạn nào hủy diệt được” vừa thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh vừa toát lên niềm tin sắt son ngày mai sự sống sẽ nảy mầm từ đau thương, đất nước sẽ sớm hòa bình, thống nhất.

Với họa sĩ Phạm Quyền, mùa xuân là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời những tác phẩm về chủ đề kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xuân trong tranh của họa sĩ Phạm Quyền là hình ảnh núi rừng Trường Sơn xanh biếc, với những cung đường huyết mạch, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi lên đường ra tiền tuyến trong khói bom, lửa đạn… Qua các tác phẩm, đồng nghiệp và người yêu tranh đều chung cảm nhận về phong cách hội họa riêng biệt của Phạm Quyền, đó là bút pháp mạnh mẽ, táo bạo với nhiều ý tưởng độc đáo. Mùa xuân kháng chiến qua nét cọ của ông vừa bi ai, vừa hùng tráng và toát lên ý chí kiên cường, anh dũng, niềm tin sắt son vào ngày toàn thắng của dân tộc. Trong đó nhiều tác phẩm có giá trị như: “Trạm giao liên thời bom đạn”, “Hang tám cô”, “Lãng quên năm”, “Nắng sớm miền Trung du”, “Khói bom lẫn khói hương”, “Ráng chiều nhớ Trường Sơn”… Đặc biệt, tác phẩm “Đón xuân ở chiến khu” - của họa sĩ Phạm Quyền là món quà tinh thần của ông đối với những người con Nam Định từng chiến đấu trên các tuyến lửa ở Trường Sơn. Với các gam màu tươi sáng vàng, tím, xanh, đỏ, tác giả đã thể hiện đầy đủ những cung bậc sắc màu, cảm xúc của mùa xuân ở chiến khu: rừng đại ngàn xanh tốt, có hoa rừng rực rỡ, chim hót líu lo và dưới trạm giao liên các chiến sĩ trẻ đang đàn hát gợi lên hình ảnh phơi phới tuổi xuân.

Cố họa sĩ Hồ Y cũng được mệnh danh là “người lưu giữ hồn Thành Nam” với gần 20 bức tranh vẽ về phố cổ. Các bức tranh của ông vẽ về phố cổ Nam Định luôn đề cao yếu tố cảm xúc, không lệ thuộc nhiều vào các kỹ thuật bác học hội họa. Các mảng màu trên tranh phố Thành Nam của họa sĩ Hồ Y đa dạng, phong phú, đan xen nhau hài hòa, hợp lý, trong đó gam màu ấm chiếm chủ đạo. Những địa danh cổ như: Cảng Nam Định, bến đò Chè, cầu treo Đò Quan, ngõ Văn Nhân, phố nhà thờ Lớn, phố Hàng Song, phố khách người Hoa kiều, phố Hàng Nón, Hàng Nâu, phố Bắc Ninh, phố Hàng Đồng, phố Cửa Đông... của Thành Nam xưa đều được tìm thấy trong tranh của họa sĩ Hồ Y. Nhiều bức vẽ của họa sĩ Hồ Y phản ánh không khí mùa xuân rộn ràng, dòng người tấp nập đón xuân, trong đó tiêu biểu là tác phẩm “Phố Hàng Nón”. Vẫn phong cách hội họa đã làm nên tên tuổi, tác phẩm “Phố Hàng Nón” của họa sĩ Hồ Y đưa người thưởng thức tranh đến một không gian ngập tràn sắc hoa, nhộn nhịp người qua lại trên phố. Với gam màu trầm ấm, tác giả gửi gắm nguyện ước nhà nhà đón xuân mới trong an vui, sung túc.

Tác phẩm Xuân bên người của họa sĩ Đặng Khắc Thiềm.
Tác phẩm "Xuân bên người" của họa sĩ Đặng Khắc Thiềm.

Tiếp nối những mạch nguồn

Lễ hội mùa xuân là một trong những đề tài được nhiều họa sĩ Nam Định sáng tác và đạt được nhiều thành công. Họa sĩ Vũ Xuân Dương có nhiều tác phẩm hội họa về đề tài lễ hội mùa xuân, tiêu biểu như: Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Đền Trần, Hội chợ Viềng... Ở mảng đề tài này, hầu hết các tác phẩm của ông được vẽ trên chất liệu sơn dầu với phương pháp chồng các lớp sơn tạo sự xen kẽ giữa các màu. Trong tác phẩm “Lễ hội Phủ Dầy” với hình ảnh không gian ở Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản), những điểm nhấn bằng gam màu cam đã tạo sức hút cho người xem; sự phối hợp nhịp nhàng các đường lượn, nhịp điệu các mảng chính phụ xen kẽ, tạo bề mặt sinh động cho người xem cảm giác không gian tác phẩm có sự huyền bí nhưng vẫn mang hơi thở nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại. Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, họa sĩ Vũ Xuân Dương đang làm mới mình với chùm tranh “Sang xuân” chất liệu bột màu. Họa sĩ Vũ Xuân Dương cho biết: “Thời gian gần đây, tôi quay trở về vẽ các tác phẩm bằng chất liệu bột màu, bởi chất liệu này tạo ra được một số hiệu ứng khác biệt. Hơn nữa, bột màu hợp với khí hậu ở nước ta nên có độ bền cao”. Khác với nhiều họa sĩ thường thể hiện rõ nét đặc trưng của mùa xuân trong tranh, họa sĩ Vũ Xuân Dương chọn phong cách sáng tác trìu tượng, huyền bí, đa chiều, giàu lớp ý nghĩa ở mỗi tác phẩm. Với bức tranh “Sang xuân 1” là hình ảnh những chiếc cối đá cổ nằm xếp ngăn nắp bên hàng cọ xanh biếc, không gian bao trùm những gam màu xanh chủ đạo. Điểm nhấn bức tranh là cây cầu gỗ thể hiện dụng ý của tác giả “nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại”, những mùa xuân bình yên sẽ nối tiếp trường tồn, vĩnh cửu...

Mùa xuân trong tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Châu tập trung thể hiện hình ảnh quê hương trên đường đổi mới với sức sống mãnh liệt. Để tiếp cận và chuyển tải thành công ý tưởng, họa sĩ thường xuyên đi thực tế để tích lũy kinh nghiệm, làm giàu vốn sống. Thời gian gần đây, họa sĩ đầu tư công sức thực hiện loạt tranh về chủ đề “Du ca” với chất liệu Acrylic. Đến nay, ông đã có hơn 60 bức tranh về chủ đề “Du ca”. Tranh “Du ca” của ông nổi bật với lối vẽ khoáng đạt, các mảng màu mạch lạc, độ tương phản cao; đặc biệt mỗi bức tranh du ca đều xuất hiện hình ảnh những cánh chim bay chao nghiêng chào mùa xuân mới đầy sức sống. Bức tranh “Chiều trên bến” nằm trong tập tranh “Du ca” với điểm nhấn những đàn én chao nghiêng; những con tàu nổi bật với màu xanh đang neo bến yên bình. Tác giả đã khéo léo kết hợp các gam màu nóng, lạnh, tạo sự hài hòa tổng thể cho bức tranh. Qua bức tranh, họa sĩ Nguyễn Ngọc Châu muốn gửi gắm thông điệp ước mong mùa xuân ấm áp sẽ đến với mọi người, mọi nhà nơi đồng bằng cũng như nơi biển xa...

Trong dịp Tết Quý Mão 2023, nhiều họa sĩ Nam Định cũng có những sáng tác đáng chú ý về đề tài mùa xuân. Họa sĩ Trần Thăng, Trưởng bộ môn Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật Nam Định với tác phẩm “Cảm xúc xuân” với lối vẽ nhẹ nhàng, tinh tế. Họa sĩ Đặng Khắc Thiềm với tác phẩm “Xuân mới”, “Xuân bên người” mang đặc trưng phong cách của tác giả đó là đề cao yếu tố cảm xúc, với những nét gam trầm sâu lắng kết hợp gam màu tươi sáng phản ánh hơi thở cuộc sống hôm nay. Trong khi đó, họa sĩ trẻ Vũ Tuấn Việt kịp hoàn thành 2 tác phẩm “Hoa đào” “Hoa lan trắng” trước dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Bên cạnh đó, anh còn sáng tác cụm tranh độc đáo mang tên “Dịch chuyển”; trong đó cụm 1 có 12 bức tranh. Mỗi tác phẩm độc lập riêng, nhưng khi ghép với nhau thì các mảng sáng tạo thành bản đồ Nam Định, với các hình ảnh lễ hội, con người; phần gam xám còn lại tượng trưng cho tâm trạng của những người con xa xứ luôn đau đáu nhớ về quê hương.

Mùa xuân - mùa của gợi mở yêu thương, khát vọng sẽ mãi là đề tài giàu sức lôi cuốn với hội họa. Bằng niềm đam mê và những nỗ lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật, các thế hệ họa sĩ Nam Định đã và đang góp phần tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, khơi dậy sức xuân và sắc xuân của quê hương, đất nước./.

Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com