Phát sinh ổ dịch mới tại xã Trực Thắng

08:03, 20/03/2019

Ngày 14-3, đàn lợn nhà ông Hoàng Văn Giới, xóm 8, xã Trực Thắng (Trực Ninh) có 2 con lợn ốm bất thường với triệu chứng sốt, nôn, da màu hồng. Sau khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND huyện Trực Ninh lấy 1 mẫu bệnh phẩm gửi tới Chi cục Thú y vùng I (Cục Thú y). Ngày 17-3, Chi cục Thú y vùng I đã gửi phiếu kết quả xét nghiệm trả lời mẫu bệnh phẩm trên dương tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi.

Chiều 18-3, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y; lãnh đạo UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Trực Ninh đã trực tiếp làm việc, chỉ đạo UBND xã Trực Thắng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh của hộ ông Hoàng Văn Giới theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh. Tổng số lợn tiêu hủy là 20 con với trọng lượng hơn 1 tấn. Như vậy, 6 ngày sau khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại hộ nhà ông Phạm Văn Kiên ở xóm 9, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh ổ dịch thứ hai trên địa bàn xã Trực Thắng. Trong buổi làm việc với UBND xã Trực Thắng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và UBND huyện Trực Ninh đã yêu cầu xã Trực Thắng tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình đàn lợn trên địa bàn. Tăng cường siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát tại các chốt kiểm dịch vận chuyển động vật. Tiếp tục tuyên truyền, thông báo tình hình dịch tả lợn châu Phi trên hệ thống đài truyền thanh xã; hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; đặc biệt là công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các hộ chăn nuôi.

Trong thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh tận dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, bếp ăn tập thể làm thức ăn cho lợn. Vi-rút dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, chỉ bị tiêu diệt khi bị đun lâu ở nhiệt độ cao. Hiện nay, nguy cơ lây lan dịch trên địa bàn tỉnh là rất cao nhưng tại một số địa phương, người chăn nuôi vẫn có tâm lý chủ quan đối với dịch tả lợn châu Phi, không lường hết những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh này gây ra nên vẫn sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi lợn. Để hạn chế bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan trên địa bàn, cùng các giải pháp quyết liệt của các cấp, các ngành, người chăn nuôi, người dân cần chấp hành thực hiện nghiêm cam kết “5 không” trong công tác phòng chống bệnh, gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên và định kỳ thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực chăn nuôi, điểm giết mổ, sơ chế, chế biến động vật ở dạng tươi sống. Mua động vật, sản phẩm động vật phải có nguồn gốc rõ ràng; không mua con giống trôi nổi. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để tăng sức đề kháng cho đàn lợn./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com