Tăng cường chốt chặn, giữ vệ sinh phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

08:03, 19/03/2019

Từ ngày 5-3 đến nay, đội kiểm dịch động vật lưu động và các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông của tỉnh đã tăng cường hoạt động chốt chặn, tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông ra, vào địa bàn tỉnh. Tại các chốt kiểm dịch động vật ở Km103, Quốc lộ 10 (Thành phố Nam Định), Trạm thu phí Mỹ Lộc cũ - Quốc lộ 21B (Mỹ Lộc), đầu cầu Ninh Bình - Quốc lộ 10 (Ý Yên), bến phà Sa Cao (Xuân Trường) cũng đã bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện tổ chức thường trực 24/24 giờ. Theo đại diện của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong thời gian qua số lượng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh rất ít, lực lượng chức năng cũng chưa phát hiện trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Lực lượng tại các chốt kiểm dịch đã thực hiện nghiêm việc phun thuốc khử trùng cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông qua chốt.

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Thời điểm hiện tại, các hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tiếp tục nhập con giống thực hiện tái đàn vật nuôi. Mặc dù số lượng gia súc, gia cầm nhập giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước do tình hình dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, cùng với đặc thù thời tiết, việc nhập đàn mới vẫn là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh gia súc, gia cầm có thể phát sinh, lây lan. Để hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu các cơ sở liên quan đến các hoạt động chăn nuôi sử dụng hóa chất sát trùng trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành trong nước như: Benkocid, RTD-Iodine, Han-Iodine, Virkon… thực hiện hoạt động tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh. Đối với cơ sở chăn nuôi động vật, cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm thực hiện tiêu độc khử trùng theo lịch cụ thể của cơ sở và theo các đợt phát động của địa phương. Cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến động vật phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca giết mổ, ca sản xuất. Các địa điểm thu gom, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực buôn bán sau mỗi phiên chợ. Nơi cách ly kiểm dịch động vật phải định kỳ thực hiện vệ sinh và tiêu độc, khử trùng ít nhất 1 lần trong tuần trong thời gian nuôi cách ly động vật. Khu vực có ổ dịch động vật cần thực hiện tiêu độc, khử trùng tại hộ có dịch 1 lần/ngày, xã có dịch 2 ngày/lần; rắc vôi bột trên các trục đường ra vào khu vực ổ dịch và khu vực chăn nuôi. Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau khi hoàn thành việc xử lý, chôn lấp và theo các đợt phát động của địa phương. Các trạm, chốt kiểm dịch động vật, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng ngày đối với phương tiện vận chuyển đi qua chốt kiểm soát ổ dịch trong thời gian có dịch. Quét dọn, khơi thông cống rãnh, phun thuốc tiêu độc 1 lần/tuần ở nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm.

Về quy định vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp (xã liền kề xã có dịch) cần thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đối với vùng đệm (xã liền kề vùng bị dịch uy hiếp) thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc 1 lần/tuần trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com