Xuân Hòa nuôi thành công cá lăng chấm trong ao đất

08:02, 23/02/2016

Xã Xuân Hòa (Xuân Trường) có lợi thế phát triển nuôi thủy sản cả nước ngọt và mặn lợ do nguồn nước từ sông Sò chịu ảnh hưởng của thủy triều. Trên địa bàn xã hiện có 25 hộ nuôi thủy sản với các con nuôi chủ lực là cá trắm đen, cá chép, cá hồng mỹ, tôm thẻ chân trắng, mới đây có thêm cá lăng chấm.

Anh Lê Thế Nhật, xóm 15, xã Xuân Hòa đang chăm sóc cá lăng chấm.
Anh Lê Thế Nhật, xóm 15, xã Xuân Hòa đang chăm sóc cá lăng chấm.

Nhằm tận dụng những tiềm năng và lợi thế của địa phương và để phát triển thêm đối tượng nuôi mới thuận lợi về thị trường tiêu thụ, từ năm 2012, xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện để xây dựng các mô hình thí điểm nuôi cá lăng chấm ở ao đất. Cá lăng chấm là loại cá da trơn, được đánh giá là đặc sản nước ngọt hàng đầu miền Bắc bởi chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, lại ít xương dăm. Do giá trị kinh tế cao nên loài cá hoang dã phổ biến trên hệ thống sông Hồng bị khai thác cạn kiệt. Các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu sản xuất giống và công nghệ nuôi loài cá này. Nuôi cá lăng chấm trong lồng bè là phương thức đã được nhiều địa phương áp dụng, cá tăng trưởng nhanh, người nuôi không phải tốn nhiều công đầu tư xử lý kỹ thuật ao hồ, tuy nhiên chất lượng thịt cá không ngon như cá nuôi trong ao đất. Ngoài ra, khi nuôi trong ao, nguồn nước ra, vào ao được kiểm soát chủ động về chất lượng nên ngăn ngừa và hạn chế được mầm bệnh giúp bảo vệ môi trường nuôi và đàn cá, hạn chế tỷ lệ cá mắc bệnh. Qua kết quả từ các mô hình thí điểm ở Xuân Hòa cho thấy, cá lăng chấm thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên tại địa phương, ít dịch bệnh, nhưng vì là đối tượng nuôi mới nên hiện tại trên địa bàn xã chưa có nhiều người đầu tư nuôi. Hiện theo phương pháp này mới có 2 hộ tiếp tục mạnh dạn nuôi cá lăng chấm trong ao và đã đạt được những thành công nhất định, đó là bố con ông Lê Văn Bản (Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa) và anh Lê Thế Nhật. Anh Lê Thế Nhật trước đây chủ yếu nuôi các loại cá trắm đen, chép, hồng mỹ, và mới đây nuôi thêm cá lăng chấm với diện tích 5ha. Khi mới bắt tay vào nuôi cá lăng chấm, anh cũng gặp không ít khó khăn. Ở môi trường nuôi mới nên cá bị mắc các bệnh ngoài da, được sự hỗ trợ kịp thời của các kỹ sư thủy sản anh đã tìm ra phương pháp, kỹ thuật chữa trị, nâng cao chất lượng sống cho cá và tích lũy được kinh nghiệm cho mình. Anh còn thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nuôi thủy sản. Tất cả các ao nuôi đều được vệ sinh và xử lý nước thường xuyên, cho cá ăn cũng được thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật hết sức chi tiết. Cá giống mới nhập về được cho ăn bằng cám, từ giai đoạn cá lớn đạt khoảng 2 lạng/con đến khi thành cá thương phẩm được cho ăn bằng cá biển giúp cá thành phẩm đạt năng suất cao, thịt cá thơm ngon. Năm 2015, riêng sản lượng của cá lăng chấm tại hộ nuôi của anh đạt 35 tấn, trừ chi phí thu lãi 2 tỷ đồng. Chia sẻ về bí quyết nuôi cá lăng chấm trong ao đất, ông Lê Văn Bản, một trong hai hộ nuôi ở Xuân Hòa cho biết, ông tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi mà chỉ sử dụng men vi sinh, thường xuyên thay nước, sục khí tạo ô-xy để có nguồn nước sạch giúp cá phát triển thuận lợi nhất có thể. Nguồn giống cá lăng chấm cũng được nhập từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đơn vị có uy tín, đảm bảo chất lượng. Diện tích nuôi cá lăng chấm của ông Bản là 3ha. Năm 2015, ông thu hoạch được 15 tấn cá lăng chấm. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên sau 20 tháng thả nuôi, đàn cá lớn nhanh, đạt 3-5kg/con. Cá được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Hà Nội và các thành phố lớn. Ông Bản cho biết: “Từ thành công đã đạt được, trong năm 2016, ông sẽ phổ biến trong HTX động viên nhân rộng mô hình, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm phát huy hiệu quả những tiềm năng tự nhiên của địa phương”.

Để từng bước chuyển dịch nuôi thủy sản theo hướng nuôi các loại cá truyền thống sang nuôi các đối tượng giống mới có giá trị kinh tế cao, xã Xuân Hòa chủ trương khuyến khích các hộ nuôi thủy sản tại địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá lăng chấm trong ao đất. Thực hiện thành công định hướng này vừa giúp người nuôi đạt giá trị kinh tế cao, đa dạng hình thức nuôi để bảo đảm thuận lợi cho khâu tiêu thụ, đặc biệt góp phần bảo tồn giống cá quý hiếm./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com