Nam Toàn phát triển kinh tế từ sinh vật cảnh

07:12, 12/12/2015
Là địa bàn tiếp giáp với xã Điền Xá - cái nôi của phong trào hoa, cây cảnh nên xã Nam Toàn (Nam Trực) cũng sớm phát triển nghề trồng cây cảnh. Từ năm 1990, Hội Sinh vật cảnh (SVC) xã đã được thành lập, đến nay đã phát triển lên trên 200 hội viên, trong đó có 13 nghệ nhân SVC là lực lượng nòng cốt. Thời gian qua, mặc dù thị trường SVC khá ảm đạm nhưng phong trào SVC ở Nam Toàn vẫn được duy trì, phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.
 
Đến nay, diện tích đất trồng cây cảnh của xã Nam Toàn đã được mở rộng gần 17ha với hàng trăm hộ tham gia trồng, chăm sóc cây cảnh. Để nâng cao tay nghề cho hội viên, hằng năm Hội SVC xã đều tổ chức các chuyến tham quan các nhà vườn, địa phương trồng cây cảnh nổi tiếng trong và ngoài tỉnh; tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh... Ngoài ra, Hội cũng tổ chức cho hội viên tham gia các cuộc trưng bày, triển lãm SVC ở các tỉnh, thành phố vừa nâng cao kinh nghiệm đồng thời để tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong năm 2015, các hội viên SVC xã đã đưa hàng chục tác phẩm tham dự Festival sinh vật cảnh, đá quý, đá phong thuỷ Thành phố Thanh Hoá, tham dự Triển lãm SVC chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 và đã bán nhiều cây cảnh có giá trị nghệ thuật. Với bản tính chịu khó, ham làm và với đôi bàn tay khéo léo, óc nghệ thuật tinh tế, các sản phẩm SVC của người dân Nam Toàn được nhiều khách hàng yêu thích. Ngày nào trên địa bàn xã cũng có hàng chục chuyến xe tải chở cây đi tiêu thụ khắp nơi trong nước. Nghề trồng cây cảnh đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân trong xã. Hiện phong trào SVC xã phát triển khá đa dạng như: trồng cây cảnh nghệ thuật; kinh doanh cây bóng mát, cây công trình; sản xuất và bán cây hàng chợ; trồng cây ăn quả trên chậu. Trong đó, việc duy trì phát triển trồng cây cảnh nghệ thuật vẫn được coi là thế mạnh ở Nam Toàn. Hiện nay, Hội SVC xã có hơn 100 hội viên tham gia trồng cây cảnh nghệ thuật, với hàng nghìn cây cảnh các loại như sanh, lộc vừng, tùng la hán… đã được hoàn thiện về dáng, thế. Tiêu biểu như chị Hoàng Thị Yến ở xóm 5, các anh: Nguyễn Thế Mùi ở xóm 7, Hoàng Văn Tường ở xóm 6, Nguyễn Thế Trung, Hoàng Văn Sử, Hoàng Văn Tú ở xóm 8..., mỗi người sở hữu hàng trăm tác phẩm cây cảnh nghệ thuật hoàn thiện, đều đặn mỗi năm bán ra thị trường hàng tỷ đồng tiền cây. Cùng với duy trì, phát triển cây cảnh nghệ thuật, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhiều hội viên đã chuyển đổi sang trồng, mua bán cây ăn quả, cây bóng mát để trang trí cho các công trình xây dựng. Các loại cây ăn quả, cây bóng mát được người dân trong xã thu gom từ khắp nơi trong cả nước, sau đó được đưa về trồng, chăm sóc trong các vườn, khi khách có nhu cầu mua sẽ bán. Đến nay có khoảng 20% số hội viên Hội SVC xã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây bóng mát, cây công trình. Mặc dù giá trị bán cây ăn quả, cây bóng mát, cây công trình không cao như cây cảnh nghệ thuật nhưng sức tiêu thụ rất tốt. Từ năm 2010, nhận thấy thị trường cây cảnh nghệ thuật sắp bão hoà, anh Phạm Văn Trà ở xóm 4 đã thu mua cây ăn quả, cây bóng mát từ khắp nơi trong cả nước để bán lại cho khách hàng có nhu cầu. Uy tín dần được khẳng định, khách hàng mua cây ăn quả, cây bóng mát ở khắp các tỉnh, thành phố: Hà Nội,Hải Phòng, Quảng Ninh tìm đến với anh. Hiện anh Trà sở hữu 6 vườn với tổng diện tích 10 nghìn m 2 trồng cây cảnh nghệ thuật và cây công trình, cây bóng mát, duy trì đội ngũ nhân lực 6-7 người, một xe cẩu 5 tấn để bốc hàng.
Nghệ nhân SVC Nguyễn Đăng Ninh ở xóm 2, xã Nam Toàn chăm sóc bưởi trồng trên chậu chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Nghệ nhân SVC Nguyễn Đăng Ninh ở xóm 2, xã Nam Toàn chăm sóc bưởi trồng trên chậu chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Năm 2015, anh xuất ra thị trường hàng chục cây cảnh nghệ thuật và hàng trăm cây ăn quả với tổng thu trên 4 tỷ đồng, trong đó giá trị nhất là bán cây sanh cho Khu vui chơi, giải trí quốc tế Tuần Châu - Quảng Ninh có giá 300 triệu đồng. Một số hộ như anh Hoàng Văn Tường, Hoàng Văn Nho ở xóm 6 nhờ chuyển hướng phát triển cây bóng mát, cây công trình cũng có cuộc sống khá giả. Bên cạnh kinh doanh cây ăn quả, cây bóng mát, nhiều hội viên Hội SVC xã đã tìm hướng bán những cây phôi nhỏ. Chi hội SVC xóm 6 có gần 60 hội viên thì hầu hết các hội viên bán cây hàng chợ, trong đó hộ các ông Nguyễn Thế Biểu, Hoàng Văn Châu… mỗi năm xuất ra thị trường hàng nghìn cây cảnh nhỏ các loại, doanh thu hàng trăm triệu đồng. Trong phong trào SVC của xã, một số hội viên còn tìm hướng phát triển trồng cây ăn quả trên chậu, như ông Nguyễn Đăng Ninh ở xóm 2. Hiện gia đình ông Ninh có khoảng 300 cây bưởi Diễn, bưởi đỏ, bưởi da xanh, 500 cây phật thủ trồng trên chậu đáp ứng nhu cầu chơi Tết Nguyên đán của khách hàng. Ông Ninh cho biết, các cây bưởi có giá từ 3-20 triệu đồng/cây, cây phật thủ có giá 1-1,5 triệu đồng/cây được khách hàng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc rất ưa chuộng. Ngoài trồng bưởi, phật thủ, ông còn trồng 450 cây chanh tứ quý Thái Lan cho năng suất 5-6 tạ quả/cây/năm cũng đã được nhiều khách hàng ưa chuộng. Từ trồng cây ăn quả trong chậu, tổng doanh thu mỗi năm của ông Ninh đạt 3-4 tỷ đồng. Từ mô hình trồng cây ăn quả trên chậu của ông Ninh, hiện nhiều hội viên như các ông Nguyễn Thế Mùi, Hoàng Văn Hà ở xóm 7… cũng đang học tập, làm theo.
 
Từ các hình thức phát triển đa dạng, phong phú, phong trào SVC xã Nam Toàn hiện vẫn duy trì phát triển mạnh. Mỗi năm tổng doanh thu từ bán cây cảnh của xã đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho khoảng 500 lao động. Nhiều gia đình nhờ cây cảnh đã mua ô tô, xây nhà cao tầng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
 
Bài và ảnh: Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com