Tích cực chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2016

07:01, 28/01/2016

Vụ xuân năm 2016 được dự báo có nền nhiệt độ ấm, rét đậm và rét hại có khả năng xảy ra một số đợt nhưng không kéo dài. Cùng với đó, thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật và gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp. Do đó, để bảo đảm mục tiêu theo kế hoạch, thời điểm này ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các phương án và giải pháp để giành vụ xuân thắng lợi.

Cửa hàng Toan Ninh, xã Lộc An (TP Nam Định) cung ứng lúa giống cho nông dân.
Cửa hàng Toan Ninh, xã Lộc An (TP Nam Định) cung ứng lúa giống cho nông dân.
Vụ xuân năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 75.500ha lúa, năng suất bình quân đạt 69 tạ/ha trở lên. Ngành NN và PTNT đã sớm phối hợp với các địa phương triển khai sản xuất vụ xuân 2016, trong đó chú trọng công tác phòng chống hạn, mặn và xây dựng các giải pháp kỹ thuật thâm canh để sản xuất đạt hiệu quả cao trong điều kiện vụ xuân ấm. Sở NN và PTNT đã xây dựng cơ cấu giống theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá trị cao và thị trường tiêu thụ tốt; thích ứng, phù hợp với từng vùng. Các vùng có điều kiện thâm canh tăng năng suất và các vùng nhiễm mặn, nhiễm chua phèn, chân ruộng trũng tăng cường sử dụng giống lúa lai vừa có năng suất cao, chất lượng khá, vừa có khả năng chống chịu tốt. Các huyện phía nam tỉnh lúa lai chiếm 30% diện tích, lúa thuần chiếm 70% diện tích. Các xã ven biển nên tập trung cấy lúa lai với giống chịu mặn và chất lượng cao. Các huyện phía bắc tỉnh lúa lai chiếm 20% diện tích, lúa thuần chiếm 80% diện tích. Lúa lai tập trung vào các giống: Nhị ưu 838, CT16, TX111, D.ưu 527, TH3-3... Lúa thuần tập trung vào các giống: BT7, Nếp 87, Nếp 97, TBR225, Nam Định 5, Hương biển 3, Thiên ưu 8, DQ11, QR1, GS333…; trong đó, giống chủ lực là BT7 (khoảng 60% diện tích). Mở rộng diện tích các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: CS6, TEJ vàng, Hương biển 5, M1… Sở NN và PTNT khuyến cáo các hộ nông dân và các địa phương cần cân nhắc thận trọng khi đưa giống BC15 vào cơ cấu vụ xuân 2016 vì đây là giống lúa dài ngày, nhiễm nặng bệnh đạo ôn cổ bông và rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp trong quá trình phát triển đòng; nếu gieo cấy giống này phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn về thời vụ, quy trình thâm canh và phòng trừ sâu bệnh. Theo thống kê của Sở NN và PTNT đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Cty CP Giống cây trồng tỉnh, Cty TNHH Cường Tân, Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình, Cty CP Giống cây trồng Trung ương... đã chuẩn bị 450 tấn giống lúa lai và trên 2.500 tấn các giống lúa thuần nằm trong cơ cấu của tỉnh. Nhiều HTXDVNN, đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tìm các nguồn hàng bảo đảm uy tín, chất lượng để cung ứng, giúp nông dân lựa chọn những loại giống phù hợp với đồng đất, đem lại giá trị kinh tế cao. Từ giữa tháng 1 đến nay, các hộ nông dân đã tập trung chuẩn bị giống. Chị Trần Thị Bảo Ninh, chủ cửa hàng cung ứng giống Toan Ninh ở xã Lộc An (TP Nam Định) cho biết: “Vụ xuân là vụ sản xuất có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, được coi là vụ sản xuất chính trong năm nên nông dân rất quan tâm đầu tư. Trong vụ xuân này, cửa hàng đã nhập trên 50 tấn lúa giống, chủ yếu là các giống: BT7, Thiên ưu 8, Nhị ưu 838, D.ưu 527… của các doanh nghiệp có uy tín bảo đảm chất lượng phục vụ bà con gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất”. Ông Vũ Văn Thanh, nông dân ở thôn Vân Đồn, xã Nghĩa An (Nam Trực) cho biết: “Vụ xuân năm nay, gia đình tôi cấy gần 1,5 mẫu lúa BT7, trong đó có trên 5 sào gieo sạ nên tôi đã chuẩn bị giống từ sớm. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy nếu mua được giống nguyên chủng và xác nhận đạt chất lượng thì việc gieo sạ mới bảo đảm năng suất cao”. Cũng đến thời điểm này, các doanh nghiệp, HTXDVNN, đại lý kinh doanh vật tư phân bón trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị 75 nghìn tấn phân bón cần thiết như: Urê, NPK, lân, kali, DAP… Sở NN và PTNT khuyến cáo các hộ nông dân tăng cường sử dụng phân hỗn hợp NPK với các sản phẩm phân bón của các doanh nghiệp uy tín như: Lâm Thao, Tiến Nông, Bình Điền, Phú Mỹ, Việt Nhật, Ninh Bình, phân DAP Đình Vũ… và thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Bón phân cân đối, bón sớm, bón gọn. Tận dụng tối đa các nguồn phân hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là ở những chân đất nhiễm chua, phèn, mặn. Các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương trong tỉnh đang tập trung hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình kỹ thuật ngâm ủ giống, kỹ thuật gieo, che phủ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho mạ, bảo đảm đủ mạ cấy hết diện tích kế hoạch.
 
Đối với công tác làm đất, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch làm đất sớm, diện tích làm ải phải tranh thủ cày xong trước ngày 5-12-2015. Tuy nhiên từ tháng 11 đến nay, thời tiết mưa nhiều, đất ướt làm chậm tiến độ làm đất. Hiện toàn tỉnh đã cày được 48.350ha, chủ yếu ở Hải Hậu 9.600ha, Ý Yên 8.000ha, Nam Trực 6.700ha, Xuân Trường 5.040ha… Diện tích còn lại không thể làm được ải sẽ thực hiện bằng phương pháp làm dầm. Cùng với việc làm đất, các địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân tập trung thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng; cày bừa kỹ, tranh thủ thau rửa cho những diện tích nhiễm chua, mặn và phèn… Phấn đấu hoàn thành làm đất trước Tết Nguyên đán. Để bảo đảm đủ nước cho vụ xuân và thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, các địa phương và các Cty KTCTTL đã tập trung kiểm tra và đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi; mua sắm thêm máy bơm dã chiến. Đồng thời tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng để nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa, chủ động lấy nước sớm, khai thác hiệu quả 3 đợt xả nước hồ thủy điện. Đến ngày 19-1-2016, các Cty đã cùng các địa phương làm 278 đoạn đường ra đồng với tổng chiều dài 154,6km; nạo vét 49 cửa cống, 61 bể hút các trạm bơm, 31 kênh cấp I, 249 kênh cấp II, 8.590 kênh cấp III, đào đắp 3.838 kênh khoảnh và bờ vùng, kiên cố hóa 134 kênh các cấp với chiều dài 54,7km… với tổng khối lượng đào đắp trên 2,6 triệu m3, đạt 115% kế hoạch. Tất cả các công trình, máy móc, thiết bị cấp thiết đã xong và sẵn sàng vận hành hết công suất phục vụ tốt cho công tác phòng chống hạn và phương án tưới, tiêu linh hoạt. Trong thời gian tới, các Cty KTCTTL sẽ phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn bám sát diễn biến thời tiết, thủy văn, lịch xả nước và lịch gieo cấy của địa phương để khai thác đủ, kịp thời nguồn nước, phục vụ đổ ải, gieo cấy và chăm sóc lúa. Bên cạnh công tác phòng chống hạn, các địa phương cũng chủ động lập kế hoạch và hướng dẫn nông dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu (lạc, bí xanh, cà chua, dưa chuột, ngô…) hoặc trồng màu kết hợp với nuôi thủy sản để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho nông dân.
 
Cùng với công tác chuẩn bị giống, phân bón, làm đất, bảo đảm nguồn nước tưới… ngành Nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, cung cấp kịp thời những thông tin, kỹ thuật cần thiết về cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo cấy, quy trình thâm canh từng trà, từng giống... nhằm bảo đảm vụ xuân 2016 thắng lợi./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com