Giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng

04:04, 02/04/2021

Để nhấn mạnh sự phức tạp và ảnh hưởng của chứng tự kỷ tới cộng đồng, năm 2007, Liên hiệp quốc đã chọn ngày 2-4 là “Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ”. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta có khoảng 200 nghìn người, gồm cả trẻ em và người trưởng thành, mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Số trẻ tự kỷ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng, cứ 100 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị mắc chứng tự kỷ. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cùng với các trường học, trung tâm chuyên biệt chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, nhiều tổ chức, cá nhân tâm huyết đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng.

Các em mắc chứng tự kỷ tham gia chương trình thể thao thân thiện nhân Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ tổ chức ở Nam Định năm 2019
Các em mắc chứng tự kỷ tham gia chương trình thể thao thân thiện nhân Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ tổ chức ở Nam Định năm 2019.

Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy là trường chuyên biệt duy nhất nằm trong hệ thống giáo dục tiểu học của tỉnh có nhiệm vụ dạy văn hóa, kỹ năng sống, phục hồi chức năng và hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật. Hiện nay, trường đang tiếp nhận 125 học sinh thuộc nhiều dạng khuyết tật, trong đó có nhiều cháu mắc chứng tự kỷ và đa tật. Để chăm sóc, dạy dỗ các em, giáo viên phải có giáo án, phương pháp dạy riêng. Dự một tiết dạy học cho trẻ tự kỷ, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của giáo viên khi kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ, dạy trẻ phát âm. Giờ học của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc thật đặc biệt với tiếng trẻ ú ớ phát âm, tập đếm... trong đó có những học sinh mắc chứng tự kỷ. Cô Ngọc cho biết: Khi đến lớp, có cháu chậm nói, có cháu thì thu mình không giao tiếp với xung quanh, có cháu lại nói quá nhiều, liên tục chạy nhảy, vận động gây thương tích cho bản thân... Bằng kỹ năng, kiến thức chuyên môn cũng như lòng yêu mến trẻ, tinh thần trách nhiệm, giáo viên luôn nỗ lực để có thể đồng hành cùng các cháu trong những bước phát triển đầu tiên… Nhờ sự yêu thương và kiên trì dạy dỗ của các cô giáo, nhiều học sinh tự kỷ đã giảm dần triệu chứng và hoà nhập cộng đồng, tiêu biểu như em Lã Hoàng Minh Hiếu (lớp 3) ở huyện Ninh Khánh (Ninh Bình) được trường tiếp nhận từ năm 2017. Hoàn cảnh gia đình Hiếu khó khăn, một anh trai cũng bị khuyết tật vận động. Sau một thời gian được nhận vào trường, đến nay Hiếu đã biết đọc, viết thành thạo, hòa đồng với các bạn trong lớp. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Oanh cho biết: Để duy trì phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, trường đã tích cực tuyên truyền để cha mẹ học sinh kết hợp với nhà trường trong việc quản lý, can thiệp hành vi, phục hồi chức năng phù hợp với từng dạng tật, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Kết hợp các đoàn thể tổ chức xã hội, Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động trẻ khuyết tật trong độ tuổi đến trường. Chủ động phân loại dạng tật, đối tượng học sinh ngay từ đầu năm học, xây dựng kế hoạch cá nhân để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh theo từng thời điểm thích hợp. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ, các hoạt động vui chơi tập thể ngoại khóa giúp các em tự tin, hòa mình vào các hoạt động tập thể.

Ở thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi là địa chỉ tin cậy được nhiều phụ huynh ở các huyện: Nghĩa Hưng, Nam Trực và Trực Ninh có con mắc chứng tự kỷ gửi gắm. Hiện nay, cơ sở đang tiếp nhận 50 học sinh, trong đó có 30 cháu mắc chứng tự kỷ. Chị Nguyễn Thị Họa, thạc sĩ giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, hiện là chủ cơ sở cho biết: Nếu ở những lớp học bình thường, trung bình 1 lớp có từ 30 đến 35 học sinh, thì ở Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi, mỗi lớp chỉ có 7-10 cháu với hai cô giáo thường trực. Để đảm bảo cập nhật đầy đủ các phương pháp giáo dục mới nhất cho trẻ tự kỷ, chị Hoạ và các giáo viên tại cơ sở thường xuyên tham gia các đợt tập huấn chuyên môn theo từng chuyên đề điều trị tại Hà Nội, do các chuyên gia và giáo viên nước ngoài giảng dạy như: Trị liệu hoạt động, phương pháp ABA/VB (phân tích hành vi ứng dụng), Can thiệp rối loạn lời nói… Trong hơn 4 năm qua, đã có trên 300 trẻ đến học tại cơ sở, tỷ lệ đi học can thiệp là 65%, đã cho thấy số lượng trẻ mắc các khó khăn về rối loạn phát triển ngày càng nhiều. Tuy nhiên số liệu đó cũng chỉ ra rằng nhận thức của các bậc phụ huynh về chứng tự kỷ được nâng lên rõ rệt. Nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ ở thị trấn Đông Bình - Rạng Đông và các xã Phúc Thắng, Nam Điền, Nghĩa Hải, Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng)… vẫn kiên trì đưa con đi học với quãng đường 30-40km mỗi lượt để các con học tại Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi. Không phụ sự tin tưởng của các phụ huynh, Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi đã mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình khi chứng kiến các con có sự chuyển biến rõ rệt. Chị V.T.M, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) có con trai được phát hiện mắc chứng tự kỷ từ khi cháu được 2,5 tuổi. Sau khi các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận cháu bị bệnh về phát triển ngôn ngữ và tự kỷ, chị cho con theo học tại Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi. Đến nay con chị đã có thể biết dạ khi gọi hỏi, biết đặt câu hỏi, biết nhai khi ăn… Buổi sáng cháu đến học tại Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi, chiều về cháu đã đến Trường mầm non học hòa nhập và không còn nhiều khác biệt so với các bạn cùng trang lứa. Điều đáng mừng, thời gian qua cùng chung tay với Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh như: Doanh nghiệp vật liệu xây dựng Tươi Hoan ủng hộ các phần quà cho học sinh của cơ sở vào các dịp lễ, tết… Nhà xe An Khánh, nhà xe Ngọc Hải, nhà xe Tuấn Bình hỗ trợ học sinh học tại cơ sở đi học mỗi ngày mà không thu phí…

Một buổi học của cô và trò tại Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng)
Một buổi học của cô và trò tại Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).

Cùng với các Trung tâm, cơ sở chăm sóc, giáo dục chuyên biệt, nhiều cá nhân có trình độ về giáo dục đặc biệt đã dành tâm huyết của mình để mở các lớp hỗ trợ trẻ tự kỷ sớm hoà nhập cộng đồng. Cô giáo Đỗ Thị Hân, hiện đang dạy trẻ tự kỷ tại một lớp học trên đường Bến Ngự (thành phố Nam Định) đã có 7 năm kinh nghiệm dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Cô Hân chia sẻ: Nhiều phụ huynh khi cho con đến học muộn đã bỏ qua “giai đoạn vàng” để can thiệp tốt nhất, có gia đình “sốt ruột” sau một, hai tháng học tập can thiệp đã đòi hỏi phải có kết quả. Khi đó, các cô phải kiên trì để phụ huynh hiểu và kết hợp giáo dục các em hiệu quả. Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến, giảng viên bộ môn Tâm lý học Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đã dành gần 20 năm vượt qua mọi khó khăn, vất vả đồng hành cùng trẻ tự kỷ. Cô giáo Nguyễn Thị Yến đã giúp hàng trăm trẻ tự kỷ trong tỉnh và một số tỉnh ngoài với tỷ lệ trên 90% số trẻ cải thiện tình trạng bệnh, giúp nhiều gia đình giảm chi phí và công sức chăm sóc con cái mắc chứng bệnh chậm phát triển.

Ngày 25-2-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Mục đích của Kế hoạch nhằm tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng, tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho các đối tượng theo Quyết định số 1929/QĐ-TTg. Mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021-2025 là có 80% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; 100 trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội; 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; 40% gia đình có người tâm thần, gia đình có trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có nguy cao bị tâm thần được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng… Để thực hiện được các mục tiêu trên, trong kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp đồng bộ gồm: Trợ giúp về y tế, giáo dục, pháp lý, hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế và văn hóa, thể thao cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí. Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác trợ giúp xã hội, giáo dục và phục hồi chức năng. Truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí hệ thống trợ giúp xã hội; kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần; chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và đối tượng khác./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com