Tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em

07:08, 03/08/2020

Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ và tăng trưởng của con người. Thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng ở trẻ em. Hiện nay, nhiều trẻ em độ tuổi 6 tháng đến 12 tuổi thiếu vi chất dinh dưỡng như Vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Trẻ em trong giai đoạn phát triển nhanh không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến tầm vóc và trí tuệ. Những năm qua, ngành Y tế đã triển khai hiệu quả công tác dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em.

Giờ tập văn nghệ của các cháu Trường Mầm non Trực Khang (Trực Ninh).
Giờ tập văn nghệ của các cháu Trường Mầm non Trực Khang (Trực Ninh).

Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Nhu cầu về vi chất dinh dưỡng trong cơ thể người tuy ít nhưng khi trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng thì hậu quả rất nghiêm trọng”. Vitamin A đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giúp trẻ tăng chiều cao, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Vitamin A còn giúp trẻ kháng khuẩn, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Khi thiếu Vitamin A khiến trẻ chậm lớn, còi cọc dễ dẫn đến một số bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp; nếu thiếu nặng dẫn đến khô loét giác mạc, có thể mù lòa. Một số món ăn chứa nhiều Vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, rau xanh, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ… có nhiều Beta-Carotene - tiền chất Vitamin A). Tình trạng còi xương của trẻ em là do thiếu Canxi và Vitamin D. Canxi đóng vai trò rất quan trọng giúp cho xương khỏe mạnh. Nếu thiếu Vitamin D sẽ làm giảm hấp thu Canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động Canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Trẻ bị bệnh còi xương hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to, răng mọc chậm, lồng ngực dô, chậm biết ngồi, biết đi, biến dạng xương (chân vòng kiềng, chữ bát…). Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ. Một số loại thực phẩm nhiều Canxi: tôm, tép, cua, cá, sữa, phomai, rau dền, rau mồng tơi… Vitamin D có nhiều trong dầu cá, cá biển, gan , trứng gà… Các acid béo thiết yếu: Omega-3, 6, 9 giúp cho việc hình thành và phát triển các nơ-ron thần kinh, vận chuyển gluco - dưỡng chất chính giúp cho quá trình hoạt động của não, là tiền chất cần thiết cho sự phát triển thần kinh và thị lực, từ trẻ em đến người cao tuổi, đặc biệt là trong giai đoạn đang phát triển của trẻ nhỏ. Các acid béo này có nhiều trong dầu oliu, dầu vừng, dầu cá, rau lá xanh, tảo biển, bồ công anh, rau sam, các loại thực phẩm dạng hạt... Trẻ bị thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt: kém hoạt bát, thiếu tập trung hay buồn ngủ. Khi bị thiếu máu nặng, trẻ hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn. Nếu trẻ bị thiếu i-ốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, học kém; nếu thiếu nặng có thể bị đần độn. Các thực phẩm có nhiều i-ốt là các loại cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo… Thiếu kẽm dẫn đến trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thực phẩm có nhiều kẽm: lòng đỏ trứng gà, sò, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương (đậu nành)…

Bác sĩ Hà Mạnh Hùng cho biết thêm: Việc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là việc cần thiết cho mọi người, nhất là ở trẻ em. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ nên chủ động và an toàn thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung Vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn. Bữa ăn cần phải đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thức ăn và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm). Nhằm cải thiện dinh dưỡng, nhất là tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, những năm qua, ngành Y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp: Ðẩy mạnh hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; triển khai chương trình uống Vitamin A liều cao cho trẻ em từ 6-36 tháng tuổi, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng vào các ngày 1 và 2-6, ngày 1 và 2-12 hàng năm. Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tập trung tuyên truyền về công tác dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về dinh dưỡng hợp lý tại các địa phương; tư vấn, khám, điều trị cho trẻ em bị các bệnh như còi xương, thiếu máu, táo bón, biếng ăn, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp. Tại tuyến huyện, các Trung tâm Y tế phối hợp với Ðài phát thanh tuyên truyền về nội dung chăm sóc sức khỏe, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em... Triển khai góc tư vấn dinh dưỡng tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản của Trung tâm Y tế huyện. tổ chức nói chuyện chuyên đề lồng ghép trong các cuộc hội họp của các đoàn thể, cộng đồng dân cư về dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; chăm sóc phụ nữ có thai. Tại các xã, thị trấn, hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe dinh dưỡng được triển khai đến từng đối tượng thông qua nhiều hình thức cụ thể, trực quan dễ tiếp nhận như: Thực hành trình diễn nấu ăn cho bà mẹ có thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi, bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng, thảo luận nhóm, tư vấn dinh dưỡng và phát tờ rơi tuyên truyền cho các gia đình có con dưới 5 tuổi. Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng thường xuyên tiếp cận tư vấn cho các gia đình có con dưới 2 tuổi, con bị suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai về cho bú đúng cách, “tô màu” bát bột (nấu ăn đủ chất, đa dạng cho trẻ); ăn uống đủ chất cho phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có của địa phương. Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi dinh dưỡng của người chăm sóc trẻ. Ngành Y tế thường xuyên củng cố, kiện toàn mạng lưới cán bộ làm công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống suy dinh dưỡng từ tỉnh, các huyện, thành phố đến các thôn, xóm. Tuyến huyện có cán bộ chuyên trách dinh dưỡng; mỗi xã, thị trấn có 1 cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và mỗi thôn, xóm, tổ dân phố đều có cộng tác viên dinh dưỡng. Ðội ngũ cán bộ, cộng tác viên dinh dưỡng được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cập nhật kiến thức thường xuyên. Hàng tháng, trạm y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức khám và tư vấn dinh dưỡng; nâng cao chất lượng chăm sóc phụ nữ có thai, đảm bảo 100% phụ nữ có thai được quản lý sớm, khám thai dưới 3 lần trong 3 thai kỳ, tiêm phòng uốn ván đủ liều, uống 1 viên sắt Folic mỗi ngày. Các trạm y tế hướng dẫn phụ nữ mang thai ăn uống hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng, chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ. 100% trẻ mới sinh được cân, đo trong vòng 12 giờ đầu sau sinh; trên 90% trẻ được bú sữa mẹ ngay từ 30 phút đầu sau sinh; khuyến khích bà mẹ cho trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, duy trì bú mẹ đến 24 tháng. Duy trì và nâng cao chất lượng theo dõi, quản lý, giám sát các hoạt động ở cơ sở như cân, đo, chấm biểu đồ tăng trưởng cho 100% trẻ em dưới 24 tháng tuổi vào ngày 25 hàng tháng để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ít nhất 1 lần/3 tháng; cân, đo, chấm biểu đồ cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi hàng tháng để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. 100% trẻ trong diện tiêm phòng đều được tiêm phòng, uống Vitamin A đúng lịch. Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý báo cáo thực hành kỹ thuật cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; phòng, chống thấp, còi, nhẹ cân, béo phì; tư vấn về điều trị bệnh liên quan đến dinh dưỡng… cho cán bộ y tế chuyên trách về dinh dưỡng của 10 huyện, thành phố và 226 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Cung cấp sổ tay chuyên trách, sổ cộng tác viên dinh dưỡng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dinh dưỡng. Có 99.804 trẻ 6-36 tháng tuổi được uống Vitamin A, đạt 98,7%; 17.178 bà mẹ sau sinh một tháng được uống Vitamin A, đạt 98,5%; 21.523 trẻ ốm, có nguy cơ cao được uống Vitamin A. 100% trẻ từ 0-59 tháng tuổi được cân đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 10,5%.

Năm 2020, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống 10,3%, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com