Đúc đồng Ý Yên - Thương hiệu bền vững

05:01, 29/01/2021

Năm nay các doanh nghiệp, người làm nghề đúc huyện Ý Yên đón Tết Nguyên đán với tâm thế rộn ràng hơn hẳn khi làng nghề có 2 nghệ nhân là Dương Bá Dũng, Vũ Duy Điệp (thị trấn Lâm) được Bộ Công Thương trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cấp Nhà nước trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ vào tháng 12-2020.

Nghệ nhân Vũ Duy Điệp, làng nghề đúc Vạn Điểm, thị trấn Lâm kiểm tra chất lượng sản phẩm đúc tượng của cơ sở.
Nghệ nhân Vũ Duy Điệp, làng nghề đúc Vạn Điểm, thị trấn Lâm kiểm tra chất lượng sản phẩm đúc tượng của cơ sở.

Chia sẻ của hai Nghệ nhân Ưu tú Dương Bá Dũng (Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bá Dũng) và Vũ Duy Điệp cho thấy: Điều giúp các ông vượt qua mọi khó khăn, vất vả suốt chặng đường làm nghề cho đến khi được vinh danh nghệ nhân phải kể đến những giá trị, gốc rễ, cội nguồn của làng nghề cũng như sự tương tác, hỗ trợ của các đồng nghiệp trong làng nghề. Các ông may mắn sinh sống trong làng nghề đúc đồng Vạn Điểm, thị trấn Lâm, ngày ngày được gắn bó với các công việc của làng nghề nên có điều kiện thẩm thấu trình độ, kỹ năng làm nghề của các bậc cha anh, các truyền nhân đi trước, từ đó tích lũy cho mình các phương pháp làm nghề truyền thống. Với nghệ nhân Vũ Duy Điệp, do chuyên sản xuất các sản phẩm lĩnh vực tượng, đồ thờ đòi hỏi phải thể hiện đúng thần thái của nhân vật nên điểm riêng khác cơ sở sản xuất của ông thường chú trọng là khai thác, phát huy tối đa các giá trị, kỹ xảo làm nghề truyền thống. Để nâng cao tính thẩm mỹ cho các sản phẩm đúc, nghệ nhân Vũ Duy Điệp mạnh dạn học hỏi và cộng tác với các họa sĩ, nhà điêu khắc để sản xuất những sản phẩm đẹp về mẫu mã và kiểu dáng. Bên cạnh đó, nghệ nhân Vũ Duy Điệp còn tập hợp được đội ngũ thợ lành nghề, nhiều người đã trở thành nghệ nhân với danh hiệu “Bàn tay vàng”. Ngoài ra, còn tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công nhân có bằng trung cấp, đại học để đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo sự tinh xảo của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước. Nghệ nhân Điệp cùng cộng sự đã chinh phục thành công công nghệ đúc tượng liền khối với tượng có chiều cao từ 7m đến trên 10m mà chỉ có 1 khuôn, 1 lần đúc; đây đang là công nghệ đúc khó, kể cả với các nước có công nghệ đúc phát triển trên thế giới. Trong hành trình miệt mài nghiên cứu và sáng tạo, nghệ nhân Vũ Duy Điệp đã có nhiều công trình, tác phẩm tạo tiếng vang cho thương hiệu, uy tín của mình như: Tượng đài công nhân mỏ ở Quảng Ninh; 3 pho tượng lớn tại Việt Trì (Phú Thọ); đúc phù điêu cho Nhà hát Múa rối Trung ương; tượng Nguyên phi Ỷ Lan ở Gia Lâm (Hà Nội)... Tiêu biểu hơn cả, là năm 2012 đã đúc thành công Tượng Phật Thích Ca cao 15m, nặng 150 tấn, được xem là đại tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Trung tâm Phật giáo Thiên Trường (thành phố Nam Định); năm 2017 đã đúc Tượng Trần Hưng Đạo, tượng Ngô Quyền và tượng Vua Lê Đại Hành cao 8m, nặng 85 tấn đặt tại Hải Phòng. Trước khi được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cấp Nhà nước trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nghệ nhân Vũ Duy Điệp cũng đã được phong tặng nhiều danh hiệu và được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các bộ, ngành, địa phương.

Danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cấp Nhà nước trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, ngoài các tiêu chí đòi hỏi đối với cá nhân được trao tặng danh hiệu (có nhiều cống hiến, tâm huyết, tận tụy với nghề; có kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt...) sẽ chỉ trao tặng khi được đáp ứng thêm các tiêu chí mang tính tương tác với đồng nghiệp, lưu giữ, phát huy giá trị truyền thống của cả cộng đồng. Cụ thể là, nghệ nhân phải làm ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống; tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của các địa phương; đại diện cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo, độc đáo. Sự vinh danh hai Nghệ nhân Ưu tú cũng đồng nghĩa với việc giúp danh tiếng, thương hiệu của nghề đúc đồng Ý Yên vươn xa, vươn xa hơn. Cơ hội được nhiều khách hàng trong và ngoài nước chú ý, tiếp cận và ký kết các đơn hàng mới cũng sẽ tiếp tục mở ra đối với các làng nghề đúc đồng huyện Ý Yên.

Bên cạnh danh tiếng được nâng tầm, có cơ hội vươn xa, năm nay các làng nghề đúc đồng huyện Ý Yên còn phấn khởi bởi có nhiều doanh nghiệp tích cực đầu tư công nghệ mới và tăng cường hợp tác, liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như Công ty TNHH Toàn Thắng, làng nghề đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm, chuyên sản xuất các chi tiết đúc phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao như khai thác than, khoáng sản đơn vị đầu tiên của Việt Nam đã đầu tư máy quang phổ Hitachi sử dụng nguồn huỳnh quang để phân tích kim loại với tổng vốn 1,4 tỷ đồng. Thiết bị này được đánh giá là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á phục vụ công tác phân tích, đánh giá chất lượng kim loại. Với thiết bị hiện đại này, Công ty TNHH Toàn Thắng không chỉ hoàn toàn chủ động mà còn có điều kiện để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bạn trong việc phân tích các nguyên liệu chứa nhiều nguyên tố chất lượng cao (như đất hiếm) để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, trong điều kiện đối tác ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Công ty được các tổ chức đăng kiểm DNV của Na Uy, GL của Đức, RINA của Italia, NK của Nhật, VR của Việt Nam chứng nhận là “Nhà máy đúc các sản phẩm thép đạt tiêu chuẩn” theo quy phạm của tiêu chuẩn các đăng kiểm. Đặc biệt sản phẩm của Công ty đã đáp ứng tốt yêu cầu, đón nhận được sự tín nhiệm, hài lòng của khách hàng và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng Nguyễn Văn Sơn cho biết, cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị, công nghệ hiện đại mới thì việc khai thác các giá trị truyền thống của làng nghề đã giúp Công ty cũng như rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở làm nghề đúc đồng Ý Yên không ngừng phát triển lớn mạnh, có thể trụ vững trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 như năm nay. Cũng theo anh Sơn, thời gian tới, anh và các doanh nghiệp trong làng nghề sẽ duy trì phương thức hợp tác làm chung đơn hàng để tiếp tục có cơ hội chia sẻ, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật làm nghề và cùng tạo khối liên kết lớn mạnh, thuận lợi trong thực hiện các đơn hàng lớn, giúp gìn giữ bảo vệ và khuếch đại  danh tiếng, thương hiệu nghề đúc Ý Yên./.

Bài và ảnh: Thúy Vy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com