Bất cập trong mua sắm trực tuyến

07:04, 22/04/2020

Những ngày qua, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của UBND tỉnh về giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, người dân đã giảm mua sắm trực tiếp mà chuyển sang mua hàng online. Mặc dù rất nhiều tiện ích, song trên thực tế hoạt động mua bán hàng online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán.

Nhân viên Công ty VNPT Nam Định hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ internet trên thiết bị di động.
Nhân viên Công ty VNPT Nam Định hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ internet trên thiết bị di động.

Theo ước tính của ngành chức năng, đến thời điểm hiện tại lượng tài khoản bán hàng qua mạng tăng đột biến và khó có thể thống kê chính xác số lượng. Việc kinh doanh đã trở nên dễ dàng đối với nhiều người bởi người bán không phải mất chi phí mở cửa hàng cũng không cần bỏ vốn nhập hàng trước… Với người tiêu dùng, dịch vụ mua hàng trực tuyến là lựa chọn tối ưu để tiết kiệm thời gian mua sắm. Ngoài các kênh mua bán hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada…, thị trường mua bán online trên địa bàn tỉnh còn có sự góp mặt của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đa phần các dịch vụ ăn uống. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, hầu hết các siêu thị, cửa hàng đã tăng cường các hình thức tiếp thị, quảng cáo thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo). Đại diện Siêu thị Co.op Mart cho biết, để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa trong mùa dịch mà không cần trực tiếp đến siêu thị, đơn vị đã tăng cường khai thác kênh bán hàng online. Ngoài việc thông tin rộng rãi về chương trình mua bán online, được sự đồng thuận, ủng hộ, siêu thị còn tận dụng trang thông tin cá nhân của các nhân viên phụ trách quầy hàng để quảng cáo, bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích, mặt trái của mua hàng online cũng không ít, bởi nhiều chủ hàng đã lợi dụng việc người tiêu dùng không thể tiếp cận, đánh giá sản phẩm trước khi mua nên đã nhập nhèm chất lượng hàng hóa và phương thức tính số lượng, giá trị sản phẩm… Chị Trần Thị Hằng, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) cho biết: từ ngày dịch bệnh bùng phát, tôi chuyển sang mua sắm trực tuyến tại các siêu thị, chợ dân sinh. Ưu điểm là không mất thời gian mua sắm, sản phẩm đa dạng nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều hạn chế. Ví như chi phí mỗi lần mua sắm tại siêu thị thì hóa đơn bị đội lên 10% giá trị đơn hàng do siêu thị in hóa đơn và tính thuế giá trị gia tăng. So với việc đi chợ truyền thống, mỗi ngày bị tốn thêm trên 20 nghìn đồng thì đó là điều đáng cân nhắc trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Hơn nữa để được miễn phí tiền ship hàng tôi cứ phải mua thêm nhiều thứ linh tinh dù không quá cần thiết cũng là một nguyên nhân gây lãng phí. Thêm vào đó siêu thị luôn có “cớ” để bán quá số lượng người mua hàng đặt. Đơn hàng tôi đặt mua 5kg quả bơ với giá 38 nghìn đồng/kg nhưng khi nhận hàng thì không phải 5kg mà là gần 7kg, được chia thành 3 túi nhỏ với hóa đơn in sẵn. Thắc mắc với người giao hàng thì nhân viên nói không biết việc đặt hàng, chỉ có nhiệm vụ giao hàng. Sự việc này không chỉ riêng chị Hằng mà rất nhiều người tiêu dùng gặp phải. Nhóm hàng thường bị cân vượt trội là rau xanh, hoa quả, thực phẩm tươi sống… khiến người tiêu dùng không thoải mái do lượng thực phẩm phải mua quá dự kiến vừa tốn kém lại lãng phí do không sử dụng hết. Đó là chưa kể tới chất lượng hàng hóa không được 100% như hình ảnh quảng cáo… Những tồn tại này khiến người tiêu dùng thực sự không hài lòng với việc mua bán trực tuyến nếu các đơn vị sử dụng dịch vụ không thay đổi cách phục vụ khách hàng. Đối với nhóm hàng ăn, ngoài việc định lượng cho một suất ăn đặt hàng qua hình thức trực tuyến thường ít hơn suất ăn cùng loại tại quán thì việc bảo quản, vận chuyển không đảm bảo và chưa chuyên nghiệp khiến sản phẩm đến tay người tiêu dùng kém thẩm mỹ. Bà Lê Thị Hương, bán hàng ăn tại khu đô thị Hòa Vượng, thành phố Nam Định cho biết: là người bán hàng nhưng tôi chưa thực sự yên tâm với việc bán hàng online bởi cách phục vụ chưa chuyên nghiệp. Theo suy nghĩ của tôi, một bát phở được chế biến rất ngon, khi bán online, mang đến tận nhà cho khách hàng phải có dụng cụ để riêng bánh phở, nước dùng và các gia vị đi kèm, sản phẩm đến tay khách hàng vẫn đảm bảo chất lượng. Nhưng làm được như thế thì chi phí phát sinh của nhà hàng rất cao, lại mất thêm nhân công đi thu gom hộp đựng và các khâu vệ sinh sau đó. Nghĩ được nhưng không làm được… vậy là quán ăn của tôi cũng như các quán hàng khác đều bỏ chung bánh phở, nước dùng, gia vị vào túi nilon hay hộp nhựa… trông nhếch nhác lại không an toàn thực phẩm; cộng thêm thời gian di chuyển mang đến cho khách hàng, món ăn đã không còn ngon nữa. Hay như việc bán đồ uống online, nhiều nhà hàng chuẩn bị kỹ lưỡng đồ uống cho khách nhưng lại sơ suất khâu giữ nhiệt hay bảo quản lạnh khiến cho ly nước đến tay người tiêu dùng đã kém chất lượng đi mấy phần. Đó là chưa kể đến việc nhà hàng cố tình đánh tráo chất lượng sản phẩm, lừa dối khách hàng. Nhiều người bán hàng trực tuyến “cam đoan sản phẩm đúng như hình”, “bao đổi, trả, hoàn tiền nếu sản phẩm không đúng chất lượng” nhưng mấy ai khi đã nhận hàng mà đổi trả được bởi nhiều chủ hàng không hợp tác, thời gian đổi, trả kéo dài mà chưa chắc chất lượng hàng hóa được như ý muốn. Chị Trần Hồng Hạnh, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) đặt mua 9 cái áo len cho trẻ em qua tài khoản facebook nhưng khi nhận hàng lại là 3 bộ quần áo ở nhà của người lớn, khác hoàn toàn với đơn đặt hàng. Cứ ngỡ nhà hàng nhầm đơn, chị vội vã thông tin lại, chủ hàng hứa hẹn đổi trả rồi lặng lẽ chặn kết nối. Vậy là tiền mất, tật mang, lại rước bực dọc vào người. Điều này cho thấy việc quản lý chất lượng hàng hóa của các địa chỉ bán hàng qua facebook, Zalo, và một số trang web đang bị bỏ ngỏ. Về vấn đề này, Sở Công Thương cho biết đã chủ động quản lý những trang thương mại điện tử có đăng ký; cập nhật thông tin trên Website của Sở những cảnh báo lừa đảo thông qua hình thức thương mại điện tử trong các giao dịch thương mại trong nước và quốc tế; công khai địa chỉ những trang web có nhiều sai phạm về chất lượng hàng hóa. Ngành Thuế đưa ra thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với loại hình kinh doanh online. Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã thực hiện chuyên đề chống gian lận thương mại điện tử; tổ chức rà soát, kiểm tra và tổng hợp, xử lý thông tin phản ánh của người tiêu dùng về những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh này. Trong những tháng đầu năm 2020, qua nguồn tin báo, lực lượng đã xử lý vi phạm quy định về bán hàng không rõ xuất xứ tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm online trên đường Điện Biên (thành phố Nam Định) và một số vụ việc  khác. Tuy nhiên kết quả này chưa tương xứng với thực tế những vi phạm về thương mại điện tử đang diễn biến phức tạp. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Nguyên nhân do hiện nay công tác kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên các trang thông tin điện tử đang gặp nhiều trở ngại. Trong đó, mấu chốt là hầu hết các giao dịch, thanh toán trên mạng đều khó kiểm soát do không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không nắm được doanh thu thực sự của người bán. Hoạt động mua bán hàng hóa trên mạng diễn ra trên toàn quốc. Những tài khoản bán hàng qua mạng nhiều khi không có kho hàng mà chỉ có mối hàng, sau đó họ đăng quảng cáo sản phẩm, khi có người mua thì liên hệ trực tiếp mối hàng chuyển cho khách. Hình thức nhận hàng - trả tiền mặt thông qua các dịch vụ chuyển phát, gửi hàng thay vì trả qua tài khoản ngân hàng nên lực lượng chức năng khó kiểm soát. Hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý nếu là hàng giả, hàng nhái càng trở nên khó khăn.

Bản chất của bán hàng online là phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại công nghệ số hiện nay. Do đó người bán hàng cần có thêm kỹ năng bán hàng online để tiếp cận khách hàng cũng như việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển để đảm bảo chất lượng, hình thức sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để tránh rủi ro khi mua hàng online, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế... Ngoài ra, khi mua hàng online, người tiêu dùng cần cảnh giác trước những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn. Trong trường hợp người tiêu dùng gặp các phiền toái về chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến cần phản ảnh đến các cơ quan chức năng như: Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ giải quyết./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com