Bình ổn thị trường hàng tiêu dùng trước tác động của dịch bệnh COVID-19

08:03, 24/03/2020

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và do có nhiều nguồn thông tin không chính thống tác động dẫn đến tình trạng người dân đổ xô mua hàng hóa tích trữ, tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh và một số hàng thiết yếu thực phẩm đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn dẫn đến tình trạng thị trường khan hiếm cục bộ, tạo cơ hội cho các gian thương lợi dụng bán hàng kém chất lượng, trục lợi bất chính. Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở Công Thương, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Người tiêu dùng nghiêm túc tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng bệnh khi mua sắm tại siêu thị Co.opmart (thành phố Nam Định).
Người tiêu dùng nghiêm túc tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng bệnh khi mua sắm tại siêu thị Co.opmart (thành phố Nam Định).

Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố quản lý tốt các cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, tăng cường kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn các biểu hiện gian lận thương mại diễn ra trên địa bàn. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, khai thác nguồn hàng lương thực, thực phẩm sẵn có của địa phương, tăng lượng hàng hoá cung ứng ra thị trường; chủ động tính toán, khắc phục khó khăn cân đối nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đồng thời yêu cầu các đơn vị bán lẻ cam kết không đầu cơ tích trữ, găm hàng, tăng giá các chủng loại hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình cũng như hệ thống các nhà cung cấp trên toàn quốc, góp phần bình ổn thị trường trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19. Đa dạng các hình thức bán hàng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân mua được hàng, tránh tập trung đông người, thường xuyên khử trùng quầy, kệ, gian hàng, đo nhiệt độ và phát khẩu trang cho khách hàng khi tham gia mua sắm. Các đơn vị đầu mối cần bám sát thị trường, kịp thời báo cáo ngành chức năng về diễn biến thị trường, có thông tin để người dân yên tâm mua sắm. Cùng với ngành chức năng, các siêu thị, hệ thống các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh như BigC, Co.opmart, Vinmart… đã nhanh chóng có phương pháp ứng phó, đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng cho người dân. Do vậy, thị trường giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm ổn định. Trong đó hệ thống các siêu thị ở thành phố Nam Định và các huyện như: Big C Nam Định, Micom Plaza, Co.opmart, Lanchi Mart, Country Mart, chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart, Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch Nam Định… đã chủ động tính toán nhu cầu thị trường cân đối nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; điều chuyển hàng hóa trong hệ thống để ứng phó trước những đột biến đối với một số mặt hàng như gạo, mỳ tôm, rau, củ quả, dầu thực vật, thực phẩm tươi sống… Hiện các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ tôm, bún, bánh, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với trước đây, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Tại các chợ truyền thống và các cửa hàng bán lẻ mặt hàng lương thực, thực phẩm trong toàn tỉnh vẫn được cung ứng thường xuyên với nguồn hàng dồi dào, phong phú với giá cả ổn định đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân tại địa phương và các vùng lân cận. Theo Sở Công Thương tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, lượng hàng hóa mà các cơ sở sẵn sàng cung ứng ra thị trường bao gồm: 1.000 tấn gạo các loại, 10 nghìn thùng mỳ tôm, 15 tấn bánh mỳ, lương khô các loại, 500 tấn dầu ăn, 50 tấn thủy hải sản, hàng nghìn tấn thịt lợn và rau củ quả các loại… đảm bảo nguồn cung ứng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Trong đó, siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; siêu thị Co.opmart đã tăng 50-100% lượng hàng cung ứng; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 50-200% lượng hàng cung ứng cho thị trường… 

Theo đánh giá của Sở Công Thương, các doanh nghiệp đang thực hiện tốt công tác chuẩn bị và dự trữ hàng hóa thiết yếu theo đúng kế hoạch của tỉnh để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 kể cả trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, các doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong khoảng thời gian dài (từ 3 đến 6 tháng)… Để tiếp tục bình ổn thị trường trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Công Thương chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch để làm căn cứ xây dựng kịch bản và phương án tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa chủ lực trên địa bàn khi gặp khó khăn trong xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Đề nghị UBND các huyện, thành phố đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng tiêu dùng trên địa bàn chủ động và tăng khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu người dân không để thiếu hàng, bán hàng đúng giá niêm yết; xây dựng kịch bản và các phương án ứng phó với dịch bệnh và kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi người tiêu dùng. Chủ động nắm thông tin về những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, những thiệt hại, khó khăn, vướng mắc, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ. Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội để tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Làm tốt công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng về việc phòng, chống dịch bệnh như: Chuẩn bị bút có nắp đậy để nhấn nút thang máy thay cho sử dụng trực tiếp bằng tay; mua sắm nhanh chóng; xếp hàng chờ thanh toán đứng cách người trước 1m; trước khi vào nhà, nên khử trùng đế giày bằng cồn hoặc để giày bên ngoài; nấu chín kĩ trước khi ăn…; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải thông tin về hoạt động cung ứng các mặt hàng thiết yếu, giá cả thị trường ổn định để người dân yên tâm, không hoang mang tích trữ hàng hóa, bình ổn thị trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com