Sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn - Cơ hội của doanh nghiệp, quyền của người tiêu dùng

06:04, 01/04/2017

Có lẽ, chưa bao giờ người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin như hiện nay khi nhìn đâu cũng thấy hàng hóa nông sản, thực phẩm bẩn: thịt có chất tạo nạc, thủy sản có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng, cá biển ướp urê để đảm bảo độ tươi, rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt giới hạn cho phép, trái cây “tắm” trong hóa chất độc hại… Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời chuẩn bị tâm thế cho hội nhập, với sự hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp, hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho nông sản, thực phẩm an toàn.

Dự án trồng rau công nghệ cao của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Dự án trồng rau công nghệ cao của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh,
xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng nguồn thực phẩm, rau quả tươi sạch bổ dưỡng an toàn, từ tháng 10-2016, Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) đã triển khai dự án trồng rau công nghệ cao với tổng diện tích 4ha. Trong đó có 1ha nhà màng theo công nghệ Thái Lan và áp dụng công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước của Ít-xra-en. Đến nay bước đầu đã cho thu hoạch với sản lượng 8 tấn/vụ, chủ yếu là các loại rau ăn lá: 7 loại xà lách châu Âu, dưa lưới, cà chua… Toàn bộ sản phẩm được ký hợp đồng cung cấp cho chuỗi siêu thị Đức Thành và chuỗi nhà hàng Thành Nam tại Hà Nội với giá: xà lách thủy canh 30 nghìn đồng/kg, các loại rau ăn lá, ăn quả khác 24 nghìn đồng/kg; cao gấp 4-5 lần so với rau sản xuất đại trà. Ông Lâm Văn Lưu, Giám đốc Cty cho biết: Trong năm 2017, Cty hoàn thiện xây dựng nhà màng với tổng diện tích 2ha và tổ chức sản xuất 2ha rau hữu cơ ngoài trời. Kế hoạch đến năm 2019, Cty sẽ có 15ha sản xuất rau công nghệ cao bằng các phương pháp thủy canh, hữu cơ trong nhà màng; sản xuất rau sạch, rau hữu cơ ngoài trời theo công nghệ tiên tiến: VietGAP, GlobalGAP… phục vụ cho các phân khúc khách hàng khác nhau nhưng đảm bảo tiêu chí chung là sạch và an toàn cho người sử dụng. Cty mong muốn dự án sẽ mang lại những tác động xã hội tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, giảm các tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất nông nghiệp tới môi trường. Cơ sở chăn nuôi Thục Hiền của gia đình ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) là một trong những mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo chuỗi. Mô hình với quy mô 500 con lợn được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam hỗ trợ thiết kế xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn VietGAHP; được Cục Thú y cung cấp con giống, hỗ trợ công thức phối trộn thức ăn cám gạo giàu dinh dưỡng với chế phẩm sinh học EM và thiết kế hệ thống xử lý nước thải bi-ô-ga. Lợn được nuôi dưỡng và chăm sóc trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, hay các sản phẩm biến đổi gen. Ông Thục cho biết: Việc sử dụng chế phẩm sinh học EM bổ sung vào khẩu phần ăn của lợn giúp làm tăng quá trình phân giải hiếu khí, hạn chế quá trình phân giải yếm khí sinh ra các khí gây mùi hôi cho chuồng nuôi, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của lợn, ức chế nhóm vi sinh vật ngoại sinh phát triển, cộng với việc sử dụng hầm bi-ô-ga làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Phương pháp này không chỉ giúp lợn lớn nhanh với chất lượng thịt tốt giúp ông xây dựng một thương hiệu “lợn sạch”. Thành công của mô hình đã là một gợi ý hữu hiệu cho người chăn nuôi với các ưu điểm giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập, cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Cùng với xu hướng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn thì các chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch cũng phát triển ngày càng nhanh và mạnh. Cửa hàng thực phẩm sạch Linh Chi (TP Nam Định) là một trong số những địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch được Sở NN và PTNT cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh. Nguồn thực phẩm ở cửa hàng đều được giám sát và kiểm định về chất lượng theo quy định của VietGAP. Mặc dù so với giá ngoài chợ thì giá của những thực phẩm này cao hơn nhưng để có được những sản phẩm đảm bảo an toàn, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả.

Những năm qua, người tiêu dùng trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung đã quen dần với những thương hiệu nông sản, thực phẩm bảo đảm ATVSTP của Nam Định như: gạo sạch Toản Xuân; nấm linh chi của HTX tiểu thủ công nghiệp Linh Phát xã Hải Chính (Hải Hậu); su hào, cà rốt, củ cải sấy khô (Hải Hậu); ngô, khoai tây, khoai lang, chuối, mít sấy khô của Cty TNHH Minh Dương; giò 7 phút Nam Phát; cá nướng, bề bề rang muối, cáy mật Dũng Oanh (Nam Trực); sứa Tân Long; cá bống bớp Nghĩa Hưng… Để cung cấp ra thị trường nguồn nông sản, thực phẩm an toàn, Sở NN và PTNT tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về VSATTP nông, lâm, thủy sản. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát ATTP rau, quả, thịt, thủy sản. Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” tại các vùng trồng rau, củ, quả; đồng thời phổ biến, hướng dẫn các hộ nông dân, cơ sở sản xuất ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến trong trồng trọt để sản phẩm đạt chất lượng cao đảm bảo yêu cầu VSATTP. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị trong ngành thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thức ăn chăn nuôi, chất kích thích tăng trưởng, thuốc thú y và chất cấm; tăng cường giám sát và phát hiện sớm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có những biện pháp phòng, chống và xử lý kịp thời. Thanh tra Sở NN và PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp như: giống thủy sản, thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi thủy sản; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản, rau, củ, quả… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm chất lượng hàng hóa không đảm bảo VSATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh; giám sát ATTP trong sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, thịt, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản trên cơ sở phân loại nguy cơ để lấy mẫu phân tích, truy xuất nguồn gốc, trao đổi thông tin, phối hợp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Với nỗ lực của ngành Nông nghiệp, bà con nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hiện trên địa bàn tỉnh có một số mô hình sản xuất nông sản, thực phẩm bảo đảm VSATTP như: mô hình sản xuất gạo sạch của Cty TNHH Toản Xuân; mô hình trồng rau an toàn tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc, Hải Hậu…; mô hình chăn nuôi VietGAHP ở các huyện Vụ Bản, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu; nuôi tôm theo quy phạm thực hành nuôi tốt tại các xã có vùng nuôi tôm thâm canh của các huyện Giao Thủy và Hải Hậu… Qua đó, thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu ATVSTP cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Mặc dù theo thống kê của ngành Nông nghiệp, số doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, nhưng với những nỗ lực, cố gắng đưa nông sản, thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng trong thời gian qua từng bước cải thiện tình trạng mất ATVSTP cũng như lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Hy vọng trong tương lai không xa, Nam Định sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com