Doanh nghiệp dệt may chủ động tham gia các khâu sản xuất trong chuỗi giá trị

08:03, 28/03/2017

Theo báo cáo của Sở Công thương, trong năm 2016, các doanh nghiệp dệt may tỉnh ta đã sản xuất được 61.129 tấn sợi các loại, tăng 6,8%; gần 82,8 triệu m2 vải các loại, tăng 9,4%; gia công được gần 181,9 triệu sản phẩm trang phục các loại, tăng 12% so với năm trước. Nhờ đó, trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may của tỉnh ta đã đạt 891 triệu USD, tăng trưởng 20,5%. Đóng góp đến trên 80% vào kim ngạch xuất khẩu, là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh nhưng trong năm qua ngành dệt may tỉnh ta đã phải chi đến 628,3 triệu USD nhập khẩu nguyên phụ liệu và 50 triệu USD bông, xơ, sợi dệt. Các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh còn nhiều khó khăn như: chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; công nghệ sản xuất ở mức trung bình và lạc hậu, sản phẩm ngành dệt chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành may xuất khẩu; chưa xây dựng được đội ngũ thiết kế đủ lực sáng tạo được mẫu mã mới; chưa thật quan tâm thương hiệu hàng hoá… nên hiệu quả giá trị sản xuất và giá trị gia tăng thấp.

Sản xuất các loại nguyên liệu đầu vào ngành dệt may tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.
Sản xuất các loại nguyên liệu đầu vào ngành dệt may
tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.

Chuỗi giá trị sản phẩm ngành dệt may bao gồm các hoạt động: thiết kế mẫu mã, sản xuất (gia công sản phẩm), marketing, phân phối và dịch vụ hậu mãi (dịch vụ sau khi hàng bán đến tay người tiêu dùng cuối cùng); trong đó khâu gia công đơn thuần (CMT) là khâu ít lợi nhuận nhất (chỉ chiếm 5-7% giá trị sản phẩm). Trước tình trạng đó, từ nhiều năm nay, ngành chức năng và các doanh nghiệp dệt, may trong tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp nâng cao giá trị các công đoạn sản xuất và phát triển ngành nghề theo hướng hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh đã tích cực đầu tư kinh phí đổi mới công nghệ sản xuất; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu để có thể tăng khả năng ký kết các loại hợp đồng theo phương thức FOB I và FOB II (mua nguyên liệu, bán thành phẩm theo khách hàng chỉ định hoặc tự khai thác); ODM (sản phẩm bao gồm cả thiết kế); OBM (sản xuất và tiếp thị bán hàng trực tiếp tại các trung tâm thương mại nước ngoài). Trong đó, một số doanh nghiệp lớn của tỉnh như các đơn vị: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định; Cty CP Dệt may Sơn Nam; Cty CP Dệt lụa Nam Định; Cty CP Thúy Đạt... đã đầu tư dây chuyền, thiết bị để sản xuất thành công nhiều loại nguyên liệu sợi khác nhau. Đồng chí Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng Cty CP Dệt may Nam Định cho biết: Trong những năm qua, Tổng Cty đã tự chủ được nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành dệt may, đặc biệt là các khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Năm 2016, Tổng Cty đã sản xuất được 6.403 tấn sợi các loại; trên 24,5 triệu m2 vải dệt thoi quy đổi. Nhờ chủ động được khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào, các đơn vị thành viên của Tổng Cty đã sản xuất được trên 2,4 triệu sản phẩm may dệt thoi; 235 nghìn sản phẩm may dệt kim; 515 tấn khăn các loại và 271 tấn sợi len… góp phần thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra như: giá trị sản xuất đạt trên 938,7 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt hơn 1.310 tỷ đồng, vượt kế hoạch gần 4% và tăng gần 16% so với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 438,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân của công nhân được nâng lên mức xấp xỉ 5 triệu đồng/người/tháng. Là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực may công nghiệp xuất khẩu, Cty CP Nam Tiệp (CCN An Xá) đã đầu tư dây chuyền đồng bộ hiện đại, chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực ở tất cả các khâu từ quản lý, thiết kế mẫu đến trực tiếp sản xuất. Phần lớn sản phẩm do Cty tự thiết kế, sản xuất thành phẩm, phân phối ra thị trường. Thành lập năm 2006 khi thị trường khá đông doanh nghiệp có tên tuổi nên ngay từ khi đi vào hoạt động, Cty đã tập trung thực hiện phương châm bảo đảm chất lượng sản phẩm; đầu tư dây chuyền đồng bộ khép kín với các trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến và tuyển chọn xây dựng đội ngũ nhân lực từ cán bộ quản lý đến công nhân phù hợp. Đặc biệt hướng tới thị trường xuất khẩu, với các mẫu sản phẩm do chính đơn vị thiết kế nên Cty đã tuyển chọn đội ngũ thiết kế được đào tạo cơ bản từ các trường đại học và các trung tâm thời trang có tên tuổi, bảo đảm luôn có hàng trăm mẫu hàng mới để chào hàng. Cty còn không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ thiết bị máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm quần áo thời trang. Hiện sản phẩm của Cty không chỉ có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước mà còn tạo được uy tín đối với thị trường nước ngoài và ngày càng được bạn hàng ký kết gia tăng số lượng. Để khắc phục tình trạng bị động trong sản xuất do nguồn nguyên liệu sợi phải nhập khẩu, một số doanh nghiệp lớn đã chú trọng đầu tư phát triển sản xuất nguyên liệu như: Cty CP Dệt may Sơn Nam đầu tư gần 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất sợi; Cty CP Thuỷ Bình đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm sợi len từ nguyên liệu xơ; Cty CP Thuý Đạt đầu tư nhà máy kéo sợi công suất 3.600 tấn sợi các loại/năm; Cty TNHH Dong Yang St Vina đầu tư 3,5 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chỉ may các loại... Tiền thân là một doanh nghiệp chuyên sản xuất áo len xuất khẩu cho các nước Đông Âu như: Nga, CH Séc, Ba Lan…; trước nhu cầu ngày càng tăng do thị trường tiêu thụ rộng lớn, năm 2008, Cty CP Thủy Bình (KCN Hòa Xá) đã đầu tư nhà máy sản xuất sợi len để không phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Đầu năm 2014, Cty đã đầu tư để nâng cấp máy nhuộm theo công nghệ mới, giúp gia tăng tối đa độ bền màu, thân thiện với môi trường và không gây độc hại. Đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận sản xuất sợi len xuất khẩu, đặc biệt quy trình sản xuất và sản phẩm lại đạt tiêu chí thân thiện với môi trường (thiết bị hiện đại tiêu hao ít năng lượng; không sử dụng hóa chất độc hại để nhuộm len…). Nhà máy đi vào hoạt động tạo việc làm ổn định cho 120 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng; sản lượng sợi len của Cty chiếm đến 45% thị phần cả nước. Trong năm 2016, với việc Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định (KCN Hòa Xá) được Vinatex đầu tư xây dựng với quy mô 3 vạn cọc sợi, sản lượng 4.770 tấn/năm (Ne30), có tổng mức đầu tư 465 tỷ đồng, được trang bị dây chuyền tiên tiến và hiện đại nhất thế giới hiện nay chính thức đi vào hoạt động, ngành công nghiệp dệt may đã có thêm một địa chỉ cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp trong ngành. Đây là cơ sở để những năm tới ngành dệt may của tỉnh có thể tăng giá trị lợi nhuận nhờ giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu.

Việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị (từ các khâu sản xuất nguyên liệu, thiết kế, gia công sản phẩm…), áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã được khẳng định là những biện pháp hiệu quả để các doanh nghiệp dệt may Nam Định tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm, tăng giá trị sản xuất để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong bối cảnh nước ta đang dần hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới qua các Hiệp định Thương mại tự do FTA, TPP…

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com