Cộng Hòa phát triển kinh tế nông thôn bền vững

03:03, 22/03/2017
Đến năm 2017, cơ cấu kinh tế, lao động và thu nhập của nhân dân xã Cộng Hòa (Vụ Bản) đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Toàn xã có gần 2.000 lao động trong độ tuổi tham gia sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn trong KCN Bảo Minh và tại địa phương. Tỷ trọng sản xuất CN-TTCN và thương mại dịch vụ của xã trong năm 2016 chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất đạt 73 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với năm 2015. Bình quân thu nhập đầu người của xã đã được nâng lên mức trên 33,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,85%. 
Sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Cty TNHH một thành viên Dệt may xuất khẩu Trường Phát, thôn Bối Xuyên Thượng, xã Cộng Hòa.
Sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Cty TNHH một thành viên Dệt may xuất khẩu Trường Phát, thôn Bối Xuyên Thượng, xã Cộng Hòa.
Xã Cộng Hòa có trên 5.400 nhân khẩu, phân bố ở 12 thôn, trong đó có trên 3.600 lao động trong độ tuổi. Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, trong năm 2016, xã Cộng Hòa đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM trên phương châm: đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và tăng thu nhập cho người dân; chú trọng thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn. Để thực hiện được chủ trương đó, phát huy lợi thế có gần 2km Quốc lộ 38B và gần 5km Quốc lộ 37B chạy ngang địa bàn, trong quá trình thi công các dự án, xã đã vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt nhất để nhà thầu sớm hoàn thành thi công. Đồng thời diện tích đất sát đường quốc lộ được xã chủ động quy hoạch thành vùng phát triển kinh tế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, xã còn thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để khuyến khích, hỗ trợ các hộ tham gia phát triển sản xuất đa dạng ngành nghề như: hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí qua các chương trình khuyến công, Đề án 1956; tạo điều kiện tối đa về: mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thủ tục hành chính… Xã đã làm việc với các Ngân hàng: NN và PTNT, CSXH áp dụng các chính sách tín dụng hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ cá thể vay vốn để đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề. Đến cuối năm 2016, toàn xã có 530 hộ được vay vốn tại Ngân hàng NN và PTNT với tổng dư nợ trên 26,3 tỷ đồng và 512 hộ được vay vốn tại Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ là 6,4 tỷ đồng. Hệ thống giao thông huyết mạch được đầu tư cải tạo, nâng cấp cùng với các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của xã đã tạo đòn bẩy phát huy sự năng động của người dân trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất đa dạng ngành nghề CN-TTCN. Từ một xã thuần nông đến nay trên địa bàn xã Cộng Hòa đã phát triển đa dạng các ngành nghề CN-TTCN như: chế biến gỗ, may công nghiệp, xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan… Có 5 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định với các ngành nghề may công nghiệp, xây dựng và chế biến gỗ. Xã đã thu hút được 2 doanh nghiệp may công nghiệp là các Cty: TNHH một thành viên Dệt may xuất khẩu Trường Phát; TNHH May xuất khẩu Nhung Dung đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất tại các thôn Bối Xuyên Thượng và Châu Bạc, tạo việc làm cho trên 300 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ngoài ra, còn khoảng 300 lao động địa phương được đào tạo nghề theo chương trình Đề án 1956 đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trong KCN Bảo Minh, Cty TNHH T.B.O Vina (thuộc xã Minh Tân)… Được sự tạo điều kiện của xã, Cty Trường Phát đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng tại vị trí mặt đường tỉnh lộ 486 ở thôn Bối Xuyên Thượng với quy mô 5 chuyền may và các bộ phận phụ trợ. Cty chuyên sản xuất các mặt hàng áo giắc-két; quần thể thao xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường: Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc… tạo việc làm cho trên 150 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng/người/tháng. Xây dựng dân dụng cũng là nghề tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động của xã. Ngoài 2 doanh nghiệp xây dựng thường xuyên nhận được các hợp đồng lớn trong huyện, trong tỉnh, xã còn có 17 đội thợ xây dựng với quy mô từ 7-20 lao động/đội, riêng thôn Bối Xuyên Thượng có 5 đội. Trong đó, đội thợ của các ông Nhuận, ông Nam, ông Thể, ông Lâm ở các thôn: Bối Xuyên Thượng, Bối La, Bối Xuyên Hạ, Bùi Trung thường xuyên có trên 20 lao động tham gia với thu nhập của thợ chính từ 180-220 nghìn đồng/người/ngày, thợ phụ là 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Nghề chế biến gỗ cũng phát triển mạnh với 2 doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất của các hộ gia đình sử dụng từ 5-7 lao động thường xuyên nằm rải rác ở các thôn: Ngọc Sài, Bùi Trung, Thông Khê, Thiện Vịnh, Tháp... Ngoài các sản phẩm mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ thông dụng như: bàn, ghế, giường, tủ, sản phẩm mộc của xã còn có các loại tượng, đồ thờ và các loại thùng, kệ hàng, lô cuốn cáp điện… Anh Phùng Văn Chiến, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, dân dụng ở thôn Thông Khê cho biết: bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh tiêu thụ từ 7-10 khối gỗ nguyên liệu (được nhập từ nước ngoài về) để sản xuất các loại: giường, tủ, bàn, ghế… theo lối cổ. Cơ sở của anh hiện có 10 lao động thường xuyên; thu nhập của thợ chính đạt từ 180-200 nghìn đồng/người/ngày; thợ phụ có thu nhập bình quân 100 nghìn đồng/người/ngày. 
 
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lao động để phát triển sản xuất CN-TTCN đang là giải pháp đúng đắn để xã Cộng Hòa xóa thế độc canh nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân. Đến hết tháng 2, xã Cộng Hòa đã được thẩm định hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, xã Cộng Hòa chủ trương tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 13% trở lên; giá trị sản xuất CN-TTCN đạt từ 75 tỷ đồng trở lên; phấn đấu năm 2017 nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm…
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com