Gìn giữ sắc hương tám ấp bẹ Xuân Đài

02:01, 31/01/2017

Gạo tám ấp bẹ, xã Xuân Đài (Xuân Trường) từ xa xưa không chỉ nổi tiếng khắp vùng mà còn là sản vật để cúng tiến vua chúa bởi hương thơm, vị đượm, dẻo ngon của hạt cơm. Giữ gìn hương sắc tám ấp bẹ cho muôn đời sau là sứ mệnh cao cả của các nhà khoa học, các cán bộ kỹ thuật ở cả Trung ương, địa phương và của mỗi người nông dân xứ Xuân Đài.

Nét duyên tám ấp bẹ

Theo sử sách còn ghi, Xuân Đài xưa nằm ở vùng đất phù sa trẻ của châu thổ sông Hồng với chất đất giàu dinh dưỡng, có tỷ lệ sét cao, tầng canh tác sâu và còn được ảnh hưởng mặn của địa thế vùng đất cửa sông nên sản sinh ra giống lúa quý tám ấp bẹ. Sở dĩ có tên gọi tám “ấp bẹ” vì giống lúa này dù trỗ hết mức, đến khi chín cũng vẫn còn khoảng 1/4 bông lúa nằm trong bẹ lá, e ấp như gái 18. Giống lúa này sinh trưởng dài ngày, cấy trước nhưng lại trỗ và gặt sau các giống lúa khác, lại đòi hỏi chăm bón, thổ nhưỡng đặc biệt hệt như tiểu thư “lá ngọc cành vàng” xưa. Gọi là tám Xuân Đài nhưng cả xã Xuân Đài cũng chỉ có đồng đất làng An Phú mới trồng được giống tám ấp bẹ cho hạt gạo ngon đặc trưng. Vậy nên ngay cả trong cung vua cũng không được sử dụng gạo tám này thường xuyên mà chỉ dành cho những dịp đặc biệt như lễ, Tết làm đồ cúng tế đất trời và các bậc tiền nhân. Quý là thế nên trước Cách mạng Tháng Tám, khi giặc Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, người Xuân Đài vẫn âm thầm lén trồng tám ấp bẹ, như là một cuộc đấu tranh bền bỉ, tự nguyện gìn giữ và lưu truyền giống lúa quý của cha ông để lại. Khi đất nước thống nhất, gạo tám ấp bẹ Xuân Đài cùng nhiều sản vật quý khác của các địa phương trong toàn quốc được chọn phục vụ các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, năm 1975. Đó là niềm tự hào, tạo động lực cho người dân Xuân Đài đời này qua đời khác giữ gìn hương sắc gạo tám quê hương. Hạt gạo tám ấp bẹ và những người dân nơi đây đã phải cần mẫn, từng ngày từng giờ vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, sự cạnh tranh của thiên địch để chắt chiu hương đất, hương trời, cái ngọt ngào của mưa sa và nồng ấm của nắng mai trong vòng đời ròng rã suốt 6 tháng, khoảng thời gian đủ cho cây lúa ngậm mọi tinh túy của trời đất, để hạt gạo có được cái dẻo, dai, càng nhai lâu càng thơm, ngọt. Tám ấp bẹ “kén” đất nên chỉ có các cánh đồng Trương, Công Thổ, Thần Từ (nay thuộc các xóm 3, 4, 5 và một phần xóm 6, 7) làng An Phú với diện tích khoảng 200 mẫu là cấy được. Không những thế, cấy tám ấp bẹ còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác từ lúc lựa thóc giống, gieo cấy, thu hoạch, bảo quản. Thóc giống phải chọn những bông mẩy, hạt đều nhất ruộng, phần ấp bẹ nhiều hơn so với các bông khác. Chọn ngày nắng đều, phơi cả bông lúa cho khô rồi dùng mảnh chai, đũa tre tuốt lấy hạt thóc để tránh làm dập, xước vỏ ở 2/3 bông lúa rồi phơi lại cho thật săn, bảo quản trong ró rơm, đợi đến mùa sau. Tháng 6 hằng năm, quãng xung quanh tiết Mang chủng mới mang thóc giống ra ngâm ủ làm mạ. Trước khi cấy, ruộng phải bón lót thêm phân chuồng đã ủ ngấu cho hoai mục với tỷ lệ từ 3-5 tạ/sào. Sau cấy, lúc cây mạ đã bén rễ hồi xanh mới được bón phân đạm và sau khi cấy 1 tháng lại bón thúc bằng phân xanh ủ bằng các loại lá cây, nhưng tốt nhất là lá xoan, “dấn” nắm phân xuống từng gốc để cây lúa phát triển, đẻ nhánh đều. Tám ấp bẹ ưa nắng nên một năm chỉ cấy được một vụ mùa từ khoảng tháng 6 đến tháng 11 âm lịch. Để hạt gạo tám ấp bẹ thật dẻo thơm, người dân nơi đây chọn thu hoạch vào cữ trước lúc lúa chín đẫy, khi vỏ hạt thóc mới ngả vàng nhưng vẫn còn giữ sắc xanh chứ không đợi chín già mới gặt vì muốn giữ thêm chút thơm hương, vị ngọt sữa của lúa. Lúa gặt về không tuốt ngay mà được ủ dăm ngày cho bông lúa thoát hết ra khỏi bẹ rồi mới tuốt. Lúa tám ấp bẹ quý từng hạt nên các bà, các chị cẩn thận phơi trên sân gạch, nhưng lại không chọn chỗ nắng nhiều mà để hạt thóc hong khô từ từ trong bóng rợp. Như thế hạt thóc khô săn, khi xay, giã ra không mất lớp áo lụa xanh bên ngoài và không đớn gẫy. Cách bảo quản thóc cũng hết sức công phu. Đến mùa thu hoạch, nhà nào cũng chuẩn bị mươi chiếc chum sành để trữ thóc. Cho thóc vào chum cũng phải đổ đầy, nếu không đủ nhất thiết phải chèn lót trấu, thân rơm của chính giống lúa này xuống đáy chum, bên trên phủ thêm bằng lá chuối khô để chống ẩm rồi bịt kín miệng mới đạt yêu cầu. Khi nào dùng mới mang thóc ra xay giã. Bằng đấy công đoạn với bao “nghiêm luật” mới cho bát cơm tám dẻo thơm, hạt nhỏ dài, màu trắng xanh và hàm lượng vitamin cùng các khoáng chất cao hơn các loại gạo khác rất nhiều. Theo các cụ cao niên ở xã Xuân Đài, thưởng thức hương thơm gạo tám ấp bẹ không chỉ vào lúc nấu cơm mà suốt thời gian từ lúc lúa lên xanh mát, rồi phất cờ trổ bông, cả cánh đồng đã thơm mát hương sữa non thanh ngọt; đến khi gặt lúa về nhà, làng quê rộn ràng vui như vào hội trong hương thơm nồng của sự no ấm. Bát cơm gạo tám ấp bẹ đầu tiên thường được dâng cúng thánh thần, tổ tiên. Từ cữ tháng Một, tháng Chạp trở đi, hương tám ấp bẹ cứ luân phiên lan tỏa trong mỗi nếp nhà, vấn vương trong mưa bụi nhè nhẹ quyện với hương trầm, là biết Tết đã đến thật gần!

Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Xuân Trường kiểm tra sự phát triển của lúa tám ấp bẹ Xuân Đài.
Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Xuân Trường kiểm tra sự phát triển của lúa tám ấp bẹ Xuân Đài.

Hành trình phục chế tám ấp bẹ Xuân Đài

Gạo tám ấp bẹ Xuân Đài quý vì hương thơm, vị đậm, hạt cơm săn, dai, giòn ngọt khi nhai trong miệng. Lúa đã kén đất trồng, chăm bón lại cầu kỳ, thời gian sinh trưởng dài nhưng năng suất thấp. Thời tiết thuận lợi, cả một sào lúa tám ấp bẹ chỉ thu dăm bảy mươi cân (bằng 1/3 so với các giống lúa khác), còn khi bất thuận thì chả thu được là bao. Vậy nên giá bán rất đắt. Một dạo việc duy trì sản xuất giống lúa này hoàn toàn tự phát, trải qua nhiều năm canh tác nhưng vẫn duy trì cách nhân giống tự nhiên của người dân cùng với việc mở rộng diện tích tự phát, không tuân thủ quy trình kỹ thuật thâm canh khắt khe của giống lúa quý nên giống lúa tám ấp bẹ đã dần bị thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng không còn được nức tiếng như xưa. Trong đó còn phải kể đến nguyên nhân chủ quan xuất phát từ bệnh “tham bát, bỏ mâm”, vì gạo đắt giá nên nhiều người pha trộn gạo tám ấp bẹ với nhiều giống gạo khác để bán gây mất uy tín của giống gạo quý này. Thậm chí giống lúa quý này đã đứng trước nguy cơ mai một trước yêu cầu lựa chọn giống lúa lai ngắn ngày cho năng suất cao vì bài toán kinh tế, tăng hiệu suất sử dụng đất trong khi khâu thương mại hóa để tăng giá trị kinh tế cho tương xứng với loại gạo này chưa làm được. Người dân Xuân Đài trăn trở làm sao giữ lại được hương vị đặc trưng của giống lúa quý cha ông đã bao đời gìn giữ; UBND huyện Xuân Trường mong muốn phát triển đặc sản truyền thống quê hương với nguyên vẹn những ưu điểm vốn có của nó để có thể khai thác và phát huy giá trị văn hóa, thương mại của sản vật này. Nắm bắt được vấn đề, Sở KH và CN đã quyết định xây dựng dự án “Phục tráng và phát triển giống lúa tám ấp bẹ cổ truyền” với sự tham gia của các chuyên gia từ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông quốc gia (Viện Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam) cùng cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Xuân Trường và chính người dân xã Xuân Đài. Dự án phục tráng giống lúa tám ấp bẹ cổ truyền được triển khai theo hai hướng là chọn lọc cá thể và phục tráng quần thể. Theo đó, các cán bộ kỹ thuật đã tiến hành điều tra tình hình sản xuất, tiêu thụ tám ấp bẹ, đặc tính chuẩn của giống lúa tám ấp bẹ và xây dựng bộ tiêu chuẩn gốc để chọn lọc tìm ra các cá thể có đặc trưng gần nhất với bộ tiêu chuẩn gốc trong tập hợp các cá thể của giống đã thoái hóa. Nghiên cứu các đặc điểm về chất lượng, đặc điểm di truyền của lúa tám ấp bẹ; chọn lọc quần thể và phục tráng giống; hoàn thiện quy trình thâm canh giống lúa tám và tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình chọn giống, sản xuất giống cũng như thâm canh, bảo quản giống lúa, thóc ấp bẹ thương phẩm. Vụ đầu tiên, các cán bộ kỹ thuật đã chọn 100 mẫu giống tiêu biểu được lưu giữ trong các hộ dân để cấy trên diện tích 4.000m2 tại đồng đất thôn Cát Láng. Toàn bộ khu vực thí nghiệm được trồng cách ly với các giống lúa khác để đảm bảo yêu cầu khử lẫn trong quá trình nghiên cứu. Khi thu hoạch vụ đầu tiên tiếp tục chọn ra 40-50 dòng có đặc điểm nổi trội gần nhất với bộ tiêu chuẩn để làm giống cho vụ sau và mang đi phân tích các chỉ tiêu lý, hóa của mẫu lá và hạt gạo tám ấp bẹ. Ngay vụ đầu tiên kết quả phân tích các chỉ tiêu chất lượng hóa sinh trên lá và gạo tám ấp bẹ đã được chọn tạo đã cao hơn so với giống trồng phổ biến trong nhân dân. Từ 40-50 dòng lúa đặc trưng tuyển chọn từ vụ thứ nhất lại tiếp tục được nhân giống, chăm bón chọn tạo 20-30 dòng đạt tiêu chuẩn siêu nguyên chủng, đánh giá dòng lần 2 để tiếp tục sản xuất ra hạt nguyên chủng vào vụ thứ 3. Cùng với việc phục tráng giống, các cán bộ kỹ thuật còn thực hiện thí điểm hoàn thiện quy trình canh tác chuẩn cho giống lúa quý để đảm bảo phát huy hết những đặc tính quý vốn có của nó. Với cách ứng dụng kỹ thuật phục tráng giống theo cách chọn lọc dòng đã tạo ra một lượng lớn hạt giống tám ấp bẹ nguyên chủng với đầy đủ những đặc tính quý của giống gốc, đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao phục vụ sản xuất của huyện Xuân Trường. Ngoài khôi phục được các đặc tính quý, hạt giống sau khi phục tráng có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn giống cũ đã thoái hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác lúa hữu cơ, giảm thiểu việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác. Bên cạnh đó người dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác chuẩn áp dụng vào thực tế sản xuất góp phần phát huy hết tiềm năng của hạt giống bản địa và nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Xuân Trường, chủ nhiệm dự án cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu, chọn ra những dòng phân ly tốt của giống lúa tám ấp bẹ để phục tráng, nhân rộng phục vụ sản xuất. Đồng thời, tập huấn cho nông dân kỹ thuật phục tráng, nhân giống để quản lý chất lượng ngay từ khâu giống. Nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước cho hợp lý để chống đổ làm ảnh hưởng năng suất”.

Năm nào cũng vậy, cứ dịp cuối năm, tôi lại cố gắng thu xếp công việc xuôi về Xuân Đài để được hít hà hương lúa tám thơm từ những cánh đồng hay sân phơi, có khi là hương cơm tám đầu mùa bay ra từ gian bếp nào đó. Và mỗi năm, tôi lại được chứng kiến sự đổi thay với sắc màu sung túc ngày càng nhiều ở vùng quê có đặc sản gạo tám thơm nổi tiếng. Trong không khí “năm hết, Tết đến” nhưng câu chuyện về tâm huyết của những người làm khoa học, các kỹ sư nông nghiệp, cán bộ địa phương và sự dốc lòng trông đợi, tạo điều kiện của bà con nông dân trong quá trình nghiên cứu thực hiện dự án vẫn cứ hồ hởi, râm ran khắp làng trên, xóm dưới. Giống lúa tám ấp bẹ đang dần được phục tráng mà lại còn cho năng suất cao hơn, chất lượng cơm vẫn giữ được đặc tính dẻo, thơm, ngon ngọt đậm đà vốn có của nó. Người nông dân “một nắng, hai sương” thêm tự hào bởi hạt thóc được họ nâng niu chăm sóc, lớn lên từ đồng đất quê hương còn mang trong nó những giá trị văn hóa hơn là một loại lương thực thuần túy. Mong ước giữ gìn hương sắc tám ấp bẹ của người nông dân Xuân Đài nói riêng và đặc trưng văn hóa ẩm thực của vùng đất Xuân Trường nói chung đang dần trở thành hiện thực. Bốc một nắm gạo tám vừa xay giã, nắm chặt bàn tay chốc lát rồi mở ra, ngắm những hạt gạo thon nhỏ mảnh mai với sắc màu đặc trưng, tôi như thấy văng vẳng giai điệu luyến láy âm hưởng Chầu văn của bài hát “Hương tám xoan” của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính: Mở ra, mở ra, mở ra/Cánh trấu lúa tám xoan như cánh áo tứ thân của cô Tấm/… hương của đất, hương của nước, hương của nắng, của gió…”./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com