Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại thị trường Tết

08:01, 23/01/2017

Theo quy luật, Tết Nguyên đán là thời điểm mức luân chuyển hàng hóa tăng cao, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, khiến tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Để giữ ổn định thị trường trước, trong và sau Tết, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389ĐP đã triển khai lực lượng, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, trọng điểm là các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết và lễ hội đầu xuân.

Lực lượng QLTT kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Trực Ninh.
Lực lượng QLTT kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Trực Ninh.

Năm 2016, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2016 đạt 30.329,7 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, thị trường hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh diễn ra khá sôi động, nguồn cung dồi dào, hàng hóa được bảo đảm lưu thông thông suốt. Tuy nhiên, cuối năm cũng là thời điểm tình hình buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng gian thương có nhiều thủ đoạn tinh vi như: Lợi dụng hồ sơ hải quan, tạm nhập, tái xuất, trà trộn, cất giấu hàng lậu trên các phương tiện lớn, lẫn lộn giữa nhiều loại hàng hóa khác nhau, thủ đoạn liều lĩnh nhằm gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý của các lực lượng chức năng. Nhiều đối tượng vì lợi nhuận sẵn sàng mua hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng cấp thấp… sau đó hợp lý hóa đơn bán hàng thông thường vận chuyển vào nội địa thay nhãn hàng hóa, biến thành hàng sản xuất trong nước, biến hàng thấp cấp thành cao cấp đưa ra lưu thông trên thị trường. Những mặt hàng vi phạm chủ yếu là đồ điện gia dụng, mỹ phẩm, rượu ngoại, thực phẩm, thực phẩm đóng gói sẵn… Những hành vi trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân và làm thiệt hại không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp. Để hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại, giữ ổn định thị trường và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389ĐP đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp tục hưởng ứng, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389ĐP đã tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại theo đặc điểm thời gian trước, trong và sau Tết. Trong đó, thời điểm trước Tết chú trọng kiểm tra, kiểm soát tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết như bánh, mứt, kẹo, đường, sữa, bia, nước giải khát, hoa quả, thực phẩm tươi sống…; xử lý, ngăn chặn triệt để việc kinh doanh, buôn bán các mặt hàng cấm như tiền giả, pháo nổ, đèn trời các loại, thuốc nổ các loại… Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa  tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại và các khu vực buôn bán khác trong nội địa… Thời điểm sau Tết Nguyên đán, tập trung vào việc ổn định thị trường tại các lễ hội đầu xuân, đặc biệt là việc đảm bảo VSATTP hàng ăn uống tại các điểm lễ hội, kinh doanh văn hóa phẩm, ngăn chặn đồ chơi kích động bạo lực và việc tự ý tăng các loại phí dịch vụ, trông giữ phương tiện giao thông… Với vai trò chủ công trong việc giữ ổn định thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Chi cục QLTT (Sở Công thương) chủ động xây dựng kế hoạch và có các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường từ ngày 15-12-2016 đến 22-2-2017. Trong suốt thời gian này, toàn bộ lực lượng QLTT sẽ tập trung 100% quân số, kể cả ngày nghỉ và các ngày lễ, Tết, để tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn những vi phạm gian lận thương mại. Nội dung kiểm tra tập trung vào 5 yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường như nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết và yêu cầu giám định chất lượng hàng hóa khi có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, lực lượng QLTT còn đột xuất kiểm tra điều kiện kinh doanh của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các dịch vụ trông giữ tài sản, ăn uống, vui chơi giải trí tại các lễ hội trên địa bàn. Công tác kiểm tra sẽ được triển khai quyết liệt tại các khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm… Chủ động phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các sở, ngành chức năng như: Công an, KH và CN, Y tế, NN và PTNT tích cực kiểm tra các phương tiện vận chuyển trên những tuyến giao thông quan trọng, các điểm phát tán nguồn hàng và khu vực nông thôn, nơi các gian thương thường lợi dụng những hạn chế về thông tin sản phẩm, thói quen mua hàng theo cảm tính của người tiêu dùng để tiêu thụ hàng gian, hàng giả. Tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn mình quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không bảo đảm VSATTP, không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý. Ngay trong những ngày giáp Tết này, lực lượng QLTT đã chủ động thành lập và tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thị trường theo các chuyên đề: Đo lường hàng hóa đóng gói sẵn; đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng, dầu mỏ, khí hóa lỏng, ATVSTP… Trong những ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc gian lận thương mại đáng chú ý.

Với quyết tâm cao, cùng sự phối hợp lực lượng tích cực của các ngành chức năng tạo “phên dậu” vững chắc giữ ổn định thị trường, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, giúp nhân dân đón Tết an toàn, tiết kiệm. Bên cạnh đó, để công cuộc chống gian lận thương mại trước, trong và sau Tết đạt hiệu quả cao, rất cần có sự cảnh giác của người tiêu dùng trong việc lựa chọn hàng hóa. Đồng thời người tiêu dùng cũng cần nêu cao trách nhiệm, tố giác những hành vi gian lận thương mại để cơ quan chức năng kịp thời xử lý, đảm bảo thị trường lành mạnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com