Giải pháp bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại các làng nghề

07:07, 19/07/2013

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Đối với các làng nghề, việc bảo hộ quyền SHCN cho sản phẩm, dịch vụ là nhằm bảo vệ các giá trị và thành quả đầu tư của làng nghề, đồng thời là cơ sở để các làng nghề tạo dựng, giữ gìn và phát huy danh tiếng, giá trị truyền thống của mình. Mặt khác đây cũng là phương tiện để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị tài sản cho các làng nghề.

Tuy nhiên hiện nay, vấn đề bảo hộ quyền SHCN vẫn chưa được các làng nghề trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Theo số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh ta có trên 300 doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ SHCN; trên 1.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và chỉ có hơn 650 văn bằng được công nhận. Trong đó, các chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu chiếm trên 90%, đăng ký kiểu dáng công nghiệp chiếm 9% và đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích chỉ có 1%. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của hơn 90 làng nghề quan tâm và đăng ký bảo hộ SHCN không đáng kể. Thời gian qua, Sở KH và CN đã triển khai thực hiện một số dự án hỗ trợ các làng nghề phát triển tài sản SHTT như: Dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hải Hậu” cho sản phẩm gạo tám xoan”; Dự án “Hỗ trợ tạo lập và xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý nhãn hiệu tập thể “nước mắm Giao Châu” cho sản phẩm nước mắm của xã Giao Châu, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định”; Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận đồ gỗ “La Xuyên” dùng cho các sản phẩm từ gỗ của xã Yên Ninh, huyện Ý Yên”. Trong 2 năm 2014-2015, Sở sẽ thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm, dịch vụ tại Vườn quốc gia Xuân Thủy”. Ngoài ra, trong số hơn 18 sản phẩm làng nghề truyền thống chỉ có 3 nhãn hiệu tập thể là rượu nếp Yên Phú, các sản phẩm của Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên, hoa, cây cảnh Hội Sinh vật cảnh Vị Khê được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tuy vậy, các nhãn hiệu này cũng ít được các thành viên sử dụng mà chủ yếu là sử dụng các nhãn hiệu riêng do các thành viên tự đăng ký. Ngoài ra, còn rất nhiều làng nghề có tiếng, hoạt động sản xuất, kinh doanh tương đối ổn định như: làng nghề sơn mài Yên Tiến, nghề chạm khắc và sản xuất đồ gỗ ở La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên), nghề cơ khí ở xã Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường)... cũng chưa thực hiện đăng ký bảo hộ quyền SHCN.

Cty TNHH Cơ khí Thanh Tuyền của anh Đinh Thanh Tuyền, hội viên HND xã Xuân Tiến (Xuân Trường) tạo việc làm cho trên 50 lao động với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Cty TNHH Cơ khí Thanh Tuyền của anh Đinh Thanh Tuyền, hội viên HND xã Xuân Tiến (Xuân Trường) tạo việc làm cho trên 50 lao động với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Tại làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến, trước đây Cty TNHH Nhật Việt đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm máy tuốt lúa nhưng sau một thời gian do quá trình sáp nhập, chia tách nhãn hiệu này không được các thành viên trong Cty sử dụng hiệu quả nên trong khoảng thời gian 5-6 năm gần đây không có doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nào trong làng nghề quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền SHCN. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của các làng nghề về vấn đề bảo hộ quyền SHCN còn hạn chế. Ngoài ra, năng lực sản xuất, kinh doanh của các làng nghề nhìn chung còn yếu, các làng nghề vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra hướng đi ổn định để phát triển sản xuất nên chưa quan tâm đến vấn đề đăng ký bảo hộ quyền SHCN. Bên cạnh đó, hoạt động của các làng nghề còn thiếu tính tổ chức; cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh còn manh mún, tự phát, chưa có sự liên kết, gắn bó để phát triển. Chính vì vậy, việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN và xây dựng thương hiệu chung cho các làng nghề là một vấn đề rất khó khăn, nhất là công tác quản lý, khai thác quyền SHCN sau khi đã đăng ký...

Hiện nay, tỉnh đang triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 760/QĐ-UBND ngày 19-5-2011 của UBND tỉnh. Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động theo ngành nghề đã đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, sản phẩm phục vụ xuất khẩu, hàng hóa là sản phẩm chủ lực của địa phương và các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trên thị trường. Thực hiện chương trình, tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp rà soát, tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT về nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho đặc sản của địa phương, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và giải pháp hữu ích. Sở KH và CN đảm nhiệm việc tư vấn, cung cấp thông tin về SHTT cho doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, cung cấp kiến thức, pháp luật về SHTT phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp; hoạt động trợ giúp, tư vấn và giải đáp pháp luật giúp doanh nghiệp đăng ký xác lập và thực thi quyền SHTT; thực hiện tư vấn và hướng dẫn việc xây dựng hồ sơ, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu cho doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ cung cấp thông tin và tra cứu sơ bộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện đăng ký xác lập quyền SHCN. Để từng bước khắc phục những hạn chế trong công tác đăng ký bảo hộ quyền SHCN tại các làng nghề cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền SHCN cho các làng nghề. Việc tập huấn, tuyên truyền phải thực hiện theo phương châm thiết thực, dễ hiểu, gắn sát với đối tượng và thực tế tại các làng nghề. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho các làng nghề trong việc đăng ký xác lập quyền SHCN, quản lý, duy trì và khai thác quyền SHCN tại các làng nghề, nhất là các làng nghề có sản phẩm giàu tiềm năng phát triển. Trên cơ sở rà soát, thống kê sản phẩm/dịch vụ của các làng nghề để tiến hành tư vấn, hướng dẫn cho lãnh đạo địa phương, cán bộ phụ trách các làng nghề và thành viên của các làng nghề về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ. Trong lúc chưa thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHCN cho các làng nghề thì cần rà soát, xây dựng danh mục các sản phẩm/dịch vụ làng nghề có danh tiếng, gắn với tên địa danh của địa phương gửi Cục Sở hữu trí tuệ để bảo vệ các thương hiệu sản phẩm làng nghề gắn với tên địa danh để tránh tình trạng bị người khác đăng ký chiếm dụng vì mục đích riêng.

Từ thực tế cho thấy, việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN cho các làng nghề là một vấn đề đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp vào cuộc của các thành viên làng nghề. Và chỉ khi công tác bảo hộ quyền SHCN của các làng nghề được thực hiện thì thương hiệu của các làng nghề mới có thể phát triển bền vững và vươn xa trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com