Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân Nam Định phát triển vững chắc

06:06, 28/06/2013

Qua tổng kết thí điểm mô hình tổ chức tín dụng hợp tác theo Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 27-7-1993 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10-10-2000 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 57-CT/TW về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Thực hiện chủ trương lớn mang tính chiến lược này, gần 13 năm qua, hệ thống QTDND Nam Định đạt được những chuyển biến đáng kể, đứng vững và phát triển tốt.

Hệ thống QTDND Nam Định đã trải qua gần hai thập kỷ hình thành và phát triển. Giai đoạn 1993-1994 tỉnh ta là một trong 14 tỉnh của toàn quốc được chọn làm thí điểm thành lập QTDND mô hình mới theo Quyết định số 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 12 QTDND cơ sở được thành lập và đưa vào hoạt động. Giai đoạn mở rộng thí điểm (1995-2000) Nam Định thành lập mới 20 QTDND cơ sở, đồng thời giải thể 3 QTDND cơ sở, đến cuối năm 2000 toàn tỉnh có 29 QTDND cơ sở. Giai đoạn củng cố, hoàn thiện và phát triển (từ khi có Chỉ thị 57 CT/TW đến nay), Nam Định giải thể 3 QTDND cơ sở, đồng thời thành lập mới 15 QTDND cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 41 QTDND cơ sở.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nam Định còn có QTDND khu vực Nam Hà do các QTDND cơ sở trên địa bàn phối hợp thành lập năm 1996 theo mô hình QTDND ba cấp (QTDND cơ sở - QTDND khu vực - QTDND Trung ương), đến năm 2001 được sáp nhập trở thành chi nhánh của QTDND Trung ương theo mô hình QTDND hai cấp (QTDND cơ sở - QTDND Trung ương), đến nay đã chuyển đổi trở thành chi nhánh của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Ảnh: Thanh Tuấn
Giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Ảnh: Thanh Tuấn

Qua 13 năm thực hiện Chỉ thị 57 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND ở tỉnh ta chủ trương chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đã được quán triệt sâu rộng đối với cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân, cán bộ quản trị, điều hành tại các QTDND, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức về QTDND theo mô hình mới, từ đó đã có sự chỉ đạo, quản lý và hỗ trợ tích cực hơn đối với hoạt động của QTDND. Nhiều xã, thị trấn coi QTDND là đơn vị kinh tế quan trọng góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người dân và các thành viên QTDND đã dần xoá bỏ định kiến về sự đổ vỡ của các HTX tín dụng trước đây và ngày càng tin tưởng hơn vào QTDND; đã nâng nhận thức về tính chất và nguyên tắc tổ chức hoạt động của QTDND; vai trò, vị trí của QTDND trong phát triển nông nghiệp, đổi mới bộ mặt nông thôn và nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân; từ đó đã có sự gắn bó chung thuỷ với QTDND và thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của thành viên trong QTDND. Đối với cán bộ quản trị điều hành tại các QTDND đã thấy rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế hợp tác nói chung và loại hình tổ chức tín dụng hợp tác nói riêng nên đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và công tác quản lý điều hành hoạt động của QTDND, từ đó hạn chế động cơ chạy theo kinh doanh đơn thuần hoặc mở rộng phạm vi hoạt động vượt quá khả năng quản lý, kiểm soát của QTDND, đồng thời nhìn rõ những tồn tại, yếu kém để tập trung củng cố, hoàn thiện và phát triển QTDND theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh được củng cố, ngày càng hoàn thiện và phát triển bền vững. Trong những năm qua, NHNN tỉnh đã phối hợp với Đảng uỷ, UBND các xã có QTDND thường xuyên làm tốt công tác sắp xếp, quy hoạch, kiện toàn cán bộ quản trị điều hành tại các QTDND. Công tác đào tạo cán bộ cho các QTDND được chú trọng đúng mức, NHNN tỉnh đã phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức 2 lớp trung cấp và 2 lớp đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng cho các cán bộ QTDND, cử cán bộ QTDND tham dự các lớp đào tạo nghiệp vụ QTDND do Ngân hàng Trung ương tổ chức và mở nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn ngày. Nhờ vậy, đến nay trình độ chuyên môn của cán bộ QTDND đã được nâng lên một bước, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Thống đốc NHNN. Tại 41 QTDND có 355 người, bình quân mỗi QTDND có 8,6 người làm việc theo chế độ chuyên trách, 53 người có trình độ chuyên môn đại học, chiếm 15%, 219 người có trình độ trung cấp, chiếm 62% và 100% cán bộ QTDND được cấp chứng chỉ nghiệp vụ QTDND. Đến nay, tại 41 QTDND có dư nợ cho vay thành viên 1.202 tỷ đồng, bình quân 29,3 tỷ đồng/QTDND, chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp. Do quán triệt nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, nên tại các QTDND hằng năm đều có thu nhập đủ bù đắp chi phí và có lợi nhuận để làm nghĩa vụ nộp thuế, chia lãi vốn góp cho thành viên và trích lập các quỹ. Về cơ sở vật chất, 41 QTDND đều đã có trụ sở làm việc được xây dựng kiên cố, phù hợp với hoạt động của QTDND, phương tiện làm việc, thiết bị tin học được trang bị khá, một số QTDND đã mua sắm xe ô tô để phục vụ hoạt động. Nhìn chung hoạt động của các QTDND đã có đóng góp quan trọng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Mạng lưới hoạt động của các QTDND tuy chưa rộng khắp trên địa bàn nông thôn và thị phần cho vay của QTDND mới ở mức khiêm tốn (chiếm 6% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn) nhưng thông qua việc huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư để cho vay thành viên trên địa bàn, kênh dẫn vốn của QTDND đã có những đóng góp đáng kể vào việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề, tạo thêm việc làm, cải thiện sinh hoạt và đời sống nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Các QTDND mô hình mới hoạt động theo Luật HTX và Luật Các tổ chức tín dụng, qua gần 20 năm hoạt động đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá là loại hình HTX được tổ chức có bài bản và hoạt động có hiệu quả nhất so với các loại hình HTX khác hoạt động trên địa bàn nông thôn. Các QTDND những năm qua đã góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương.

Qua gần 13 năm thực hiện Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh ta đã có những tiến bộ vượt bậc; các QTDND đã cơ bản khắc phục được các tồn tại, yếu kém; hoạt động của các QTDND dần đi vào nề nếp, ổn định, các chỉ tiêu hoạt động tăng trưởng khá và bền vững; các QTDND yếu kém (trừ 3 QTDND không đủ điều kiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX) sau khi được củng cố chấn chỉnh đã trở lại hoạt động bình thường; số QTDND hoạt động tốt tăng lên. Các cơ chế, chính sách áp dụng đối với QTDND được ban hành ngày càng đầy đủ và đồng bộ hơn. Quản lý Nhà nước đối với hệ thống QTDND, nhất là vai trò của NHNN tỉnh trong chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên được tăng cường đúng mức. Hệ thống QTDND ngày càng tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân làm cho tính an toàn, bền vững và uy tín của QTDND được nâng cao. Những kết quả đó khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của chủ trương của Bộ Chính trị và Nhà nước về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, đồng thời là những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện định hướng chiến lược tiếp tục hoàn thiện và phát triển bền vững hệ thống QTDND Nam Định đến năm 2020./.

Hoàng Thế Kỷ
(NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com