Vì sao thị trường gạch không nung tỉnh ta chậm phát triển?

07:06, 13/06/2013

Mặc dù gạch không nung (GKN) có nhiều ưu điểm và được các ngành chức năng khuyến cáo sử dụng, nhưng hiện nay việc sử dụng GKN trong xây dựng dân dụng vẫn khá hạn chế do thói quen của người dân.

Trên thị trường vật liệu xây dựng toàn tỉnh hiện có khá nhiều loại GKN với chủng loại, kích cỡ khác nhau nhưng người dân vẫn khó chọn sản phẩm bảo đảm chất lượng. Chị Vũ Thị Châm, chủ tổng đại lý Hưng Thịnh của Cty CP Gạch ốp lát xây dựng Thái Bình ở Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) cho biết, hiện cửa hàng của chị đang bày bán 3 loại GKN với rất nhiều kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên, theo một số khách hàng, một số loại GKN trên thị trường không phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 6477:2011 của Bộ Xây dựng về GKN cao cấp. Bên cạnh đó, còn thiếu quy chuẩn về sử dụng vật liệu GKN trong các loại công trình xây dựng. Cụ thể theo các nhà thầu xây dựng, thiếu các tiêu chuẩn về định mức xây dựng, loại và số lượng vữa sử dụng, quy trình xây dựng sử dụng các vật liệu GKN. Chính vì thế, GKN ít được các chủ đầu tư, các kỹ sư, kiến trúc sư đưa vào sử dụng do khó hoạch toán chi phí xây dựng.

Sản xuất gạch không nung bằng công nghệ ép thủy lực song động tại Cty CP Xây dựng Vân Cầu, xã Tân Thành (Vụ Bản).
Sản xuất gạch không nung bằng công nghệ ép thủy lực song động tại Cty CP Xây dựng Vân Cầu, xã Tân Thành (Vụ Bản).

Chính vì khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên các doanh nghiệp đầu tư sản xuất GKN khó tiếp cận với các nguồn vốn vay của ngân hàng do tỷ lệ rủi ro nhiều. Vốn ít khiến cho đầu tư về công nghệ, thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp hạn chế nên việc sản xuất GKN thiếu hoàn chỉnh và đồng bộ, không bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, nên người tiêu dùng thiếu tin tưởng về chất lượng các loại GKN. Anh Phùng Anh Dũng, Giám đốc điều hành sản xuất Cty Sản xuất GKN Vân Cầu tại xã Tân Thành (Vụ Bản) cho biết: “Cty bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 1-2013 với dây chuyền sản xuất GKN hiện đại, công suất thiết kế 10 triệu viên/năm, tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm, Cty mới chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng được 20 vạn viên”. Được biết, dây chuyền sản xuất GKN của Cty hiện nay do Cty CP Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (TP Hồ Chí Minh) cung cấp, lắp đặt. Toàn bộ dây chuyền sản xuất GKN hoạt động theo quy trình khép kín tự động. Nguyên liệu sản xuất gồm đá mạt, xi măng, cát vàng, phụ gia và nước. Chính vì thế, GKN có độ bền cao hơn so với gạch truyền thống, không bị sùi hoặc mốc. Hình dạng và kích thước gạch tương đương với gạch nung truyền thống, bảo đảm đồng đều tuyệt đối. Trong thi công sử dụng GKN còn tiết kiệm chi phí do tốn ít vữa (mạch vữa chỉ khoảng 0,5cm). Bên cạnh đó, GKN của Cty có cường độ chịu lực cao hơn hẳn so với gạch tuynel. Sản xuất GKN ít gây ô nhiễm môi trường do không có khí thải như gạch nung truyền thống, đặc biệt quá trình sản xuất ít phụ thuộc vào thời tiết nên có thể sản xuất mọi lúc, kịp thời đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn khoảng 30-40% so với việc đầu tư sản xuất gạch nung do diện tích mặt bằng sản xuất không nhiều, chi phí về nhân công vận hành ít. Tuy vậy, việc tiêu thụ sản phẩm của Cty còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, Cty chỉ vận hành khoảng 1/3 công suất thiết kế (1 vạn viên/ngày). Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, Cty đã tổ chức tuyên truyền quảng bá về sản phẩm, cam kết sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn tiền và bồi thường gấp đôi nếu xảy ra sự cố do chất lượng GKN Cty sản xuất. Đồng thời Cty cũng đã chủ động đăng ký báo giá xây dựng hằng tháng do Sở Xây dựng ban hành.

Ngoài Cty CP Xây dựng Vân Cầu, tháng 4-2013, Cty CP Vật liệu không nung 567 cũng bắt đầu đi vào sản xuất GKN bằng công nghệ ép thủy lực song động tại lô số 5, N6, KCN Hòa Xá (TP Nam Định). Cty đã mạnh dạn đầu tư 2 dây chuyền sản xuất GKN với công suất 2,5-3 vạn viên/ngày, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Trong 2 tháng qua, Cty đã tiêu thụ được hơn 50 vạn viên gạch ống không nung phục vụ xây dựng nhà xưởng và nhà sấy của Cty CP Lâm sản Nam Định ở KCN Bảo Minh (Vụ Bản), Trường Tiểu học xã Lộc Hòa và một số nhà dân. Hiện tại, giá của 1 viên GKN ống 2 lỗ của Cty chỉ 1.000-1.100 đồng. Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Phó Giám đốc Cty cho biết: Hiện tại, trên thị trường đã xuất hiện các loại GKN không đảm bảo về kích cỡ, chất lượng theo tiêu chuẩn quy định. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường sản phẩm này, đồng thời hướng dẫn người tiêu dùng để có thể mua được GKN đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn chất lượng công trình, góp phần phổ biến loại vật liệu GKN rộng rãi hơn trong người dân. Cty đang áp dụng chính sách miễn phí vận chuyển sản phẩm tới tận chân các công trình trong vòng bán kính 15km, đồng thời cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng cho các chủ công trình xây dựng.

Sản xuất GKN trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua bước đầu khởi sắc với nỗ lực từ phía các doanh nghiệp. Để tạo thuận lợi hơn cho GKN được sử dụng phổ biến trong nhân dân, từng bước trở thành vật liệu xây dựng chính trong tương lai, ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 22-3-2011 của UBND tỉnh, xóa bỏ triệt để lò gạch thủ công, kiên quyết xử lý gạch đất sét nung không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường; tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh GKN trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ưu điểm của GKN trên các phương tiện thông tin đại chúng, công bố tiêu chuẩn kỹ thuật về GKN, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá về năng lực các cơ sở sản xuất GKN đạt tiêu chuẩn để người sử dụng dễ dàng tiếp cận với GKN./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com