Tăng cường củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

08:07, 02/07/2019

Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đang ngày càng lớn mạnh về quy mô cũng như chất lượng hoạt động tín dụng, đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ, có hiệu quả đảm bảo phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

Giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).
Giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).

Toàn tỉnh hiện có 42 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động với 31.069 thành viên. Với sự chỉ đạo nghiệp vụ và quản lý chặt chẽ, sát sao của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn của Ngân hàng Hợp tác xã Nam Định, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn được đánh giá hoạt động an toàn, hiệu quả. Quy mô hoạt động của hầu hết các quỹ đều tăng cả về vốn góp, vốn huy động và đầu tư cho vay, kết quả kinh doanh. Tính đến ngày 31-5-2019, tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống của quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt hơn 3.405 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ngắn hạn là gần 2.498 tỷ đồng, vốn vay trung và dài hạn là 907 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ. Qua thực tế hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thời gian qua cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, còn những hạn chế tiềm ẩn trong quản lý vốn tín dụng, công tác quản trị điều hành của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc; hoạt động cho vay, huy động vốn... Thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các quỹ tín dụng nhân dân; trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát vi mô của Chi nhánh đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, sai phạm; xử lý nghiêm các quỹ tín dụng có vi phạm, đặc biệt là các vi phạm đã được cảnh báo, vi phạm tái diễn hoặc chậm khắc phục; chủ động chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan công an; đảm bảo hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật. 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tiến hành 15 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, trong đó có 6 cuộc thanh tra các Quỹ Tín dụng nhân dân Nam Thanh, Cát Thành, Liêm Hải, Trực Thái, Cổ Lễ và Trực Đại. Tại Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Thái (Trực Ninh), thời gian qua, quỹ đã có sự tăng trưởng tương đối nhanh cả về huy động vốn và dư nợ cho vay. Tại thời điểm thanh tra cuối tháng 4-2019, tổng mức huy động vốn của quỹ đạt 80 tỷ 672 triệu đồng, dư nợ cho vay đạt 78 tỷ 870 triệu đồng. Quỹ đã chủ động được nguồn vốn tại chỗ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành viên trên địa bàn, tại thời điểm thanh tra, quỹ không phải vay vốn của Ngân hàng Hợp tác xã. Qua kiểm tra, Thanh tra giám sát đã đưa ra 16 kiến nghị đối với quỹ. Trong đó, yêu cầu quỹ nhanh chóng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, nhân viên; hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ còn thiếu; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các mặt hoạt động của quỹ để phát hiện và xử lý kịp thời các tồn tại sai phạm. Ngoài ra, Thanh tra cũng yêu cầu quỹ thu hồi 3 món vay do khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích ghi trên hợp đồng tín dụng hoàn thành trước 15-7-2019; xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để thu hồi nợ xấu đối với 3 món hoàn thành trước 31-7-2019… Mới đây, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục tổ chức hội nghị thông báo những sai phạm trong hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân được phát hiện qua công tác thanh tra, giám sát; chấn chỉnh hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng; đồng thời chỉ đạo các quỹ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17-9-2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 1-10-2018 về việc chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống quỹ tín dụng. 

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tinh gọn bộ máy quản lý, nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; rà soát đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc phù hợp với quy mô hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân trong tỉnh cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện tại, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Quỹ Tín dụng nhân dân Việt Nam tổ chức khoá đào tạo nghiệp vụ quỹ tín dụng cho 94 cán bộ của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, đảm bảo đến hết tháng 6-2019, tất cả nhân viên quản lý, điều hành của các quỹ tín dụng nhân dân phải được đào tạo, đào tạo lại theo chương trình chuẩn hóa do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Cùng với đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, chú trọng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, công tác quản trị điều hành, kiểm soát đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và lộ trình đề án đã đề ra. Các quỹ tín dụng nhân dân nhanh chóng hoàn thiện phương án cơ cấu lại để trình Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện; chấp hành nghiêm quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động; về lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có giải pháp tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; quản lý theo dõi chặt chẽ ấn chỉ trắng quan trọng; chấp hành nghiêm nguyên tắc, điều kiện, hồ sơ, công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay; chủ động cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn đảm bảo khả năng thanh khoản.

Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các quỹ tín dụng nhân dân thực hiện đúng nội dung, giải pháp và tiến độ phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt. Tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hoạt động, quản lý của mô hình hợp tác xã, tập trung thực hiện mục tiêu hỗ trợ vốn và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho các thành viên, tiến tới chỉ huy động và cho vay đối với thành viên của quỹ. Tiếp tục điều chỉnh địa bàn hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân theo hướng giới hạn hoạt động trên địa bàn một xã, phường, thị trấn. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, chủ động quản lý và kiểm soát nợ xấu; tăng cường quản lý rủi ro để giảm chi phí dự phòng rủi ro. Các quỹ tập trung hoàn thiện cơ chế, quy định nội bộ, tạo điều kiện cho thành viên tham gia quản lý và giám sát hoạt động, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động, kế toán, kiểm toán và chế độ báo cáo. Tăng cường công tác đào tạo, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý, nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, chủ động rà soát đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn các vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc phù hợp với quy mô hoạt động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật. Triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, đóng góp tích cực hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com